.

Mãi còn đó người anh hùng trên cổng gió Cha Lo

.
21:07, Thứ Bảy, 19/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Là lính biên phòng, tôi ao ước được 1 lần đặt chân đến Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) để cảm nhận được khí phách anh hùng của những người lính biên phòng Quảng Bình. Trong mây và gió, bên bếp lửa hồng, tôi được kể cho nghe về một người con dân tộc Khùa, được sinh ra ở mảnh đất biên viễn này, đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho đất nước. Đó là Anh hùng LLVTND-đại úy Hồ Phòm.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phom cùng các con, cháu.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phom cùng các con, cháu.

Bản Hà Vi nằm sát quốc lộ 12-con đường Quyết Thắng năm xưa với những mái nhà xen trong những tán cây lớn của đồng bào dân tộc Khùa. Qua cầu Hà Vi, mọi người rất dễ nhận ra 1 ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, lợp tôn, rộng rãi và rất chắc chắn.

Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết, đó là “món quà” của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình tặng cho Anh hùng LLVTND, nguyên là Phó đồn trưởng trinh sát Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo-đại úy Hồ Phòm.

Đã hẹn trước nên ông Hồ Thoong-con trai thứ của Anh hùng Hồ Phòm đón chúng tôi ở chân cầu thang. Ông Hồ Thoong-người gắn bó với cha nhất (hiện gia đình ông đang gìn giữ ngôi nhà của cha ông được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng) nên ông thường được cha kể cho nghe những câu chuyện về năm tháng gắn bó với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Những câu chuyện về Anh hùng Hồ Phòm giờ trở thành câu chuyện cổ tích của người Khùa, được kể cho trẻ em để khơi dậy lòng lòng tự hào về sự dũng cảm, mưu trí của người Khùa.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1954, cha ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng vũ trang Công an tỉnh làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên tuyến biên giới Việt-Lào và đến năm 1959 thì chuyển qua lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).

Là người địa phương lại giỏi tiếng Lào, cha ông thường cải trang thành người dân để thu thập các thông tin về các đồn của địch ở Lằng Khằng, điểm chốt La Te (tỉnh Khăm Muộn) địa phận đối diện với đồn Cha Lo để nắm tình hình và quân số của địch.Những hoạt động đó đã giúp lực lượng cách mạng Lào đánh tan đồn Lằng Khằng, điểm chốt La Te năm 1961, mở ra tuyến đường cho xe qua lại nước Lào.

Năm 1963, sau khi tốt nghiệp lớp quân sự quân báo tại Trung Quốc, cha ông được tổ chức cử làm cố vấn quân sự giúp quân đội cách mạng Lào. Ngoài việc chuyên môn, ông vẫn thường cải trang thành người dân, đi sâu vào lòng địch để nắm tình hình và xây dựng căn cứ cách mạng.

Trong những chuyến đi đó, ông cũng dày công tuyên truyền vận động nhân dân không theo giặc, ủng hộ phong trào cách mạng. Trong thời gian công tác ở Lào, ông thường xuyên cận kề với nguy hiểm, nhưng nhờ sự che chở của người dân và sự mưu trí của mình mà thoát chết trong gang tấc.

Đó là năm 1963, ông đến một nhà người dân theo cách mạng ở Lào. Gia đình này chỉ có bà mẹ và cô con gái đã lớn sống với nhau. Phát hiện có nghi vấn, địch đã huy động đến bao vây. Với bản lĩnh của mình, chàng trai người Khùa bình tĩnh và sẵn sàng đối mặt với cái chết để bảo vệ bí mật quốc gia. Địch hỏi ông là ai, ông trả lời bằng tiếng Lào: "Tôi là con rể nhà này và mới đi xa về".

Vậy là ông thoát khỏi tay địch. Lần khác, khi ông cùng 1 đồng chí người Lào đi công tác, đến ngã ba Lằng Khằng thì bất ngờ giáp mặt với 2 tên phỉ. Dù bị bất ngờ, nhưng ông đã mưu trí và nhanh chóng đẩy đồng chí của mình vào góc khuất và nổ súng. Khi súng hết đạn, ông và đồng chí của mình nằm sấp xuống đường giả vờ chết. Hai tên phỉ phần vì chủ quan, phần vì sợ còn chiến sĩ cách mạng khác nên nhanh chóng bỏ đi.

Với những thành tích đạt được, năm 1969, ông vinh dự đại diện cho quân tình báo ưu tú hoạt động ở Lào ra Hà Nội dự một cuộc họp với quân biệt động Sài Gòn. Ngày 25-8-1970, đại úy Hồ Phòm được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và trở thành người Khùa đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở huyện Minh Hóa được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Đất nước giải phóng, đại úy Hồ Phòm xin được phục viên bởi: “Những năm tháng tuổi trẻ, tôi đã tạm gác lại việc gia đình để cống hiến cho cách mạng. Đất nước hòa bình, tôi muốn dành thời gian cùng vợ nuôi đàn con thơ khôn lớn”. Và, người lính ấy đã nuôi dạy những người con trai, con gái của mình trưởng thành và luôn có trách nhiệm với nơi mình sinh sống.

Các con của Anh hùng Hồ Phòm luôn là “chỗ dựa” cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo khi triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, khi BĐBP vận động nhân dân loại bỏ các hủ tục hay triển khai cây trồng, con giống với lối canh tác mới, các con của Anh hùng Hồ Phòm luôn là những người tiên phong.

Con trai của Anh hùng Hồ Phòm-ông Hồ Thong và Trung tá Dương Đình Hoàn.
Con trai của Anh hùng Hồ Phòm-ông Hồ Thoong và Trung tá Dương Đình Hoàn.

Trong căn nhà do Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình tặng, ông Hồ Thoong vẫn còn lưu giữ tất cả những kỷ vật của cha. Bằng chứng nhận Huân chương chiến công Hạng Nhì, Huy chương Kháng chiến, Bằng khen, Giấy khen các cấp vẫn được treo trang trọng trong nhà.

Đặc biệt, bức ảnh Anh hùng Hồ Phòm chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1969 tại Hà Nội được treo trang trọng trong khung ảnh gia đình. 6 người con của ông, mỗi người cũng treo tấm ảnh như một lời nhắc nhở mình, con cháu mình phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng là người mang dòng máu của người anh hùng.

Mấy năm trước, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã trích quỹ đơn vị, tổ chức xây dựng lại mộ của Anh hùng Hồ Phòm. Trung tá Dương Đình Hoàn cho biết: "Đây là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Dịp lễ tết, đơn vị vẫn thường xuyên đến thắp hương, thăm hỏi gia đình anh hùng Hồ Phòm. Đại úy Hồ Phòm đã đi xa nhưng những câu chuyện về người Anh hùng Công an nhân dân vũ trang vẫn còn mãi như dãy núi Giăng Màn với cổng gió Cha Lo kia…

Trúc Hà

 

,