.

Những điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi

.
08:51, Thứ Ba, 23/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hội viên phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế. Mỗi người ở một địa phương khác nhau, hoàn cảnh gia đình không giống nhau, nhưng ở họ có điểm chung là cần cù, chịu khó, nghị lực vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình.

Nhìn vào cơ nghiệp của chị Nguyễn Thị Hằng, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) hôm nay, ít ai nghĩ chị đã từng trải qua bao gian nan, vất vả. Những ngày tháng tất tả mưu sinh đã giúp chị nuôi ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các điển hình phụ nữ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các điển hình phụ nữ có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Chị Hằng cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương về xây dựng các mô hình kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành nghề mới, năm 2005, chị mở tiệm may chuyên cung cấp các mặt hàng may mặc phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Vừa sản xuất, chị vừa dành thời gian tìm tòi, hỏi học những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Nhờ đó, khách hàng đến với tiệm may của chị ngày càng đông.

Khi tiệm may dần đi vào ổn định, chị bắt đầu suy nghĩ về hướng đi mới với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn. Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, chị Hằng hiểu khá rõ về nhu cầu việc làm của chị em phụ nữ, đa phần muốn có thêm thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo cho gia đình nên mở xưởng may sẽ dễ thu hút công nhân.

Đầu năm 2017, chị mạnh dạn vay hơn 900 triệu đồng mở xưởng may công nghiệp. Thời gian đầu là giai đoạn hết sức khó khăn, xưởng nhỏ, đơn hàng ít, tay nghề công nhân vừa học vừa làm chưa vững, nên doanh thu không được là bao. Không nản chí, vợ chồng chị đã dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở may công nghiệp lâu năm, cũng như mở rộng mối quan hệ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ sự năng động, sáng tạo cũng như tay nghề ngày càng vững vàng, xưởng may của chị Hằng đã tạo được uy tín với khách hàng nên có rất nhiều cơ sở đến đặt may với số lượng lớn, giúp công nhân có việc làm đều đặn quanh năm. Hiện tại, xưởng may của chị có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động trên địa bàn, với mức lương bình quân từ 4-5triệu đồng/người/tháng.

“Để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, vợ chồng tôi thành lập thêm Công ty TNHH may Thăng Huyền đóng tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh). Bước đầu, công ty đang tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 50 lao động và dự kiến sẽ tuyển thêm nhiều lao động nữa trong thời gian tới”, chị Hằng chia sẻ.

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, chị Hằng còn tích cực tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ và địa phương tổ chức, sống chan hòa với bà con lối xóm và được mọi người tin yêu, mến phục.

Chị Phan Thị Quyên, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tâm Quyên là một điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Bố Trạch. Từ một cơ sở thu mua hải sản nhỏ, sau nhiều năm vượt khó, công ty của gia đình chị đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, phạm vi kinh doanh mở rộng ra cả nước và xuất khẩu sang các nước lân cận.

Tổng doanh thu hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động tại địa phương, trong đó có 50 lao động nữ với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài công việc kinh doanh, chị luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm người mẹ, người vợ trong gia đình. Các con của chị đều có công ăn việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bận bịu công việc, nhưng tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi của mình, chị Quyên rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện. Chị thường xuyên hỗ trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh cho chị em phụ nữ, tạo công ăn việc làm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, giúp giảm số hộ nghèo trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Sản xuất tinh dầu tràm ở Quảng Hưng là nghề truyền thống có từ nhiều năm về trước nhưng do giá cả bán ra thấp, thu nhập không đủ chi tiêu nên người dân dần chuyển qua các ngành nghề khác. Nhận thấy cây tràm mọc rất nhiều tại các bãi cát quanh làng, lại có lượng tinh dầu cao nên chị Nguyễn Thị Hiến, thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch) đã đứng ra vận động chị em khôi phục, liên kết và phát triển nghề nấu dầu tràm.

Xưởng may của chị Nguyễn Thị Hằng tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn.
Xưởng may của chị Nguyễn Thị Hằng tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn.

Với vai trò Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất tinh dầu tràm Quảng Hưng, chị đứng ra thu mua sản phẩm tinh dầu tràm cho thành viên để các chị yên tâm về đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, chị còn tạo điều kiện cho những chị em chưa có lò nấu dầu tràm được nấu tại lò của gia đình nhằm giúp chị em duy trì nghề và kiếm thêm thu nhập.

Hiện nay, chị đã vận động liên kết mở được 19 lò nấu dầu tràm với hơn 38 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 76 lao động với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Kể từ khi tham gia vào tổ liên kết, sản phẩm tinh dầu tràm Quảng Hưng được rất nhiều người biết đến, không còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và sản phẩm bán ra thị trường ngày càng nhiều.

Nhờ đó, rất nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, xây được nhà ở kiên cố và trở thành hộ khá giả tại địa phương.Với những đóng góp của mình, chị Nguyễn Thị Hiến đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, các chị xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn học tập và noi theo.

L.Chi

,