Những nữ trưởng bản giữa đại ngàn Trường Sơn
Bấy lâu nay, cứ nhắc đến trưởng bản là mọi người thường mặc định nghĩ ngay đến các nam giới mạnh mẽ, vững chãi. Ấy vậy mà giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, giờ đây câu chuyện đã khác, xuất hiện các nữ trưởng bản nói được làm được, đi trước làm trước, dần xây dựng niềm tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và cũng không thiếu các nữ trưởng bản thuộc thế hệ 8X, 9X...
Những ngày đầu tháng 11 này, chị Hồ Thị Thư (SN 1972, người Bru-Vân Kiều), Trưởng bản Đá Chát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) bận rộn hơn ngày thường. Bởi vào ngày 10/11, bản Đá Chát sẽ tổ chức "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và đón nhận danh hiệu làng văn hóa cấp huyện 5 năm liên tục.
Chị Thư bảo, việc tuy nhiều nhưng trong lòng chị vui lắm, vì bà con ai cũng háo hức, phấn khởi, chung tay góp sức tổ chức. Là trưởng bản, chị xây dựng kế hoạch tổ chức chi tiết cụ thể, họp cốt cán, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho Trưởng ban Mặt trận bản, Chi hội trưởng các chi hội nông dân, phụ nữ bản… Nhờ đó, mọi công việc được sắp xếp chu đáo, tỉ mỉ và ngày hội diễn ra trong náo nức, hào hứng của đồng bào.
Xong một việc ý nghĩa, chị lại tất tả chuẩn bị để về TP. Đồng Hới tham gia tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức. Đây là hoạt động thường niên của dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Chị Hồ Thị Thư là tổ trưởng của tổ TTCĐ bản Đá Chát. Tổ được chọn làm điểm trong triển khai dự án 8 trên toàn quốc nên trách nhiệm và công việc của chị cũng bộn bề hơn.
Chị Thư chia sẻ, từ khi có dự án 8 về với bản, nhiều đổi thay cũng theo về. 7 thành viên của tổ TTCĐ thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu… Rồi, tổ lồng ghép, truyền thông, chia sẻ nội dung cho bà con trong các buổi họp của bản. Từ đó, các thành viên ngày càng tự tin, năng động hơn, nhất là chị em, sự rụt rè, ngại ngần dần tan biến. Anh em trong bản giờ biết chia sẻ việc nhà với vợ con, cố gắng hạn chế tối đa tệ nạn xã hội...
Thành quả này là cả quá trình dài nỗ lực của Trưởng bản Hồ Thị Thư kể từ khi nhận nhiệm vụ vào tháng 10/2015. Ban đầu, chị chưa thực sự nhận được sự tin tưởng của bà con, “hình như vì mình là phụ nữ”, chị cười nói. Nhưng rồi, với phương châm “vì quyền lợi của bà con trên hết, luôn công khai, minh bạch trong mọi công việc”, chị nhẫn nại, kiên trì. 2-3 năm đầu người nghe, người không, có lúc chị bất lực lắm nhưng không nản, vì chị biết mình đúng, vậy là lý trí mách bảo, con tim thôi thúc chị tiếp tục làm. Có lúc, chị cũng nhận ra, cũng biết bản thân làm chưa đúng nên luôn lắng nghe, học hỏi và sửa chữa kịp thời.
“Chỉ học đến lớp 5 thôi, nhưng được tập huấn, bồi dưỡng và tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, cộng thêm nhiều năm làm công tác phụ nữ của chi hội, mình tự tin, mạnh dạn hơn. Vừa qua, mình vinh dự được tham gia đoàn công tác của tỉnh dự hội nghị tổng kết chỉ đạo điểm dự án 8 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội”, chị Thư hào hứng cho hay.
Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết, xã có 6 nữ trưởng bản, trong đó 3 nữ trưởng bản là người DTTS. Các chị rất tâm huyết, nhiệt tình trong công việc, luôn tích cực phối hợp với Hội LHPN xã triển khai nhiều hoạt động, nhất là khi dự án 8 đi vào thực tiễn. Các trưởng bản là tổ trưởng các tổ TTCĐ, luôn phát huy tích cực vai trò của mình, góp phần xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trên địa bàn.
Xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) cũng có tới 3 nữ trưởng bản và đặc biệt trong đó có 2 nữ trưởng bản ở lứa tuổi 9X. Cao Thị Vân (SN 1996, người Mã Liềng) làm Trưởng bản Kè từ năm 2019, tức là khi mới 23 tuổi. Vân tâm sự, ngày đầu mới làm trưởng bản, Vân còn không dám cầm chiếc micro để thông báo cho bà con qua loa phát thanh. Được sự động viên của mọi người, nhất là bác trưởng bản tiền nhiệm, Vân mới dám thử. “Đến từng nhà để nói với bà con thì em không ngại mô nhưng cứ cầm micro là em không biết nói chi hết!”, Vân ngại ngùng nhớ lại.
Vậy mà sau thời gian thử thách, rèn luyện, giờ cô trưởng bản nhỏ tuổi đã rất tự tin, nhanh nhẹn và chủ động trong mọi công việc được giao. “Bí quyết” của Vân là “đến tận nhà, thông tin tận nơi” và “không ai làm, thì mình làm trước”, cứ như thế, sự kiên trì, nhẫn nại dần có kết quả-chính là sự tin tưởng của dân bản.
Tỷ lệ hộ nghèo của bản còn cao, bà con chủ yếu đi rừng, làm rẫy ăn trong ngày nên Vân chủ động chăn nuôi, trồng trọt. Ở nhà, Vân nuôi bò, trâu, lợn, gà… Rồi mạnh dạn trồng hơn 1 vạn cây keo. Cứ thế bà con tin tưởng làm theo. Khi dự án 8 triển khai, tham gia tổ TTCĐ, Vân càng có cơ hội, môi trường tốt để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, nhất là khi tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ…
Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Phương Hướng nhận định, không chỉ Cao Thị Vân, những nữ trưởng bản của xã luôn phát huy năng lực bản thân, nỗ lực trau dồi, rèn luyện nâng cao kiến thức, kỹ năng, tận tâm, hết mình trong công việc của bản, nhất là các nữ trưởng bản 9X.
Vẫn còn những “bông hoa” chưa có điều kiện để nhắc đến, nhưng họ luôn miệt mài cống hiến, nỗ lực vì dân bản. Họ đã vượt qua mọi rào cản trở thành những nữ trưởng bản vững vàng giữa đại ngàn Trường Sơn. Được tiếp sức từ dự án 8, họ sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng vì cuộc sống tốt đẹp hơn của ĐBDTTS.