.

"Giữ lửa" hò khoan làng biển

.
14:28, Thứ Năm, 10/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong chín làn điệu hò khoan Lệ Thủy, xã Ngư Thủy Nam có 2 làn điệu mang đặc trưng của vùng biển là hò khơi và hò nậu xăm. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, hai làn điệu này vẫn được lưu truyền đến bây giờ. Người có công “giữ lửa” cho những làn điệu mượt mà đó là nghệ nhân Nguyễn Thanh Thiếu, ở thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy).

Độc đáo hò khoan làng biển

Là lính Cụ Hồ, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông Nguyễn Thanh Thiếu gắn bó với nghề biển như bao ngư dân khác. Phần lớn cuộc đời gắn liền với biển nên ông thân thuộc với những câu hò khơi, hò nậu xăm đậm chất biển.

Biển Ngư Thủy Nam là chất liệu chính trong hai làn điệu hò khơi, hò nậu xăm.
Biển Ngư Thủy Nam là chất liệu chính trong hai làn điệu hò khơi, hò nậu xăm.

Ông Thiếu kể: “Điệu hò khơi và hò nậu xăm có từ bao giờ không ai nhớ rõ, cũng không có tài liệu nào ghi chép, chỉ biết là, khi tôi lớn lên đã nghe những bậc tiền bối hát và truyền miệng cho thế hệ sau. Hò khơi là hò khi đang đi đánh cá ngoài khơi. Còn hò nậu xăm được hò trên bờ, khi thuyền cập bến, ngư dân thu hoạch cá từ thuyền hay trong những lúc đan lưới, nghỉ ngơi...”.

Gắn bó với đời sống, lao động của người dân vùng biển, điệu hò khơi và hò nậu xăm diễn ra chủ yếu trong lao động, sản xuất. Cả hai điệu hò này, một người hò cũng được, hai người càng hay và càng đông, điệu hò càng lôi cuốn. Trong khi hò, ai cũng có thể làm diễn viên và khán giả. Nếu chỉ một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Khi ra khơi, gặp biển lặng phải đưa tay chèo, ngư dân hò khơi để tiếp thêm sức mạnh, khích lệ tinh thần cho bạn thuyền.

Khi thuận buồm xuôi gió, người dân được rảnh tay thì hò đối đáp để giải trí hay chia sẻ những kinh nghiệm đi biển với nhau: “Ngọn gió nam, nam lất phất… lất phất, phất thổi liền/Ngó thì say bông, bông tốt chẹn nhưng tự nhiên, tự nhiên mất mùa”.

Bên thuyền khác đối đáp lại: “Gió nam lất phất thổi liền/Mất mùa là do nắng hạn, dưới biển nác đầy (nước đầy) không can chi”. Khi cá nặng lưới đầy, người dân hò: “Ơi trai, ơi bạn, ơi bạn hãy lăm lên (kéo lên)/Để Ông (cá ông) cho là cho dia mái (cá to, cá nhỏ)/Chớ đừng quên, quên phước người”…

Rồi khi thuyền cập bến, ngư dân lên bờ thì có điệu hò nậu xăm: “Nhanh tay ta chuyển cá vào/Con thu, con nục vẫy chào đón trăng”. Có khi, điệu hò lại ca ngợi vẻ đẹp của quê hương: “Quê ta cảnh đẹp hữu tình/Dương xanh cát trắng soi mình biển khơi”. Hay có những câu hò đối đáp giao duyên, thể hiện tình yêu trai gái. Người con trai hò: “Anh hỏi em rằng… rằng nước chửa, chửa khi mô… mà thế gian, gian đồn thổi… không có chồng mà nước sinh”.

Người con gái đáp lại: “Vì con nước sinh… phải đến tháng, tháng đến kỳ… mười bốn lần, lần nhật nguyệt… phải tức thì, thì nước mới sinh”… Trước hoặc sau mỗi câu hò thường có đoạn: “Hồ hò, hô hò lớ, hô lơ hô lớ”.

Quyết tâm giữ điệu hò quê hương

Mong muốn giữ gìn, phát huy giá trị của những điệu hò khoan làng biển quê hương mình, ông Nguyễn Thanh Thiếu đã quyết tâm sưu tầm, sáng tác các làn điệu hò. Từ nhỏ, ông đã học được rất nhiều câu hò của cha ông truyền lại.

Ông Nguyễn Thanh Thiếu đang trò chuyện với phóng viên về quá trình sưu tầm, sáng tác hò khơi và hò nậu xăm.
Ông Nguyễn Thanh Thiếu đang trò chuyện với phóng viên về quá trình sưu tầm, sáng tác hò khơi và hò nậu xăm.

Đồng thời, ông học và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt; sáng tác nhiều kịch bản nhạc dân ca, hò vè; đạo diễn các buổi văn nghệ để phục vụ cho việc hát và lưu truyền hò khoan làng biển. Với sự hiểu biết, đam mê của mình, ông đã được bầu làm Chủ nhiệm CLB Hò khoan xã Ngư Thủy Nam và được công nhận là nghệ nhân hò khoan từ năm 2017.

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam cho biết: “Với sự nỗ lực của ông Thiếu, CLB Hò khoan của xã đi vào hoạt động hiệu quả; những làm điệu hò cũ đã được hồi sinh; làn điệu mới tiếp tục được ông sáng tác.

Nhiều năm qua, CLB đã tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng do huyện, xã tổ chức, được công chúng mến mộ. Năm 2012, tại Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, CLB Hò khoan của xã được mời biểu diễn hai làn điệu hò khơi, hò nậu xăm”.

Bà Nguyễn Thị Lý, Chủ nhiệm CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy nói: “Ông Nguyễn Thanh Thiếu không những có đóng góp lớn cho sự phát triển của hò khơi, hò nậu xăm vùng biển mà còn góp phần đưa hò khoan Lệ Thủy trở thành di sản phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, những sưu tầm, sáng tác của ông là những tài liệu quý cho hò khoan Lệ Thủy thêm sinh động, phát triển”.

Giờ đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Thiếu vẫn miệt mài sưu tầm, sáng tác, truyền dạy và hát hò khoan, khai thác vào các làn điệu hò khoan cổ để sáng tác lời mới...

Xuân Vương


 

,