.

"Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau"(*)

Thứ Ba, 13/08/2024, 07:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Tròn 60 năm, ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân chưa bao giờ dừng ngân vang trên mảnh đất Quảng Bình, trở thành lời động viên, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân Quảng Bình cả trong những năm chiến tranh hay khi đất nước hòa bình. "Giữ lấy đất trời của quê hương ta/Giữ lấy những gì mà ta yêu quý"-lời nhắn nhủ ấy sẽ còn mãi giá trị "cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau".

Tròn 60 năm, ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân chưa bao giờ dừng ngân vang trên mảnh đất Quảng Bình, trở thành lời động viên, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân Quảng Bình cả trong những năm chiến tranh hay khi đất nước hòa bình. “Giữ lấy đất trời của quê hương ta/Giữ lấy những gì mà ta yêu quý”-lời nhắn nhủ ấy sẽ còn mãi giá trị “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

 

Họ gọi những chuyến đi đến Quảng Bình là những cuộc trở về: Về với mảnh đất mà thiết thân như quê hương, bản xứ, về với ký ức ngày cũ và với những yêu thương chân thành nhất. 6 thập kỷ trôi qua từ khi ca khúc bất hủ “Quảng Bình quê ta ơi” ra đời, những người con của cố nhạc sĩ Hoàng Vân đã trở về với Quảng Bình-mảnh đất mà hơn nửa thế kỷ qua, vị nhạc sĩ tài hoa đã trở thành một phần thân thương.

 

Một ngày tháng 5/2019, nắng rót mật trên những cánh đồng lúa trĩu hạt. Tiến sĩ (TS.) Lê Y Linh, con gái cố nhạc sĩ Hoàng Vân vượt quãng đường xa xôi từ Pháp để đặt chân đến Quảng Bình. Đây là lần đầu tiên chị đến với vùng đất mà trước nay chỉ biết đến qua ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” của bố mình.

 

 

Chị tâm sự: “Quảng Bình với nhiều người trong cả nước đã ở rất xa, với tôi, còn xa hơn cả ngàn dặm nữa. Lúc nhỏ ở với bố mẹ, rồi lớn lên thật tự nhiên với “Quảng Bình quê ta ơi” nhưng cũng chả thấy liên quan gì nhiều. Tôi luôn thắc mắc là không hiểu tại sao người ta lại thích bài ấy đến thế? Cho đến một lần đi công tác ở Đông Âu, gặp một người quê ở Nghệ An nhưng lại thuộc lòng bài hát từng câu một, ông ấy hỏi tôi: “Em là người Quảng Bình à?”. Sau lần đó, tôi luôn tự nhủ phải một lần theo dấu chân bố về thăm Quảng Bình”.

 

Để rồi khi về với Quảng Bình, chị nhẩm trong đầu bài hát của bố như một cuốn cẩm nang du lịch, lần tìm về từng địa danh trong ca khúc, từ Cảnh Dương, Cự Nẫm, đến Đại Phong, Bến Tiến… đâu đâu cũng thấy thân thương.

 

 

Lúc sinh thời, dòng Kiến Giang “dạt dào tình quê” thực sự để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng nhạc sĩ Hoàng Vân. Cùng với “Quảng Bình quê ta ơi”, Kiến Giang bước vào ca khúc “Hò thả trâu” của ông đằm thắm và ân tình: “Dòng Kiến Giang vừa trong, vừa mát, mặt nước vang xa giọng hò quê ta”.

 

Đến Lệ Thủy dịp ấy, chị Y Linh được thỏa sức ngắm nhìn dòng sông xanh mát, ngỡ như bố vẫn còn đâu đó nơi mảnh đất đậm ân tình này. Hẳn bố chị sẽ vui lòng khi được nghe các dì, các chị ở Lệ Thủy biến tấu ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” sang làn điệu hò khoan. Giây phút ấy, chị rưng rưng xúc động. Họ nắm lấy tay chị, trao gửi bao tình cảm như trước nay vẫn luôn dành cho “Quảng Bình quê ta ơi”. Trong chị, tình yêu với một vùng đất tưởng chỉ hiển hiện trong ca từ nay đã nên hình hài. 

 

 

“Thưa bác, cháu là Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân. Số phận lịch sử đã đưa bố cháu-một nhân sĩ-đi cùng bác một giai đoạn đáng nhớ nhất của lịch sử Việt Nam. Nói tới chiến dịch và chiến thắng Điện Biên Phủ là người ta nhớ tên tuổi bác nhưng cũng rất nhiều người nhớ tới “Hò kéo pháo” bác ạ. Và hôm nay, cháu về Lệ Thủy, ngắm nhìn dòng Kiến Giang và nghe hò, nhớ bố, kính trọng bác. Cháu mong bác yên nghỉ và tiếp tục nghe “Quảng Bình quê ta ơi”. Cháu cũng rất mong Quảng Bình “giữ lấy đất trời của quê hương ta/giữ lấy những gì mà ta yêu quý” như bác và bố cháu vẫn từng mong mỏi”. Trong cuốn sổ lưu niệm tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), chị đã viết những dòng chứa chan tình cảm như thế. Đằng sau những câu chữ ấy là bao nhiêu nỗi nhớ thương, là bấy nhiêu lòng kính trọng cho người đã khuất và cũng là nỗi lòng mong mỏi của một tâm hồn đã trót yêu vùng đất này.

 

 

Năm 2021, TS. Lê Y Linh lại trở về Quảng Bình với mong muốn được đi sâu, hiểu nhiều về vùng đất mà lúc sinh thời, bố chị-nhạc sĩ Hoàng Vân đã dành những tình cảm nặng sâu. Chị tìm đến nhạc sĩ Quách Mộng Lân, người có nhiều kỷ niệm cùng nhạc sĩ Hoàng Vân trong những năm tháng nhạc sĩ về với vùng đất lửa Quảng Bình.

 

Chị cũng tìm đến những danh thắng của Quảng Bình, để tận thấy “mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành”, để hiểu rằng trải qua bao vất vả của chiến tranh, thiên tai và nghèo khó, Quảng Bình vẫn quyết tâm “giữ lấy đất trời của quê hương ta/giữ lấy những gì mà ta yêu quý”. Nhớ về bố, chị luôn hiểu, Quảng Bình luôn ở trong trái tim ông và nghĩ về vùng đất này, chị càng thấu tỏ rằng người dân Quảng Bình cũng mãi mãi yêu quý ông.

 

 

 

 

 

 

Khi ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” được cất lên trong chương trình lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình diễn ra vào tháng 6/2024, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã không ngừng rơi nước mắt. Giây phút ấy, anh không phải là vị nhạc trưởng mạnh mẽ, vững vàng đứng ở hàng trăm sân khấu lớn mà trở về là người con của vị nhạc sĩ tài hoa, với vẹn nguyên cảm xúc chân thật nhất. Anh nhớ bố, nghẹn ngào nghĩ về những kỷ niệm cũ và xúc động trước tình cảm mà nhân dân Quảng Bình nhiều thế hệ dành cho người bố đã mãi mãi đi xa của mình. Tình cảm ấy thôi thúc anh trở về Quảng Bình một lần nữa, rồi nhận ra, bản thân với mảnh đất này có một sự kết nối thiêng liêng.

 

Trong những ngày ít ỏi từ đất nước Macedonia về Việt Nam, nhạc trưởng Lê Phi Phi vẫn tranh thủ vào với Quảng Bình tham dự đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Hoàng Vân nhân dịp kỷ niệm 60 năm ra đời ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”. Anh tham gia tập luyện cùng các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình. Bằng chuyên môn của một nhạc trưởng, anh tận tình hướng dẫn, hỗ trợ anh chị em nghệ sĩ trong biểu diễn, chuyển tải đúng ý nghĩa mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã gửi gắm trong từng ca khúc.

 

Theo chân cha và chị gái Lê Y Linh, nhạc trưởng Lê Phi Phi lại tìm về với những địa danh đã ghi đậm dấu ấn trong “Quảng Bình quê ta ơi”. Một làng Cảnh Dương “đứng nơi đầu sóng gió”, một Cự Nẫm “nay đã đổi mới muôn màu” hay một Bến Tiến với “tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn”… mỗi tên đất, tên làng bước ra từ trong ca khúc nay hiện hữu và đổi thay thực sự như ước mong xưa kia của nhạc sĩ Hoàng Vân.

 

 

Trong chuyến trở về lần này, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã đến thăm gia đình cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình những năm chống Mỹ Nguyễn Tư Thoan. 60 năm trước, nhờ những gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vùng đất lửa mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã làm nên một tuyệt tác âm nhạc cho nhân dân Quảng Bình. Hôm nay, nơi bến sông Nhật Lệ rào rạt gió, cuộc gặp gỡ giữa nhạc trưởng Lê Phi Phi và bà Nguyễn Thị Thu Thủy-con gái cố Bí thư Tỉnh ủy-cứ dùng dằng giữa quá khứ rưng rưng và hiện tại ăm ắp niềm thương, nỗi nhớ với người đã khuất.

 

Họ kể cho nhau nghe về ký ức những ngày đầu “Quảng Bình quê ta ơi” ra đời, về chiếc radio cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan tặng cho nhạc sĩ Hoàng Vân ngày gặp mặt, về thủy lợi Rào Nan-công trình ghi đậm dấu ấn của cố Bí thư Tỉnh ủy và là một trong những địa danh hiện diện trong “Quảng Bình quê ta ơi”. Câu chuyện của hai người con chưa bao giờ vơi nỗi tự hào về những người cha tài hoa. Thời gian đã trôi qua nhưng với những người đang sống, quá khứ vẫn là hoài niệm thiêng liêng.

 

 

 

 

 

“Chúng tôi có mời một đoàn nhạc sĩ gạo cội vào để sáng tác ca khúc về Quảng Bình nhưng các anh ấy bảo rằng bài “Quảng Bình quê ta ơi” nó sừng sững như ngọn đèo Ngang trước mặt, làm sao chúng tôi có thể làm hơn thế được”, một cán bộ văn hóa tỉnh Quảng Bình đã chia sẻ như thế cùng TS. Lê Y Linh. “Quảng Bình quê ta ơi” vẫn còn nguyên giá trị, trở thành ca khúc bất hủ trong đời sống tinh thần của nhân dân Quảng Bình. Giai điệu ấy sẽ mãi được yêu thương, trân trọng và lan tỏa.

 

Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, nhạc sĩ Hoàng Vân từng nhắc lại kỷ niệm về hoàn cảnh ra đời của ca khúc bất hủ “Quảng Bình quê ta ơi”: “Tháng 5/1964, tôi được cấp trên điều vào Quảng Bình. Không ai nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra. Sự xúc động rất mạnh mẽ, không có gì có thể tả nổi những con sóng, những cơn bão trong đầu óc những người làm sáng tác”.

 

Những “con sóng”, “cơn bão” ấy đã thôi thúc người nhạc sĩ tâm huyết phải đặt chân đến từng làng quê, hòa vào không khí hăng say lao động sản xuất và chiến đấu của quân và dân Quảng Bình. Và muốn sáng tác một ca khúc mang hơi thở của dân ca vùng miền nào đó thì người nhạc sĩ phải tìm hiểu sâu ngôn ngữ âm nhạc nơi ấy.

 

 

 

 

Trong cuốn sách “Cho muôn đời sau”, TS. Lê Y Linh đã nhắc đến những năm tháng không quên khi bố chị-nhạc sĩ Hoàng Vân-đi thực tế tại Quảng Bình rằng, khi đến đây, cả đoàn tỏa xuống các huyện, xã để làm việc, riêng ông thâm nhập ngay đề tài nghiên cứu về dân ca các vùng miền Quảng Bình. Vào các buổi tối, các mẹ, các chị thường tập trung nhau lại ca hát, hò khoan.

 

Vừa nghe, ông vừa ghi lại trên trang giấy dó những làn điệu thật hay và lạ lẫm. Trong đợt này, ông ghi chép tổng cộng được khoảng 30 điệu hát ở nhiều làng, xã khác nhau. Đoàn công tác lần ấy ở lại Quảng Bình tương đối lâu. Các nhạc sĩ được về làng, nghe các đội hò khoan khi đi cấy lúa, đi thăm làng cá ven biển, làng Cự Nẫm, làng Đại Phong... Những ý tưởng đầu tiên về “Quảng Bình quê ta ơi” đã bắt đầu nên hình hài.

 

Khi về đến Hà Nội, sự kiện vịnh Bắc Bộ nổ ra, nghe tin bom đạn hàng ngày oanh tạc tàn phá những nơi đã đặt chân tới nên những “con sóng”, “cơn bão” trong tâm hồn nhạc sĩ Hoàng Vân lại cuộn lên, dâng trào, ông đã hoàn thành “Quảng Bình quê ta ơi” để đem đi thu thanh ngay. Bài hát được coi như món quà quý giá dành tặng cho nhân dân Quảng Bình, nơi tuyến lửa ác liệt trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.

 

 

TS. Lê Y Linh bảo rằng không phải tự nhiên mà có một “Quảng Bình quê ta ơi” được yêu thích đến thế nhưng chính ông-nhạc sĩ Hoàng Vân-nhiều lúc cũng không giải thích được ngọn ngành những tố chất làm nên sự mến mộ của công chúng dành cho tác phẩm này.

 

Ngày ra đời, bài hát được in đĩa ở khắp các nước xã hội chủ nghĩa thời đó. Vào những năm 1965-1975, “Quảng Bình quê ta ơi” là ca khúc được tất cả các hội đoàn người Việt yêu nước khắp thế giới hát trong những chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện để gửi về đất nước thân yêu đang trong hoàn cảnh chiến tranh, được in đĩa ở Pháp, Mỹ và các nước khối xã hội chủ nghĩa.

 

60 năm đã qua đi kể từ khi “Quảng Bình quê ta ơi” lần đầu được cất lên giữa bom đạn chiến tranh nhưng với người dân Quảng Bình, ca khúc ấy đã vượt không gian, xuyên thời gian, trở thành một tượng đài nghệ thuật bất hủ. Dù ở đâu, làm gì, mỗi khi giai điệu thân thương ấy cất lên là một lần trái tim của những người con xa xứ lại thổn thức nhớ về quê hương. 

 

 

 

 

 

 

Tháng 10/2013, nghe tin Quảng Bình phải trải qua trận bão lịch sử, nhạc sĩ Hoàng Vân đã gửi lời đến với nhân dân Quảng Bình: “Xin hãy cho tôi được bày tỏ lòng cảm thông và chia sẻ chân thành nhất đến Quảng Bình vô cùng yêu dấu của tôi”. Bao thập kỷ trôi qua, như ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” ngân vang giữa chiến tranh, thiên tai và khó nghèo, mối lương duyên tốt đẹp giữa “Quảng Bình bao mến thương” và nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn bền chặt.

 

Căn nhà cũ ở số 14 Hàng Thùng (Hà Nội) mà gia đình ông gắn bó trở thành địa chỉ lui tới của những người Quảng Bình yêu mến nhạc sĩ. Nhạc trưởng Lê Phi Phi nghẹn ngào nhớ lại: “Khi bố tôi còn sống, cứ mỗi dịp lễ, Tết, đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình lại đến thăm, chúc Tết ông và gia đình. Khi bố tôi mất, Quảng Bình cũng là đoàn đông nhất đến viếng ông. Chúng tôi hiểu rằng, Quảng Bình chưa bao giờ quên ông”.

 

 

Yêu một ca khúc, quý luôn một con người. Thời gian đã minh chứng rằng người Quảng Bình yêu “Quảng Bình quê ta ơi” bao nhiêu thì trân quý nhạc sĩ Hoàng Vân bấy nhiêu. Và hôm nay, những đứa con của nhạc sĩ khi đặt chân đến mảnh đất này cũng nhận được những tình cảm nồng nhiệt ấy.

 

Nhạc trưởng Lê Phi Phi bảo rằng, nếu trước khi đến Quảng Bình, cảm xúc trong anh là sự háo hức thì khi đặt chân đến đây, hòa vào nhịp sống đời thường của người dân, cảm giác lại thân thương như trở về nhà. Đi đến đâu, anh cũng được yêu mến, chào đón nhiệt tình như 60 năm trước, bố anh đã được sống trọn vẹn trong tình quân dân nơi mảnh đất Quảng Bình.

 

Đêm nhạc “Nhạc sĩ Hoàng Vân-60 năm vang mãi bài ca” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức cũng là minh chứng tình cảm đó khi mà cả khán phòng đều được lấp kín chỗ. “Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến nhân dân Quảng Bình bao thế hệ đã luôn yêu thương “Quảng Bình quê ta ơi” và yêu thương cả bố tôi-nhạc sĩ Hoàng Vân”, nhạc trưởng Lê Phi Phi chia sẻ.

 

 

 

Nhạc trưởng Lê Phi Phi tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), rồi làm nhạc trưởng thường trực của dàn nhạc Macedonia và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Macedonia. Nhiều năm qua, anh thường xuyên trở về Việt Nam để tham gia chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” do Báo VietNamNet tổ chức. Sau chuyến trở về từ Quảng Bình, trong anh đã nhen nhóm nhiều dự định và coi đó là cách để anh cảm ơn nhiều tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Quảng Bình đã dành cho nhạc sĩ Hoàng Vân trong suốt 60 năm qua.

 

 

“Là con của bố Hoàng Vân, cùng với vốn kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc, tôi và chị Y Linh sẽ luôn sẵn sàng để hỗ trợ về mặt chuyên môn cho tỉnh Quảng Bình trong các sự kiện văn hóa lớn. Điều mà tôi luôn ấp ủ và quyết tâm phải thực hiện được là “viết tiếp” phần 2 của ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”. Với di sản mà ông để lại, chúng tôi sẽ cố gắng lan tỏa giá trị của ca khúc, mang “Quảng Bình quê ta ơi” ra với bạn bè quốc tế. Ví dụ như việc thể hiện “Quảng Bình quê ta ơi” bởi dàn nhạc giao hưởng giữa thủ đô của đất nước Macedonia chẳng hạn. Đó là điều hoàn toàn có thể thực hiện được”, nhạc trưởng Lê Phi Phi bày tỏ.

 

 

Trở về Hà Nội sau đêm nhạc “Hoàng Vân-60 năm vang mãi bài ca”, nhạc trưởng Lê Phi Phi mang theo bó hoa mà chương trình đã dành tặng anh dâng lên bàn thờ của nhạc sĩ Hoàng Vân như sẻ chia sự yêu mến, tri ân của nhân dân Quảng Bình dành cho người nhạc sĩ tài hoa. Với anh, đó còn là lời hứa với bố rằng sẽ theo dấu chân ông viết tiếp và lan tỏa giá trị của ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” ra với bạn bè quốc tế.

 

 

 

Nội dung: Diệu Hương

Ảnh & Video: Xuân Hoàng

Thiết kế & Đồ họa: Xuân Hoàng

 

(*) Trích trong ca khúc “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân.