Nơi biên cương xanh
ĐỨNG GIỮA ĐẠI NGÀN XANH THẲM NƠI BIÊN CƯƠNG, TẬN THẤY NHỮNG MỐC QUỐC GIỚI VỮNG CHÃI TRONG MÀU XANH BÌNH YÊN CỦA NÚI RỪNG QUÊ HƯƠNG, TRONG TÔI CHỢT NGÂN NGA CÂU HÁT "CHIỀU BIÊN GIỚI EM ƠI!/ CÓ NƠI NÀO CAO HƠN/ NHƯ ĐẦU SÔNG ĐẦU SUỐI/ NHƯ ĐẦU MÂY ĐẦU GIÓ/ NHƯ TRỜI QUÊ BIÊN CƯƠNG…". LÒNG TRÀO DÂNG XÚC CẢM TỰ HÀO, THẦM BIẾT ƠN NHỮNG NGƯỜI LÍNH BIÊN PHÒNG VÀ CÁC LỰC LƯỢNG CÔNG AN, DÂN QUÂN,… ĐÃ MIỆT MÀI NGƯỢC NÚI, KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ THIÊNG LIÊNG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA.
Sau những cơn mưa bất chợt đầu hè, trời Cha Lo như xanh trong, mát mẻ hơn, một điều kiện thuận lợi cho đoàn công tác trên hành trình xuyên rừng tuần tra biên giới. “Từ điểm tập kết ở bìa rừng, để đến được cột mốc 529, phải vượt qua quãng đường rừng 2,5km. Thông thường, đội tuần tra đi trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay, đoàn đông, nhiều thành phần, chắc cũng phải gần hai tiếng mới đến được đích”, chuẩn bị xuất phát, trung tá Nguyễn Xuân Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo cho biết.
Đợt tuần tra lần này khá đặc biệt bởi số lượng thành viên đông, với sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo; chỉ huy các đồn Ra Mai, Cà Xèng; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Minh Hóa và xã Dân Hóa (Minh Hóa)… với sự dẫn đầu của đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh.
Mốc 529 cắm trên sống núi, tại điểm có độ cao hơn 734m so với mực nước biển. Đường lên mốc xuyên rừng, bám theo sườn núi đá dốc. Thi thoảng, đoàn chúng tôi phải vượt qua chướng ngại vật là những cây rừng mục, đổ chắn ngang lối đi. Tiếng bước chân dẫm trên lá khô dường như có thể phá tan không gian yên tĩnh của núi rừng nơi miền biên giới.
Có lúc, tưởng thở không nổi khi phải vượt qua những con dốc dựng đứng, mãi không thấy điểm dừng. Có những lúc thấm mệt, đôi chân dường như không thể điểu khiển được theo ý mình, chực muốn loạng choạng, gục ngã. Nhưng rồi, gắng hít thở thật sâu, cùng với sự động viên, hướng dẫn của những người lính biên phòng, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với điểm cao cắm mốc. Chốc chốc, tiếng điểm danh quân số và nắm bắt tình hình các thành viên trong đoàn lại vang lên từ bộ đàm…
Thiếu tá Dương Văn Hải, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo chia sẻ: 529 là mốc có đường đi khá dễ và thời tiết hôm nay thuận lợi. Trên địa bàn còn nhiều mốc quốc giới rất khó cho đội tuần tra, khi chúng tôi phải băng qua nhiều cánh rừng, khe suối, vượt dốc núi cheo leo, hiểm trở trong nhiều ngày đêm vất vả mới đến được đích. Mùa nắng nóng, các khe suối bị cạn, đội phải sử dụng chút nước ít ỏi đọng lại, chỉ đủ để ăn uống. Mùa mưa lạnh, nhiệt độ xuống thấp, sương giá lạnh buốt, vách đá trơn trượt nguy hiểm. Nhưng dù khó khăn, vất vả mấy, anh em cũng không nản chí. Trong công tác tuần tra đường biên, mốc quốc giới, với trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng, chúng tôi xác định tinh thần mà đồng chí Chỉ huy trưởng Trịnh Thanh Bình đã truyền đạt: “Đã đi là phải đến!”.
Sau hai tiếng đồng hồ hành quân, đoàn công tác cũng đã tiếp cận được mốc quốc giới 529, nằm sâu trong rừng già, trên địa bàn xã Dân Hóa.
“529 là một trong số 61 mốc quốc giới trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Bình. Mốc quốc giới 529 là mốc đơn, cỡ trung, cắm trên sống núi, tại điểm có độ cao 734,08m... Thân mốc được làm bằng đá hoa cương nguyên khối cao 1,25m, móng và đế mốc được làm bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, chiều cao của đế mốc 0,25m; các chữ và số được khắc chìm trên mốc, sơn màu đỏ…”. Chuyên nghiệp, thuần thục, đội trưởng đội tuần tra giới thiệu cho các thành viên trong đoàn, sau khi đội đã cẩn thận kiểm tra hiện trạng, tiến hành phát quang xung quanh khu vực mốc, bảo đảm mốc quốc giới được nhận biết rõ ràng. Đoàn đã thực hiện nghi thức chào cột mốc quốc giới.
Trong đợt tuần tra lần này, đoàn công tác tổ chức kiểm tra đoạn biên giới từ mốc quốc giới 527 đến 529 và việc phối hợp thực hành công tác tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc của Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo cùng các lực lượng. Qua kiểm tra cho thấy, dấu hiệu đường biên giới không bị xê dịch, các mốc quốc giới được bảo đảm nguyên trạng, an toàn; không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế biên giới, xâm nhập, vượt biên giới trái phép. Nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm hiệp định, quy chế khu vực biên giới.
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Trịnh Thanh Bình khẳng định: Việc kiểm tra đoạn biên giới, mốc quốc giới nhằm góp phần kiểm soát chặt biên giới, không để những vụ việc vi phạm quy chế biên giới xảy ra, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng biên phòng, với sự phối hợp của các lực lượng khác, như: Công an, dân quân, quần chúng nhân dân… ở địa phương.
Ở những điểm nghỉ chân trên hành trình của đoàn công tác, chúng tôi có dịp trò chuyện với các thành viên của tổ tuần tra. Thấm vội mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt, anh Hồ Khai, Thôn đội trưởng bản Ka Ai, xã Dân Hóa vui vẻ chia sẻ: “Mỗi lần được cử đi kiểm tra cột mốc, mình vui lắm! Cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì được tham gia bảo vệ biên giới. Nên được giao nhiệm vụ lúc nào, mình có mặt lúc đó, sẵn sàng lên đường!”. Hồ Khai là người đã rất nhiều lần cùng lực lượng biên phòng tuần tra các mốc quốc giới 522, 523, 527, 529.
Thiếu tá Dương Văn Hải, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo ngồi bên tiếp lời: Các chuyến tuần tra của cán bộ, chiến sĩ biên phòng chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ phía các lực lượng của địa phương, như: Công an xã, dân quân, nhân dân… Với kinh nghiệm đi rừng của người dân bản địa, những người như anh Hồ Khai đã hỗ trợ chúng tôi dựng lán, nhóm lửa, cách lấy nước vào mùa khô hạn, kỹ năng nhớ đường... góp phần giúp đội tuần tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn cho biết: Phối hợp với lực lượng biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, góp phần giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới trên địa bàn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chủ trương chung đã có từ lâu và tại địa bàn các xã biên giới của huyện Minh Hóa đã lập các tổ tự quản, gồm: Công an, dân quân, trưởng bản… tham gia đội tuần tra cùng với lực lượng biên phòng. Nhưng đây là lần đầu tiên, công tác phối hợp tuần tra mới thực hiện ở cấp huyện. Trực tiếp tham gia tuần tra, giúp huyện nắm rõ hơn về tình hình đường biên, mốc quốc giới và công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn; thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của lực lượng biên phòng. Điều này sẽ giúp ích cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn.
Thông qua đợt tuần tra này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và lãnh đạo huyện Minh Hóa cũng đã trao đổi, thống nhất, đề ra chủ trương, giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo các đồn Biên phòng, Đảng ủy, UBND các xã biên giới thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ BGQG.
Đây cũng là cơ sở thực tiễn để BĐBP tỉnh rút kinh nghiệm trong công tác chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp tổ chức, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và nhân dân trên địa bàn tham gia tích cực hơn nữa với BĐBP trong tuần tra, bảo vệ biên giới; cũng như phối hợp với các huyện, thị, thành ủy để tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra hệ thống đường biên giới, mốc quốc giới và chủ quyền, an ninh trật tự trên vùng biển của tỉnh trong thời gian tới. Từ đó, phát huy được “thế trận lòng dân”, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ biên giới”, đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh khẳng định.
Nội dung và ảnh: HƯƠNG LÊ - NGỌC MAI
Video Clip: HƯƠNG LÊ
Thiết kế và đồ hoạ: XUÂN HOÀNG