Giữ bản sắc bằng... nghị quyết-Bài 3: Nghị quyết "mở", "lối đi" rộng
Thực tế cho thấy ở hầu hết các địa phương, nỗ lực quyết tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đều đã được thể hiện rõ trong nghị quyết của đại hội đảng các cấp. Trong quá trình triển khai nghị quyết, có địa phương linh hoạt lồng ghép trong các chương trình hành động hoặc kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch, có địa phương mạnh dạn tổ chức các hội nghị, hội thảo riêng về công tác này...
Thời gian qua, TP. Đồng Hới luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đồng Hới Lê Thị Thu Cúc, thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, như: Nghị quyết về thực hiện văn minh đô thị (cho từng giai đoạn); chương trình hành động về thực hiện văn minh đô thị Đồng Hới; chương trình hành động về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2026; đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng…
Thành phố cũng duy trì nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi qua hàng năm. Cụ thể, tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch với chuỗi các hoạt động đặc trưng (liên hoan giai điệu thành phố hoa hồng, lễ hội đường phố, âm nhạc đường phố...); hay các điểm nhấn trong Tháng Văn minh đô thị...
Đáng chú ý, năm 2021, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thành phố tổ chức kịp thời, nghiêm túc hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị. Năm 2022, thành phố thực hiện thành công hội nghị chuyên đề về văn hóa với chủ đề “Bảo tồn và phát triển văn hóa đô thị văn minh và hiện đại”.
TP. Đồng Hới xây dựng và ban hành tập kỷ yếu “Bảo tồn và phát triển văn hóa đô thị Đồng Hới đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố văn minh và hiện đại”. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023), thành phố tổ chức nhiều hoạt động có sự lan tỏa và hướng về chiều sâu, như: Cuộc thi tìm hiểu về “Lịch sử Đảng bộ và văn hóa Đồng Hới” với trên 2.000 bài dự thi, nhiều bài có sự đầu tư công phu và chất lượng cao; xuất bản 3 tập sách có giá trị: “Đồng Hới-Di tích lịch sử, văn hóa”; “Tuyển tập Thơ Đồng Hới” với gần 200 bài thơ viết về Đồng Hới; “Tuyển tập ca khúc Đồng Hới Quảng Bình”...
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Bảo tồn và phát triển văn hóa đô thị Đồng Hới đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố văn minh hiện đại”. Nghị quyết hướng đến mục tiêu chung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát triển văn hóa đô thị Đồng Hới, phát huy nguồn sức mạnh nội sinh, nhất là nguồn lực con người để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Một trong những mục tiêu cụ thể mà nghị quyết đưa ra chính là huy động, thu hút, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để bảo tồn và phát triển văn hóa; tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống tinh thần của nhân dân; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nội thị với những vùng xa trung tâm trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh; đồng thời nghiên cứu ban hành cơ chế của địa phương để tạo động lực thúc đẩy phát triển văn hóa.
Ngân Thủy là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Lệ Thủy với đông đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống. Với nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và đồng bào, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều vẫn được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, sự hỗ trợ tích cực, kịp thời từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Năm 2023, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, khó khăn trong công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của ĐBDTTS thì nhiều lắm. Không chỉ thiếu kinh phí để hỗ trợ bà con, mà còn nhiều yếu tố khác, như: Lớp nghệ nhân lớn tuổi mai một dần, lớp trẻ thì chưa thực sự mặn mà; thách thức trong bảo tồn các nhạc cụ, tư liệu cổ... Gần đây, trên địa bàn xã Ngân Thủy đã có các doanh nghiệp "mở ra" những mô hình du lịch cộng đồng, vừa mang lại sinh kế cho bà con, vừa chung tay, góp sức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, giới thiệu đến khách du lịch thập phương.
Nhiệm kỳ 2025-2030 tới đây, một nghị quyết riêng về công tác này dự kiến sẽ được triển khai thay vì chỉ đưa vào nghị quyết chung của đại hội đại biểu đảng bộ xã như các nhiệm kỳ trước. Nếu làm được như vậy, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều trên địa bàn sẽ được quan tâm nhiều hơn, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, không ai đứng ngoài cuộc trong lộ trình đó. Ngoài ra, xã dự kiến cũng sẽ có một chương trình hành động về phát triển du lịch song hành, lồng ghép cùng với nỗ lực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa. Trong đó, một số phong tục, lễ hội của đồng bào vốn bị mai một trước đây sẽ được khôi phục bài bản, khoa học, như: Lễ ăn chay theo dòng họ, nhạc cụ truyền thống...
Vẫn còn đâu đó thực trạng một số cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt; đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng. Nhìn xa hơn, công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ, thiếu các chủ trương, chính sách phù hợp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa.
Chỉ còn hơn 1 năm nữa để Quảng Bình hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong đó lĩnh vực văn hóa vẫn đang có nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực hơn nữa từ hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, đoàn thể và mỗi một địa phương.
Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, với những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của ĐBDTTS rất cần những nghị quyết chuyên đề sâu sát, kịp thời. Có như vậy, những “kho vàng” này mới có thể phát huy hết giá trị.