.

Đổi mới giáo dục: Giáo viên là hạt nhân

Chủ Nhật, 17/11/2024, 06:13 [GMT+7]

Xác định đội ngũ nhà giáo là khâu then chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục, những năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, xem đây là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và liên tục. 

 

XÁC ĐỊNH ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO LÀ KHÂU THEN CHỐT, ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC, NHỮNG NĂM QUA, NGÀNH GD-ĐT ĐÃ CÓ NHIỀU GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN (CB, GV), XEM ĐÂY LÀ NHIỆM VỤ LÂU DÀI, THƯỜNG XUYÊN VÀ LIÊN TỤC. NHỜ QUAN TÂM VÀ THỰC HIỆN TỐT VIỆC QUY HOẠCH, ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ CHO CB, GV, TOÀN NGÀNH ĐÃ XÂY DỰNG ĐƯỢC MỘT ĐỘI NGŨ VỮNG VỀ CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ, TẬN TÂM VỚI NGHỀ, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC.

 

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đòi hỏi mỗi GV phải tự làm mới mình, không ngừng học hỏi nhằm thể hiện tốt vai trò người tổ chức cho học sinh (HS) chiếm lĩnh tri thức thay vì truyền thụ tri thức như trước đây.

 

Để những giờ dạy diễn ra sôi nổi, cuốn hút HS, cô giáo Nguyễn Thị Sáu giảng dạy bộ môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã đầu tư nhiều thời gian trong xây dựng giáo án. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh phong phú, cô Sáu đã khéo léo lồng ghép việc giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, dân tộc vào các vấn đề thực tiễn cuộc sống, giúp HS kết nối quá khứ-hiện tại, khơi dậy trong mỗi HS tình yêu, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước.

 

Cô còn hăng say nghiên cứu khoa học nhằm làm giàu thêm vốn kiến thức. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô được cấp trên công nhận, đánh giá cao và được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy. Cô còn đảm nhận tốt vai trò tổ phó chuyên môn tổ Lịch sử của trường, là thành viên hội đồng bồi dưỡng HS giỏi quốc gia môn Lịch sử của Sở GD-ĐT và có nhiều năm được phân công làm chủ nhiệm đội tuyển.

 

Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2023-2024, đội tuyển HS giỏi quốc gia môn Lịch sử đã mang về cho tỉnh 26 giải, trong đó có 1 giải nhất, 8 giải nhì. Đặc biệt năm học 2023-2024, có 12/13 HS của đội tuyển HS giỏi môn Lịch sử lớp 12 cấp tỉnh đoạt giải, đạt giải nhất đồng đội.

 

 

Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung giáo dục địa phương là một bộ phận không thể tách rời nhằm trang bị cho HS những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý, môi trường… của địa phương.

 

Để triển khai tốt nội dung này, cô Trần Thị Diệu Thúy (giảng dạy bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh) và các GV của trường luôn nghiên cứu xây dựng bài giảng phong phú, chú trọng tìm kiếm, thực hiện các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, chủ đề, nhóm chủ đề. Ngoài kiến thức sách giáo khoa cung cấp, GV còn sử dụng các biện pháp giáo dục trực quan như tạo điều kiện cho HS xem, nghe các video về các loại hình diễn xướng dân gian, gặp gỡ các nghệ nhân, sưu tầm nhạc cụ dân gian, thành lập câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại trường học... Trường đã lựa chọn nghệ thuật hát Kệ Hiệng, một loại hình văn nghệ dân gian độc đáo của người dân làng Pháp Kệ (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) để giới thiệu, phổ biến cho HS.

 

“Việc đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học không chỉ cung cấp kiến thức cho người học mà còn hướng tới xây dựng, hoàn thiện các phẩm chất như yêu nước, trách nhiệm theo yêu cầu cốt lõi của chương trình GDPT mới. Hoạt động này còn góp phần nâng cao ý thức của người trẻ trong quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương”, cô giáo Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ.

 

 

 

Những năm gần đây, các cấp học trên toàn tỉnh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm đổi mới giáo dục. Các phương pháp dạy học tiên tiến như STEM, STEAM, Montessori, sơ đồ tư duy, bàn tay nặn bột… được các trường áp dụng, mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy và học. Cách kiểm tra, đánh giá HS cũng được đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực, gắn “học đi đôi với hành”. HS được trải nghiệm các hoạt động như làm dự án, vẽ tranh, thuyết trình, phản biện, sáng tạo nghệ thuật…

 

Từ đó, thúc đẩy kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo của HS, nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc nhóm. HS hứng thú với việc sử dụng nhiều ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để hoàn thành bài thi, bài kiểm tra của mình.

 

 

Ngành GD-ĐT luôn đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện cho CB, GV tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều hoạt động được tổ chức, như: Hội thi GV dạy giỏi, hội thảo xây dựng trường học hạnh phúc, giáo dục STEM, tập huấn chuyển đổi số… tạo sân chơi lành mạnh và cơ hội cho GV tiếp cận với biện pháp giáo dục tiên tiến, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo trong toàn đội ngũ.

 

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, 100% đội ngũ CB, GV, nhân viên toàn ngành đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định, trong đó có trên 33% đạt trình độ trên chuẩn. Đây là điều kiện thuận lợi để toàn ngành triển khai thực hiện đổi mới giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.

 

 Nội dung và ảnh: NHẬT VĂN

Thiết kế & đồ họa: HẢI PHƯỢNG