.

Vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư: Những chuyển biến tích cực

.
08:24, Thứ Sáu, 10/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Qua thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư giữa Ủy ban MTTQVN tỉnh và các cơ quan liên quan, nhiều mô hình, CLB, nhóm nòng cốt đã ra đời, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Bám sát vào nội dung chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN tỉnh và các sở, ngành liên quan, Mặt trận các cấp đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan phát động phong trào tuyên truyền và vận động chấp hành pháp luật đến các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép vào nội dung, chương trình sinh hoạt của thôn, làng, tổ dân phố (TDP).

Thông qua hoạt động tuyên truyền đã vận động các hộ gia đình, cá nhân ký cam kết không vi phạm pháp luật, tích cực nêu gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật và đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật gắn với thực hiện hương ước, quy ước ở KDC. Nhiều địa phương đã xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật tại cộng đồng dân cư (CĐDC) nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia tìm hiểu, nắm vững pháp luật.

Ban công tác Mặt trận thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy họp bàn về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật.
Ban công tác Mặt trận thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy họp bàn về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: “Để công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật đạt hiệu quả tốt, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã chủ trì phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQVN các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thành lập và hướng dẫn, duy trì hoạt động các nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật tại KDC. Các địa phương cấp huyện đều lựa chọn, chỉ đạo thành lập điểm và nhân rộng các nhóm nòng cốt ở các xã, phường, thị trấn.

Đối với những khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo thì các nhóm nòng cốt thu hút đội ngũ già làng, người tiêu biểu trong CĐDC tích cực tham gia. Từ đó, phát huy được vai trò của những người có uy tín, có trách nhiệm tại CĐDC, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.

Thông qua các buổi sinh hoạt KDC, sinh hoạt CLB, nhóm nòng cốt đã thực hiện lồng ghép các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình không có ma túy và tệ nạn xã hội”, xây dựng nông thôn mới, “Khu phố, làng văn hóa”...

Ngoài ra, các nhóm nòng cốt còn giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước ở CĐDC. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các nhóm nòng cốt đã phát huy được tính hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, các tệ nạn xã hội giảm đáng kể, nếp sống văn hóa, văn minh, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững và phát huy trên địa bàn.

“Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh tuyên truyền, vận động các dân tộc, tôn giáo phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín tích cực sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương, cơ sở.

Mặt trận các cấp đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên và ngành liên quan để tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ở các địa bàn đồng thuận với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh; đồng thời, chủ động phản ánh, phê phán những hành vi tiêu cực, vi phạm của các đối tượng cực đoan lợi dụng bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng các dự án để kích động, lôi kéo người dân gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Quang Minh nhấn mạnh.

Các điểm sáng, mô hình tuyên truyền pháp luật tại CĐDC tiếp tục được duy trì, xây dựng mới và triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, Mặt trận các cấp đã xây dựng, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động 261 “Điểm sáng chấp hành pháp luật”, KDC điển hình chấp hành pháp luật; phối hợp củng cố, kiện toàn 1.431 tổ hòa giải với 9.078 hòa giải viên ở CĐDC.

Trong thời gian qua, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 13.815 vụ, việc liên quan đến tranh chấp đất đai, tài sản, mâu thuẫn trong gia đình, KDC; trong đó hòa giải thành công 11.601/13.815 vụ, việc.

Những giải pháp, cách làm đa dạng, phong phú trong phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật của Mặt trận và các sở, ngành liên quan đã làm hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật ở CĐDC, tạo được chuyển biến về ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật ở cơ sở, góp phần cùng với đảng bộ, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hiền Chi

,