.

Hải Long Vương Bạch Xỉ, Hoàng đế, Thi nhân

.
14:46, Chủ Nhật, 04/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Gọi là Hoàng đế vì ông từng lên ngôi... Hoàng đế, sau khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt (11-1988). Dù dưới trướng không tới một ngàn tay gươm, đất chưa đầy trăm dặm, ông vẫn cùng 28 thủ hạ (nhị thập bát tú) cắt đặt chức vụ triều chính,  truyền hịch kêu gọi tiếp tục đánh Pháp. Gọi là thi nhân, vì, tuy không để lại nhiều di cảo, nhưng thơ, phú, câu đối của ông rải rác truyền lại khá nhiều trong phả hệ, trong dân gian trải đã tròn 120 năm.

Bạch Xỉ tên thật là Đoàn Chí Tuân, sinh năm Ất Mão (1855) tại Hòa Ninh, phủ Quảng Trạch, nay là xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nho học. Tổ phụ của ông là Đoàn Chí Nguyện, từng chỉ huy Đội nghĩa dũng Hòa Ninh phục vụ trong đội quân Tây Sơn, hai lần ra Bắc diệt Trịnh và đại phá quân Thanh. Thuở nhỏ, Đoàn Chí Tuân học với cụ tú Nguyễn trong làng, với thầy quan biện ở Thọ Linh, có tiếng là “thần đồng-sinh tri”(sinh ra đã biết liền).

Mười hai tuổi, Đoàn Chí Tuân đã nổi tiếng văn thơ khẩu khí đế vương. Có người ra vế đối: “Hoàn quân dĩ đãi tướng quân”, Tuân đối ngay “Sinh tử tất vi thái tử”. Tiếng đồn lan tới cung đình khiến vua Tự Đức phải sai Tùng Thiện Công(Tùng thiện vương Miên Thẩm) ra Hòa Ninh thẩm tra xem “phải chăng là những lời đồn ngoa”.

Trở về, Tùng Thiện Công tâu lên xác nhận sự thật. Tự Đức lo ngại phán rằng: “ Thằng nhãi này lớn lên sẽ làm giặc!”. Khác với các bậc sĩ phu thành đạt sớm, Đoàn Chí Tuân lớn lên trong thời buổi loạn lạc, chưa một lần lều chõng. Ông từ chối cả lời mời vào kinh:

Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thủ giang san
(Cuộc đời mây nổi cần chi hỏi
Thà cứ gối cao đánh chén tràn)

Đoàn Chí Tuân tủ theo “ ba bồ chữ” lông ngông suốt lưu vực các sông Đại Linh Giang (sông Gianh), Lệ Giang, Lam Giang, kết bạn tâm giao, lập các “tiểu thi đàn”,các lò luyện võ. Năm 1885, sự biến kinh thành, Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn hạ chiếu Cần Vương, xa giá ra Cam Lộ, vòng lên Lào, về Hương Khê trở vào tới Quảng Bình. Đoàn Chí Tuân cầm “ba thước gươm” dẫn “ Tiểu đội Hòa Ninh” đón đường hộ giá. Nhưng, ngay từ đầu, ông đã mâu thuẫn với Tôn Thất Thuyết.

Có lẽ vì quê ông có đạo dòng nên không đồng ý và kiên quyết phản đối khẩu hiệu “ sát tả” (giết tả đạo), chỉ đề cao chủ trương “ bình tây”. Không được Tôn Thất Thuyết tin dùng, ông trở về quê giương cờ Cần Vương, tự xưng là “ Hải Long Vương Bạch Xỉ”, lập đội quân năm trăm tráng sĩ (có 21 giáo dân) trong vùng, mua sắm súng ống chiến mã , rèn đúc dao kiếm chia quân ngũ tập luyện.

Lễ rước vong linh cụ Đoàn Chí Tuân (Bạch Xỉ) vđo thờ  tại đnh Hìa Ninh năm 2015. Ảnh: T.H
Lễ rước vong linh cụ Đoàn Chí Tuân (Bạch Xỉ) vđo thờ tại đnh Hìa Ninh năm 2015. Ảnh: T.H

Riêng việc danh xưng “Bạch xỉ” (răng trắng) và chủ trương đoàn kết lương-giáo đánh Tây đã thể hiện tinh thần đổi mới đi trước thời đại của ông. Hơn thế, nhận thấy điạ bàn Hòa Ninh chưa thể lập được căn cứ, ông vui lòng chia quân làm ba đội sáp nhập với ba vùng kháng chiến của ba thủ lĩnh khác. Đội thứ nhất do Nguyễn Hưng Vượng chỉ huy sáp nhập với nghĩa quân Cao Thượng Chí ở Xuân Mai, Tuyên Hóa. Đội thứ hai do võ sĩ Đinh Hớn chỉ huy đến với nghĩa quân của Đề đốc Mai Lượng ở Cao Mại.

Số còn lại do chính ông và Nguyễn Ngọc Hiền chỉ huy kéo vào vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh phục vụ dưới trướng Hoàng Phúc ở căn cứ Vạn Xuân. Trong bốn năm chiến đấu dưới cờ Cần vương, các đội quân của ông đều lập công trạng và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.Tháng 11-1988, vua Hàm Nghi bị bắt tại Khe Ve (Tuyên Hóa), nghĩa quân ở Quảng Bình tan rã.

Các thủ lĩnh Lê Trực, Cao Thượng Chí giải tán lực lượng vũ trang cho về quê làm ăn chờ thời. Đề đốc Mai Lượng ốm nặng qua đời tại căn cứ. Bạch Xỉ tập hợp lại quân số cũ của mình, tuyển thêm quân rồi kéo ra Hà Tĩnh chiến đấu dưới cờ thủ lĩnh Phan Đình Phùng.

Tại đây, một lần nữa ông lại mâu thuẫn với cụ Phan. Trong chiến đấu, ông không ngần ngại dùng nhiều thủ đoạn thuật sĩ, ma thuật để lừa đối phương. (Đến giữa thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi, trại thương binh của Quân khu Bốn đóng tại Hương Sơn (Hà Tĩnh), trong các buổi trà dư tửu hậu, chúng tôi còn nghe nhân dân hào hứng kể về những giai thoại các chiêu thức của ông lừa giặc). Mặt khác, ông vẫn chủ trương “bình Tây” nhưng không “sát tả” và suy tôn cụ Phan lên làm vua. Tất cả đều không được cụ Phan chấp nhận.

Thất vọng, Bạch Xỉ lại kéo quân về lập căn cứ ở núi Đại Hàm, rồi đến giữa năm 1889 tự đăng quang lấy niên hiệu là LONG ĐỨC HOÀNG ĐẾ, cắt đặt thủ hạ hai mươi tám người vào các ban bộ, truyền hịch kêu gọi lương/giáo đoàn kết đánh Pháp. Nhờ chủ trương đoàn kết này mà “triều đình” của ông có chiều vững mạnh, Hải Long Vương Bạch Xỉ có tiếng là “minh quân”.

Dân gian thời ấy truyền tụng câu sấm: “Bạch xỉ sinh/ Thiên hạ bình”. Các đạo quân dưới trướng liên tiếp thắng trận. Trong sáu năm chiến đấu độc lập( từ 1891-1896), nghĩa quân đánh gần trăm trận lớn nhỏ.

Điển hình như trận phục kích bến đò Thanh Luyện đầu tháng 1-1891; trận cải trang dùng đoản đao xuất kỳ bất ý đột kích vào đồn giết 50 địch thu 21 súng; trận đánh đoàn xe chở lương của Pháp tháng 5-1892; trận hỏa công lợi dụng gió lào đốt cháy đồn Linh Cảm tháng 6-1894... Tiếc thay, khi chiến công càng nối dài thì tiếng tăm lẫn cả tiếng xấu về ông càng lan xa.

Việc ông ngạo mạn lên ngôi hoàng đế, bỏ khẩu hiệu “sát tả”của Cần Vương, liên kết với giáo dân, dùng nhiều phép tàng hình, độn thổ trong chiến đấu khiến tư tưởng trung quân của một nhà nho chính trực như cụ Phan không thể chấp nhận. Cụ quyết định kéo quân vào Đại Hàm hỏi tội.Nhưng nghĩa quân Bạch Xỉ đã chủ động dời đi tránh một cuộc “nồi da xáo thịt”.

Mặc dù vậy, cũng như sáu năm trước sẵn lòng chia nhỏ quân thành các đạo đi tham gia kháng chiến, năm 1895, khi nghĩa quân Hương Khê bị quân Pháp đánh gấp, Bạch Xỉ lập tức tổ chức nhiều trận chia lửa. Sau khi cụ Phan mất tháng 5-1895, nghĩa quân Hương Khê hoàn toàn tan rã.

Tiêu diệt xong nghĩa quân Phan Đình Phùng, quân Pháp quay sang tập trung tấn công dữ đội vào “triều đình non trẻ và có phần lãng mạn” của Bạch Xỉ ở căn cứ Đại Hàm, núi Quạt. Lúc này, cả “Long đức hoàng đế” lẫn phó thủ lĩnh Nguyễn Ngọc Hiền đều ốm nặng. Tuy vậy, nghĩa quân cũng tổ chức một trận đánh cuối cùng trên thượng nguồn sông Ngàn Phố, diệt 17 địch, thu 4 súng.

Ngày 12-10 năm Bính Thân (1896) Pháp huy động 500 quân bao vây làng Trung Đính. Hải Long Vương Bạch Xỉ bị bắt. Mặc nhiên, quân Pháp không công nhận ông là hoàng đế. Tại nhà lao Vinh (Nghệ An) dù bị tra tấn và mua chuộc, ông vẫn giữ vững khí tiết của người chí sĩ Cần Vương yêu nước. Một ngày mùa đông năm 1897, ông trút hơi thở cuối cùng ngay trong nhà lao Vinh.

Tròn một trăm hai mươi năm ngày lãnh tụ Cần Vương Bạch Xỉ qua đời, dòng tộc họ Đoàn ở Quảng Trạch vẫn không thể xác định được mộ phần của ông. Cuộc đời, tư chất và võ nghiệp của ông mang nhiều màu sắc tráng khí, lãng mạn, phảng phất một chút “ngông”. Trong bài tự họa mang tiêu đề “Không lấy vợ”, ông viết:

Nằm chẳng ngủ mà ăn chẳng ngon
Khăng khăng đêm ngày dạ sắt son
Đã nghĩ một mình không lấy vợ
Vì thương trăm họ thảy là con.”

Ông có một người con gái là Đoàn Thị Nga theo chăm sóc cha trong tù, sau không thấy tin tức gì về bà. (Gần đây, chúng tôi đã liên lạc được với con trai của bà, cháu ngoại của Đoàn Chí Tuân, hiện đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh). Những nghĩa quân sống sót trở về quê hương lập miếu thờ ông, trên khắc ba chữ: “Tam thiên môn”.

Không ai biết từ đâu ông có danh xưng “ Hải Long Vương Bạch Xỉ”!. Có thể là sấm Trạng Trình vận vào ông hay chính ông xưng danh vận vào sấm để tạo lòng tin trong công chúng phục vụ cho cuộc Cần vương kháng Pháp. Cả hai câu:

Một lũ thầy tăng (thằng Tây) ra trị nước
Có ông Bạch Xỉ mới nên đời

Cũng có lời đồn là tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lòng yêu nước, đức hy sinh của ông đáng để hậu thế nghiêng mình. Cái chất nghĩa hiệp, lãng mạn hơi ngông của Hải Long Vương khiến giới văn nhân đời sau thích thú ngưỡng mộ.

Ngay trong những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa, ông đã có bài thơ “ Đề gươm” đầy chất tráng khí:

“Lọt lò tạo hóa bấy lâu nay
 Ba thước gươm thiêng nắm ở tay
Nhúng xuống sông Âu lòe
                                       ánh tuyết
Mài ngang đá Việt đứt làn mây

Ra uy bể Bắc kinh hồn Bắc
Thử thép non Tây vựa mặt Tây
Tấm lòng son tỏ vì non nước
 Ai biết cho không cũng mặc rày”.

Nguyễn Thế Tường


 

,