.

Ký ức ngày thống nhất non sông của người thầy thuốc

.
08:32, Thứ Ba, 30/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Mặc dù được giao trọng trách chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhưng khi có lệnh điều động vào giải phóng Sài Gòn, ông Vũ Xuân Định (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) vẫn cầm súng sát cánh cùng đồng đội tiến về Sài Gòn. Hòa bình lập lại, ông trở về quê công tác trong ngành Y tế, góp sức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về ngày thống nhất non sông vẫn luôn sống động trong ông.
 
Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Vũ Xuân Định “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ tại Huyện đội Lệ Thủy. Sau một thời gian, ông được cử đi học quân y để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên địa bàn.
 
Năm 1972, ông học Trường trung cấp Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần rồi về công tác tại Bệnh viện Quân y 105 của tổng cục. Năm 1974, ông được điều động về Trung đoàn 48, Quân đoàn 1 tiếp tục làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, cán bộ, chiến sỹ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Ông Vũ Xuân Định đang kể lại ký ức ngày thống nhất non sông.
Ông Vũ Xuân Định đang kể lại ký ức ngày thống nhất non sông.
Giữa tháng 4-1975, một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã được giải phóng. Khí thế của quân và dân cả nước đang lên cao, thời cơ giải phóng Sài Gòn đã đến. Theo mệnh lệnh của cấp trên, đơn vị ông tiến về giải phóng Sài Gòn trước ngày 30-4-1975.
 
Từ Ninh Bình, ông đã vượt gần 2.000km đường sắt, đường bộ để có mặt ở Sài Gòn trước ngày 30-4 với khẩu hiệu: “Gặp địch nhỏ thì bỏ, địch lớn thì đánh mà tiến”. Với lực lượng hùng hậu, đơn vị ông đã đánh thắng nhiều trận trên đường tiến về Sài Gòn.
 
Vượt qua Sông Bé, tỉnh Bình Phước đêm 28-4, Quân đoàn 1 bị địch chặn đánh tại Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương bằng các loại máy bay, vũ khí hiện đại. Tại đây, quân ta đã tiêu diệt 5 xe tăng địch. “Sau cuộc chiến kết thúc, tôi đã sơ cứu thương binh. Ai bị nặng thì chuyển về tuyến sau bằng xe Gát và xe cứu thương cướp được của địch, ai bị nhẹ vẫn tiếp tục hành quân về Sài Gòn”, ông Định kể.
 
Rạng sáng ngày 30-4, đơn vị ông tiến vào Sài Gòn theo tinh thần bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".
 
Ông Định bồi hồi nhớ lại: “Khoảng 11 giờ kém 20 phút ngày 30-4-1975, Quân đoàn 1 được lệnh đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. Lúc này, xe bọc thép tiến vào tiêu diệt nhiều lô cốt có quân địch. Thừa thắng, xe bọc thép hất tung cánh cổng của Bộ Tổng tham mưu và tiến vào. Xe tăng của ta đồng thời đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của giặc.
 
Trước tình thế đó, địch phải cắm cờ trắng đầu hàng vô điều kiện. Ngay lập tức, ta đã nhanh chóng cắm cờ giải phóng trên nóc Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền lúc 11 giờ 30 phút. Thời điểm này, các cánh quân của ta cũng chiếm Dinh Độc Lập và bắt sống Dương Văn Minh-Tổng thống Việt Nam cộng hòa cùng toàn bộ nội các. Sau đó, các lực lượng tiếp tục đánh chiếm Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, Bộ Quốc phòng của chính quyền ngụy, cảng Sài Gòn và ngân hàng!".
Ông Vũ Xuân Đinh đang hướng dẫn cán bộ Trạm y tế xã Liên Thủy trồng, chăm sóc vườn thuốc nam.
Ông Vũ Xuân Đinh đang hướng dẫn cán bộ Trạm y tế xã Liên Thủy trồng, chăm sóc vườn thuốc nam.
"Với tôi, vinh dự, tự hào lớn nhất là được chứng kiến phút giây lịch sử của dân tộc. Cảm giác tự hào và hạnh phúc dường như vẫn vẹn nguyên trong tôi!”, ông Vũ Xuân Định nhớ lại. Đánh chiếm xong các mục tiêu, ông được giao nhiệm vụ cứu thương cho chiến sỹ, bảo vệ Sài Gòn một thời gian ngắn rồi rút ra Bắc làm nhiệm vụ.
 
Sau đó, ông tiếp tục gắn bó với quân ngũ, tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Bắc, Lào và đến năm 1984 thì rời quân ngũ với quân hàm thượng úy.
 
Với chuyên môn được khẳng định trong quân đội, năm 1986, ông Định được đề bạt làm Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Kiến Giang cho đến năm 2000 thì nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2012, tại Đại hội Đông y huyện Lệ Thủy lần thứ 7, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội. Trên cương vị mới, ông đã góp phần đưa Hội Đông y huyện Lệ Thủy ngày càng phát triển. Đến nay, toàn huyện đã có 12 Hội Đông y cấp xã, thị trấn, 40 chi hội trực thuộc cấp huyện.
 
Từ năm 2018 đến nay, các chi hội đã điều trị cho trên 2.000 bệnh nhân với hàng chục nghìn thang thuốc; chi gần 3 tỷ đồng cho các hoạt động như: cắt thuốc, thủy châm, xoa bóp, hồng quang... Hiện, trên địa bàn huyện đã xây dựng được hàng chục vườn thuốc nam tại các cơ sở y tế; nhiều điểm bán thuốc nam trên địa bàn cũng đang góp phần làm đa dạng hóa nguồn thuốc và chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
 
Bác sỹ Nguyễn Thị Nhung, Trưởng trạm y tế xã Liên Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Nhờ sự hướng dẫn của ông Định, chúng tôi đã xây dựng thành công vườn thuốc nam tại trạm với 8 nhóm, trên 70 loại thuốc. Qua đó, góp phần trị bệnh cho nhân dân trên địa bàn, nhân giống thuốc tại các hộ dân”. Nay tuổi cao, sức yếu nhưng cựu chiến binh Vũ Xuân Định vẫn miệt mài với công việc, tiếp tục tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ năm xưa.

Ông Dương Văn Trương, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Lệ Thủy cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 171 CCB từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào 30-4-1975.

Trở về địa phương, các CCB luôn giữ phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ". Nhiều người trong số họ tiếp tục phục vụ quân đội, tham gia hoạt động chính quyền, dạy học, làm kinh tế gia đình.

Xuân Vương

 

,