.

Mật ong nuôi Minh Hóa: Để đặc sản níu chân du khách

.
10:35, Chủ Nhật, 24/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến huyện miền núi Minh Hóa, du khách thường tìm mua những chai mật ong về làm quà. Ngoài mật ong được khai thác từ rừng thì mật ong nuôi ở đây chất lượng cũng không hề thua kém, đặc biệt là loại mật ong hoa tría và hoa ngũ gia bì quý hiếm…

Đặc sản mật ong vụ đông

Theo lẽ tự nhiên, loài ong chỉ làm mật vào một khoảng thời gian nhất định trong năm, tùy vào địa bàn sống của chúng, thông thường là vào mùa xuân và mùa hè, thời điểm trăm hoa đua nở, có nhiều nguồn mật, phấn hoa. Nhưng những người thợ nuôi ong lâu năm ở Minh Hóa đã sáng tạo ra cách để đàn ong làm mật quanh năm từ nguồn hoa rừng nở vào mùa đông.

Ông Đinh Long, Chủ tịch Hội nuôi ong Minh Hóa kiểm tra đàn ong nuôi của gia đình.
Ông Đinh Long, Chủ tịch Hội nuôi ong Minh Hóa kiểm tra đàn ong nuôi của gia đình.

Ông Đinh Long, Chủ tịch Hội nuôi ong huyện Minh Hóa cho biết, Minh Hóa là một huyện miền núi, phần lớn diện tích là rừng nên khí hậu rất trong lành. Chính vì nơi đây vẫn giữ được nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú, nên nghề nuôi ong rất phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Đặc biệt, rừng ở một số xã, như: Xuân Hóa, Hóa Hợp và Hóa Phúc, mọc nhiều cây tría và cây ngũ gia bì (người dân địa phương còn gọi là cây chân chim). Cây tría là loại cây gỗ cao to, mọc theo quần thể ở các vùng núi đất.

Cây tría nở hoa vào khoảng tháng 11 âm lịch. Hoa tría có màu trắng, mùi thơm nhẹ, rất nhiều mật và phấn. Vào mùa hoa tría nở, loài ong chỉ mất 2 ngày đầu để lấy phấn và 3 ngày để tạo mật, đến này thứ 6 là ong đã làm đầy mật, vít nắp (tạo một màng mỏng để trám óng mật). Mật ong hoa tría có màu vàng trắng, vị ngọt thanh, thơm nhẹ.

Kế tiếp mùa hoa tría là mùa hoa ngũ gia bì, loại cây theo dân gian có tác dụng như một loại thuốc, giúp làm giảm các cơn ho, phòng ngừa bệnh ung thư, giúp giảm huyết áp. Mật ong hoa ngũ gia bì có màu vàng nhạt, vị ngọt thanh pha chút đắng nhẹ về sau…

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” cho Hội nuôi ong huyện Minh Hóa.

Những năm qua, người có tâm huyết với nghề nuôi ong ở Minh Hóa cũng đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng thương hiệu “Mật ong Minh Hóa”.

Theo ông Long, mật ong từ hoa cây tría và cây ngũ gia bì rất quý. Bởi ngoài tác dụng như một loài thảo dược quý, 2 loại cây này chỉ ra hoa vào mùa đông, dịp cuối năm.

Lúc này, thời tiết lạnh và khô hanh nên mật ong đậm đặc, thủy phần (nước) thấp, chỉ khoảng 20%. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, đàn ong nơi khác thường “ngủ đông” lại chính là cao điểm thu hoạch mật ong của nhiều hộ gia đình ở Minh Hóa.

Tuy mật ong hoa tría và hoa ngũ gia bì ở Minh Hóa được đánh giá là rất quý, chất lượng cao nhưng giá cả lại rất phải chăng. Trong khi một chai (700ml) mật ong khai thác từ rừng được bán với giá 500 nghìn đồng, thì đối với mật ong nuôi hoa tría và ngũ gia bì, bà con cũng chỉ bán mỗi chai 150 nghìn đồng.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Theo ông Đinh Long, Chủ tịch Hội nuôi ong Minh Hóa, không kể 2 loại mật ong từ hoa cây tría và ngũ gia bì, so với mật ong nuôi ở các địa phương khác, thậm chí mật ong được khai thác từ rừng, chất lượng mật ong nuôi ở Minh Hóa không hề kém cạnh. Bởi, Minh Hóa có trên 125 nghìn héc-ta rừng với nguồn hoa dồi dào là nguồn phấn và mật để những đàn ong nơi đây tạo nên một sản phẩm mật ong chất lượng cao.

“Mật ong khai thác từ rừng là hoàn toàn tự nhiên, tuy nhiên, vì sản phẩm từ rừng do người dân đi khai thác, nên nhiều trường hợp bà con khai thác tổ ong chưa đủ độ chín nhất định hoặc chín già, khiến thủy phần trong mật ong thường rất cao (trên 30%), mật ong thường có vị chua và không để được lâu.

Đó là chưa kể, người mua thường gặp phải mật ong giả, mật ong pha chế có nhãn mác mật ong rừng của những kẻ buôn gian bán lận. Trong khi đó, ong nuôi ở Minh Hóa được chọn từ giống “ong nội”, sử dụng nguồn hoa rừng tự nhiên dồi dào, người nuôi biết được độ chín của mật để thu hoạch nên chất lượng mật ong luôn bảo đảm; đặc sánh, tỷ lệ thủy phần luôn ở dưới mức 20%, bảo quản được lâu không bị hỏng”, ông Long chia sẻ.

Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” cho Hội nuôi ong huyện Minh Hóa. Những năm qua, người có tâm huyết với nghề nuôi ong ở Minh Hóa cũng đã có rất nhiều nỗ lực để xây dựng thương hiệu “Mật ong Minh Hóa”.

Ngoài Hội nuôi ong có 120 thành viên, nhiều người nuôi ong ở Minh Hóa đã liên kết lại, thành lập các hợp tác xã (HTX) nuôi ong để giúp nhau tư vấn kỹ thuật nuôi ong và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mật ong, phấn ong, sáp ong và giống ong…

Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân mà mật ong và các sản phẩm từ ong nuôi ở Minh Hóa vẫn chưa được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ vẫn bó hẹp trong huyện và chủ yếu là khách hàng đến tận nơi đây để mua.

Mật ong hoa ngũ gia bì có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ nhàng, đặc sánh và có vị hơi đắng.
Mật ong hoa ngũ gia bì có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ nhàng, đặc sánh và có vị hơi đắng.

Ông Châu Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Sinh Thái Miền Tây Quảng Bình, người rất thành công khi xây dựng và đưa thương hiệu “Mật ong Tuyên Hóa” vươn xa, chia sẻ: “Cũng giống như mật ong Tuyên Hóa, mật ong Minh Hóa là một sản phẩm có chất lượng cao, giàu giá trị dinh dưỡng.

Tuy nhiên, muốn xây dựng thành công thương hiệu “Mật ong Minh Hóa” và đưa sản phẩm này vươn xa trên thị trường cần thiết phải có một doanh nghiệp đủ tầm và tâm huyết với nghề nuôi ong sát cánh.

Bởi lẽ, ở Minh Hóa có những người nuôi ong lâu năm, lành nghề nhưng suy cho cùng họ cũng chỉ là những người nông dân chăm chỉ làm ra sản phẩm thô, còn khâu chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường thì vẫn còn rất hạn chế...”

Chia sẻ của ông Châu Văn Huệ cũng chính là trăn trở của ông Đinh Long và những người làm nghề nuôi ong lấy mật ở Minh Hóa. Ở thế giới của loài ong không có sự lười biếng. Có lẽ vì thế mà những người thợ nuôi ong huyện Minh Hóa luôn là những người chăm chỉ, cần mẫn và sản phẩm mật ong của họ làm ra luôn đạt chất lượng cao nhất.

Vậy nhưng để thương hiệu “Mật ong Minh Hóa” thực sự vươn xa, những người nuôi ong ở Minh Hóa cần lắm những doanh nghiệp tâm huyết và sự trợ giúp từ chính quyền địa phương.

Phan Phương

 

,