.

Mai một nghề đúc rèn Quảng Hòa

.
12:38, Chủ Nhật, 27/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nghề đúc rèn thôn Nhân Hòa, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn những năm về trước khá thịnh vượng, đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và cách mạng công nghiệp, làng nghề đúc rèn đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mai một ngày càng hiện hữu.

Theo các nghệ nhân lớn tuổi, nghề đúc rèn Quảng Hòa xuất hiện từ những năm cuối của cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn (1774-1775). Trước đây, khi ngành công nghiệp chưa phát triển, nghề đúc rèn rất thịnh vượng với sản phẩm là các vật dụng quen thuộc của nông dân. Trong thời kỳ chiến tranh,sản phẩm có thêm giáo, mác, chông, đao... Trong thời bình, các sản phẩm của làng nghề chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: dao, rựa, rìu, cày, bừa, cuốc, liềm, xẻng…

Năm 2008, thôn Nhân Hòa được UBND tỉnh công nhận là làng nghề đúc rèn, sản xuất mộc mỹ nghệ, trong tổng số 120 hộ làm nghề thì có 70% hộ dân làm nghề đúc rèn, 30% sản xuất mộc mỹ nghệ. Đây chính là cơ hội để địa phương thúc đẩy nghề ngày một phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng.

Từ khi được công nhận làng nghề, người dân nơi đây đã mạnh dạn áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hoá nghề rèn truyền thống để tăng năng suất lao động. Nhiều hộ đã tự trang bị máy mài, máy dập... nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hiện nay, làng nghề chỉ còn 15 hộ tham gia nghề đúc rèn, nguy cơ mai một làng nghề là chuyện khó tránh.

Nghề đúc rèn vất vả nhưng thu nhập thấp, nên giới trẻ hiện nay không mặn mà với nghề.
Nghề đúc rèn vất vả nhưng thu nhập thấp, nên giới trẻ hiện nay không mặn mà với nghề.

Anh Nguyễn Văn Dương, thôn Nhân Hòa, lớn lên trong gia đình có cha và ông nội đều là những người thợ rèn giỏi của vùng. Hơn 20 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy năm anh quen với lò lửa, bụi khói và sức nóng lan tỏa, mồ hôi nhễ nhại. Anh Dương cho biết, những năm trước đây, làng nghề làm ăn rất khấm khá, bởi tất cả vật dụng từ sinh hoạt tới lao động sản xuất đều cần thợ rèn.

Đến mùa gặt, liềm sản xuất không kịp để bán, đến mùa gieo trồng, cày, cuốc lại bán rất chạy. Nay nghề nông phần lớn đã được cơ giới hóa, làm bằng máy móc, nên nghề rèn thu hẹp dần.

Bây giờ lớp trẻ trong làng lớn lên đều xin vào các công ty hoặc Nam tiến lập nghiệp, xuất khẩu lao động…, không ai theo nghề rèn vì thu nhập thấp nhưng đòi hỏi nhiều sức lực, chịu nhiều rủi ro. Thêm nữa, người dân bây giờ cũng không mặn mà với những sản phẩm rèn thủ công vì sản phẩm công nghiệp vừa rẻ, chất lượng không thua kém bao nhiêu.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dần có truyền thống 30 năm làm nghề đúc rèn. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có hai vợ chồng anh theo nghề. Anh Dần bùi ngùi: “Sợ rằng mai đây không còn ai theo đuổi nghề này nữa. Người ta sẽ dần quên bếp lửa và tiếng búa trước cơn lốc của công nghệ hiện đại và thị trường”.

Theo ông Dần, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá cả cạnh tranh. Một cái rựa ông làm ra phải bán từ 120.000-150.000 đồng mới có lãi, nhưng ngoài thị trường chỉ với 70.000- 80.000 đồng là đã có cây rựa đẹp. Rèn thủ công không thể cạnh tranh với hàng công nghiệp. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông làm cật lực cũng chỉ thu về 400.000 đồng.

Không chỉ nghề rèn, nghề đúc nơi đây cũng khó đứng vững bởi thiếu nguyên liệu và đầu ra sản phẩm. Nồi, mâm đúc Quảng Hòa từ lâu nổi tiếng là dày đẹp, được nhiều người ưa chuộng. Sản phẩm làm ra đến đâu, bán đến đó. Tuy nhiên, từ khi đồ inox ra đời, nghề đúc xoong nồi, mâm chảo cũng thưa dần. Hiện chỉ vài hộ còn duy trì công việc này nhưng không thường xuyên.

Theo ông Ngô Ngọc Cầm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 4 máy dập cho các hộ dân làng nghề nhằm chuyển đổi công nghệ, duy trì và phát triển làng nghề; địa phương cũng thường xuyên khuyến khích người dân đào tạo cho lớp trẻ để tiếp tục giữ nghề.

Tuy nhiên, để bảo tồn được nghề rèn ở đây, trước tiên, bản thân người làm nghề rèn phải biết đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn thông thoáng để người dân dễ dàng tiếp cận, trang bị máy móc phù hợp, đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, có như vậy may ra làng nghề đúc rèn Quảng Hòa mới có thể tồn tại.

T.Hoa-P.Hà

 

,