.

Đảng bộ xã Quảng Tùng: Tập trung nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả

.
12:11, Thứ Bảy, 14/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, Đảng bộ xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đang được Quảng Tùng chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng...

Đảng bộ xã Quảng Tùng hiện có 370 đảng viên, tham gia sinh hoạt tại 3 đảng bộ bộ phận và 4 chi bộ trực thuộc. Dân số Quảng Tùng hiện có khoảng 2.100 hộ, trên 8.500 nhân khẩu, sống phân bố tại 4 thôn. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã là 1.149 ha (trong đó đất sản xuất nông nghiệp 220 ha, số còn lại chủ yếu là đất trồng rừng kinh tế)...

Một góc xã nông thôn mới Quảng Tùng hôm nay.
Một góc xã nông thôn mới Quảng Tùng hôm nay.

Ông Phạm Thái Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng cho biết, nhằm thực hiện việc đa dạng hoá trong phát triển kinh tế, đặc biệt là chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng bộ xã Quảng Tùng đã có các nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, dồn điền đổi thửa...

Bám sát nội dung từ các nghị quyết nói trên, UBND xã luôn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và khẩn trương thành lập các ban, tiểu ban chỉ đạo. Ngoài ra, khối mặt trận, đoàn thể và các thôn đều tích cực đưa nội dung của nghị quyết vào chương trình hành động, xem đây là tiêu chí để đánh giá thi đua hàng năm. Nhìn chung, việc triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế ở Quảng Tùng luôn được bảo đảm theo nguyên tắc tập trung dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và công khai, minh bạch...

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, ông Phạm Thái Bình phấn khởi: "Là xã thuần nông, dù có diện tích đất lúa không nhiều, nhưng hơn 10 năm qua, Quảng Tùng tự hào trở thành địa phương chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao để cung cấp cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, năm 2016, Quảng Tùng đã hoàn tất việc dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông dân an tâm đầu tư vào phát triển sản xất.

Hiện nay, tỷ lệ diện tích đất dùng vào sản xuất lúa giống cấp 1 của địa phương đã lên đến hơn 75%. Năng suất lúa bình quân đều đạt trên 54 tạ/ha/vụ. Chính nhờ chú trọng đa dạng hóa về phát triển kinh tế, quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, năm 2016, xã thuần nông Quảng Tùng đã cán đích nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn dưới 4%, mức thu nhập bình quân đạt hơn 33 triệu đồng/người/năm...".

Mô hình trồng cây dược liệu để sản xuất tinh dầu ở thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng.
Mô hình trồng cây dược liệu để sản xuất tinh dầu ở thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng.

Để tìm hiểu thêm về hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế ở Quảng Tùng, chúng tôi đến khu vực xóm Phúc Tây, thôn Phúc Kiều. Trước đây, khu vực này là những diện tích đất sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả ở địa phương. Từ chủ trương nâng cao hiệu quả, giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, đầu năm 2017, chính quyền xã Quảng Tùng đã đồng ý cho Công ty TNHH tổng hợp Vinh Huê thuê một khu đất rộng trên 1 ha để trồng thí điểm cây dược liệu (gồm cây húng quế và sả) nhằm lấy nguyên liệu sản xuất tinh dầu ngay tại địa phương.

Sau khi thí điểm thành công mô hình nói trên, Đảng bộ xã Quảng Tùng khẩn trương họp bàn tại cấp xã, sau đó tổ chức họp ở cấp chi bộ thôn với sự tham gia của các hộ dân có đất được cấp theo Nghị định 64-CP năm 1993 để quán triệt chủ trương quy hoạch, xây dựng một vùng tập trung chuyên canh trồng cây dược liệu phục vụ sản xuất tinh dầu.

Được sự đồng tình của các hộ dân, đầu năm 2018, xã Quảng Tùng mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên hơn 3 ha và đang dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm. Anh Tưởng Văn Thiết, một hộ dân ở thôn Phúc Kiều được Công ty TNHH tổng hợp Vinh Huê thuê trực tiếp đứng ra đảm nhận, quản lý việc trồng cây dược liệu và sản xuất tinh dầu tâm sự: "Cách đây không lâu, toàn bộ những diện tích này là đất lúa 2 vụ bấp bênh, kém hiệu quả.

Dù bà con đã bỏ công sức để sản xuất 2 vụ lúa/năm, nhưng tính về hiệu quả kinh tế thì mỗi sào chỉ cho lãi ròng chừng bảy đến tám trăm nghìn đồng/năm. Chính vì hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều hộ chỉ làm được 1 vụ chính rồi bỏ hoang.

Thậm chí, nhiều khoảnh ruộng bị nông dân bỏ hoang cả 2 vụ. Bây giờ cứ một sào (500 m2) đất lúa được thuê lại để trồng cây dược liệu, công ty sẽ trả với giá hơn 1 triệu đồng/năm. Không cần phải trồng lúa, mỗi năm người dân cũng có thêm chừng đó tiền.

Nếu được Công ty thuê vào làm, mỗi lao động sẽ được nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, Công ty đang tạo công ăn việc làm khá ổn định cho 10 lao động ở địa phương. Sản phẩm tinh dầu sả và hung quế do Công ty sản xuất đã được cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá đạt chất lượng tốt. Nhờ đó, toàn bộ các sản phẩm tinh dầu đều được các đơn vị trong và ngoài nước đặt hàng...".

Mô hình nuôi chim trĩ tại thôn Xuân Tùng, xã Quảng Tùng.
Mô hình nuôi chim trĩ tại thôn Xuân Tùng, xã Quảng Tùng.

Ngoài mô hình sản xuất lúa giống, trồng cây dược liệu để sản xuất tinh dầu, tại thời điểm này, Quảng Tùng còn có nhiều mô hình kinh tế khác rất hiệu quả, như: trang trại nuôi chim trĩ của hộ ông Nguyễn Thanh Long ở thôn Xuân Tùng; mô hình nuôi gà tập trung của gia đình ông Phạm Công Thương tại thôn Di Luân; 5 mô hình nuôi vịt biển ở các thôn khác...

Được biết, với vị trí địa lí nằm ở trung tâm vùng Roòn và sát với khu kinh tế Hòn La, những năm gần đây, xã Quảng Tùng đã biết tận dụng, phát huy lợi thế này nhằm đẩy mạnh đa dạng hoá các ngành nghề, dịch vụ, kinh doanh buôn bán. Cụ thể, ở địa phương hiện có trên 40 tổ thợ mộc, nề (mỗi tổ khoảng 15 lao động) đang hoạt động khá hiệu quả với mức thu nhập bình quân mỗi lao động đạt từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Bằng việc "kéo" các doanh nghiệp vào làm ăn tại địa phương, Quảng Tùng còn tạo thêm cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động khác ở địa bàn với mức thu nhập khá như ở Trạm trung chuyển trâu, bò Dũng Linh, Nhà máy gạch Hoàng Hương. Nhằm tìm kiếm thêm cơ hội việc làm và thu nhập cho nhân dân, đến nay, đã có hàng trăm lao động ở Quảng Tùng đi làm thuê tại tỉnh Hà Tĩnh, thậm chí tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc...

Văn Minh

 

,