.

Nghệ nhân của làng

.
08:23, Thứ Năm, 04/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ông bảo, đừng gọi ông là nghệ nhân, bởi ông chỉ đơn giản là người yêu dân ca và sống trọn vẹn đời mình với những điệu hát mộc mạc mà chứa chan tình cảm ấy. Ngày lại ngày, người đàn ông gần thất thập này vẫn say sưa hát, say sưa viết kịch bản và truyền tình yêu văn nghệ của mình vào những làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên.
 
Tên ông là Nguyễn Lương Ngọc (Nam Lý, Đồng Hới), là một trong những nghệ nhân được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian tỉnh. Với ông, vinh dự ấy là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp miệt mài của ông trong suốt mấy chục năm qua.
 
Ông kể, ông sinh ra trong một gia đình neo người. Cha ông-một người đàn ông mù lòa nhưng vẫn yêu đời và say sưa với hò vè. Những ngày nhìn cha sáng tác lời vè dẫu đôi mắt chẳng nhìn thấy ánh sáng đã nhen nhóm lên trong Nguyễn Lương Ngọc một tình yêu âm nhạc, nhất là những làn điệu dân ca.
 
Năm 1978, ông tham gia vào đội văn nghệ xã Lý Ninh, rồi hăng say với những buổi tập, những buổi diễn. Ngày ấy, đói khổ, vất vả lắm nhưng những thành viên đội văn nghệ như ông vẫn cứ say sưa hát. Sân khấu hay sàn tập đôi khi chỉ là sân nhà giữa leo lét đèn dầu vậy nhưng vẫn đông vui đến lạ.
 
Đội văn nghệ của ông ngày ấy sôi nổi lắm. Ở đâu có hội diễn là cứ thế mà tham gia. Hội diễn nào cũng có sự tham gia của người đàn ông với dáng người cao gầy nhưng giọng hát thì ngọt ngào, da diết lạ.
70 tuổi, ông Nguyễn Lương Ngọc vẫn say mê với việc viết kịch bản dân ca.
70 tuổi, ông Nguyễn Lương Ngọc vẫn say mê với việc viết kịch bản dân ca.
Điều quý giá nhất trong những năm tháng miệt mài gắn bó ấy là được gặp gỡ, học hỏi với những lớp cha, chú đi trước. Cũng chính họ là những người đã “tiếp lửa” cho tình yêu dân ca trong ông thêm tròn đầy. Vậy nên, suốt những năm tháng sau này, có những khi chật vật, vất vả, ông vẫn không thôi một tình yêu đặc biệt dành cho những làn điệu mộc mạc ấy.
 
Dân ca Bình-Trị-Thiên từ lâu đã bén duyên và trở thành chất men say, nguồn cảm hứng thấm đẫm vui buồn trong dặm đường dài mà ông đã trải qua. Những kịch bản dân ca được ra đời từ trong chính những chắt lọc buồn vui đời người ấy.
 
Ông bảo, ngoài biểu diễn, điều khiến ông say mê hơn cả là được sáng tác những kịch bản dân ca. Bởi, hơn lúc nào hết, đó là lúc những làn điệu ấy trở nên gần gũi, thân thương nhất. Ông tỉ mỉ nghiên cứu từng đặc trưng của mỗi làn điệu, từ cách gieo bằng, trắc, đến nhịp điệu, tiết tấu, rồi hình thức diễn xướng.
 
Ban đầu, khi đã hiểu tường tận, ông bắt tay vào viết kịch bản cho đội văn nghệ của xóm, của phường. Lâu dần, người ta biết đến ông có khả năng đặc biệt ấy nên các ban, ngành, địa phương nhờ ông viết kịch bản cho các hội diễn. Phần lớn các tiết mục biểu diễn do ông viết đều giành các giải thưởng cao.
 
“Viết kịch bản dân ca thì việc nắm đúng điệu, đúng nhạc thôi là chưa đủ. Mà trước khi bắt tay vào viết kịch bản cho các ngành, địa phương, mình phải có thời gian tìm hiểu thật kỹ về địa phương, lĩnh vực ấy. Có như vậy thì lời viết mới có hồn, mới hay và đủ sức truyền tải thông điệp đến người nghe”, ông chia sẻ.
 
Kể về những ngày tháng miệt mài sáng tác kịch bản, ông vẫn khiêm tốn bảo rằng, có lẽ là mình may mắn dù hầu hết những tác phẩm do ông dàn dựng đều giành được giải cao tại các hội diễn. Nào là “Chị Thương hòa giải” (2002) đạt giải nhất hội thi hòa giải viên của tỉnh, rồi “Chuyện cành nhãn” giải nhất phần thi tài năng hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc năm 2005 và “Tấm lòng người mẹ” giải nhất tỉnh và giải ba hội thi Văn nghệ quần chúng toàn quân phòng chống ma túy khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
 
Và còn nhiều lắm những đứa con tinh thần mà ông nâng niu từng câu, từng chữ. Mấy chục năm qua, gia tài của một người đàn ông gần tuổi thất thập chẳng có gì quý hơn tập bản thảo dày cộm, đủ đầy các thể loại kịch bản. Có những bản thảo đã nhuốm màu thời gian, ố vàng, nhưng những nét chữ vẫn nắn nót từng dòng. Ông giữ lại tất cả bởi như ông nói, mỗi một kịch bản mới được viết ra lại đem so sánh với kịch bản cũ, rồi tự mình rút ra được kinh nghiệm trong dùng từ, trong nhịp điệu, tiết tấu.
 
Gần 70 tuổi, ông vẫn miệt mài trên hành trình khám phá những nét đẹp của các làn điệu dân ca quê hương. Những người đau đáu với vốn xưa, chuyện cũ như ông vẫn thấy ấm lòng với những giá trị văn hóa truyền thống luôn được nối dòng. Ông tự hào khoe rằng, những năm trở lại đây, rất nhiều cơ quan, đoàn thể quan tâm nhiều hơn đến dân ca. Họ tìm đến ông nhờ ông viết kịch bản, dàn dựng tiểu phẩm.
 
Nhiều tiểu phẩm đã đạt giải cao tại các cuộc thi khu vực và trên toàn quốc, như: “Chuyện người hàng xóm”, “Biển động”, “Ra biển”... Những dịp như thế, ông lại khấp khởi mừng thầm bởi thông qua các cuộc thi, những làn điệu dân ca quê hương lại được nhiều người biết đến. “Có vậy mới không bị mai một đi”, ông khẳng định chắc nịch.
 
Cả đời theo nghiệp hát hò, nhưng có lẽ với ông, khó khăn nhất không phải hát làm sao cho hay ho, ngọt ngào mà phải truyền tải được linh hồn của từng điệu hát ấy. Bởi dân ca, vốn dĩ là di sản của bao thế hệ cha ông, là tinh túy của tổ tiên ngàn đời vọng lại. “Nhất là điệu hò khoan, vốn sinh ra trong chính đời sống lao động sản xuất và rồi cuối cùng, điệu hò ấy cũng quay trở lại phục vụ cho đời sống sản xuất.
 
Nó bình dị nhưng da diết, nghe được, hiểu được là say”, ông Ngọc gật gù. Riêng với việc viết kịch bản dân ca, khó nhất là viết lời cho điệu Nam ai, Nam bằng. Muốn truyền tải được hồn cốt của nó và tránh bị pha tạp, người viết phải thực sự tường tận từ cách nhả chữ đến nhịp điệu.
 
Đến hôm nay, cuộc sống đã đủ đầy hơn xưa. Ông Nguyễn Lương Ngọc đã không còn phải chật vật với cuộc mưu sinh như dạo trước. Ông bảo, giờ thì bản thân đã có thể toàn tâm, toàn ý với những câu hò, điệu hát, với những trang kịch bản đầy tâm huyết kia. Có lẽ thế nên cuộc sống cứ nhẹ nhàng trôi đi. Còn ông cứ bình yên và lạc quan mà sống!
 
Diệu Hương
,