.

Số 8: Ngày về

Thứ Ba, 24/08/2021, 23:35 [GMT+7]

"Có thể nói sự ra đi của Đại tướng đã thức tỉnh chúng ta rất nhiều điều. Điều mà dễ nhận thấy nhất là tình cảm kính trọng, yêu thương, cảm phục vô bờ bến của người dân dành cho Đại tướng...  Đúng là Đại tướng của Nhân dân, cả cuộc đời ông dành cho dân, cho nước. Sự ra đi của Đại tướng và đám tang của ông làm chúng ta nhận ra nhiều điều mà lâu nay chúng ta không nhận thấy. Lòng dân là thế đấy. Không có cái gì giấu được dân. Yêu thương hay ghét bỏ...Chỉ đến lúc về cõi vĩnh hằng mới có thể nhận thấy chân giá trị trong mỗi con người" - Nhà sử học Dương Trung Quốc

 

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời cõi tạm, về với ông bà tổ tiên khi đã tròn 103 tuổi. Trong văn hóa Việt, đó là tuổi đại thọ, con cháu mừng ông, cha thanh thản, nhẹ bước về cõi lành. 

 

Vậy mà, ngày Đại tướng đi xa, cả đất nước Việt Nam từ trẻ, già, trai, gái đều rơi nước mắt. Chưa bao giờ tình yêu chung dành cho một người làm cho cả dân tộc người người xích lại gần nhau, muôn trái tim chung nhịp đập như những ngày ấy. 

 

 

Có một bài hát tiễn đưa ông của Nhạc sĩ An Thuyên lấy cảm hứng từ tiếng đàn ngân trên phố phường Hà Nội: "Tiếng đàn Đại tướng... mười ngón tay thô lướt trên thăng trầm trắng đen cuộc đời, vinh quang cay đắng... cây đời vẫn xanh". 

 

 

Suốt cuộc đời, Đại tướng gần gũi, tin yêu, tôn trọng Nhân dân, dựa vào Nhân dân, đứng trong hàng ngũ trùng trùng điệp điệp của Nhân dân. Chính vì vậy mà ông thấu hiểu lòng dân. Nhân dân cũng từ đó mà tin yêu ông, mỗi mệnh lệnh từ ông-vị tổng chỉ huy của hai cuộc kháng chiến-đều biến thành sức mạnh của cả một dân tộc đoàn kết, "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". 

 

Là vị tướng, ông lắng nghe từ người chỉ huy cấp dưới đến một người lính trẻ mới mười tám, đôi mươi. Sự lắng nghe của một trí tuệ mẫn tiệp đã cho ông những quyết định sáng suốt trong những thời điểm có tính chất quyết định để làm nên chiến thắng.

 

 

Nhưng, chiến tranh tàn khốc, chiến thắng nào cũng phải trả bằng máu xương của biết bao người con đất nước. "Có trận thắng vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở Sở chỉ huy, nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc, nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Những điều ấy thì không phải ai cũng biết....". Thượng tướng Trần Văn Trà, một người đồng đội thân thiết và gần gũi với Đại tướng từng kể lại. 

 

Những gì mong muốn cho đất nước, cho Nhân dân, cả đời Đại tướng đã thực hiện, tận hiến cho đến hơi thở cuối cùng. Những lời dặn dò tâm huyết của ông sẽ được ghi nhớ đến muôn sau: "Luôn luôn nhìn về hướng biển, vì kẻ thù thường tấn công ta từ hướng đó". "Phải bảo vệ môi trường, vì môi trường bị phá hoại thì dù có bao nhiêu tiền cũng không thể khôi phục lại được". "Làm cán bộ thì phải vì nước, vì dân, như lời Bác Hồ dạy". "Xây dựng xã hội Việt Nam thành "xã hội học tập" "xã hội sáng tạo", "đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái". "Phải gần dân, có dân là có tất cả". 

 

Tiếng đàn đã ngưng nhưng giai điệu của nó vẫn trầm ấm, lắng sâu trong lòng người: "Đàn ngân… nhân nghĩa sáng ngời, đàn ngân trí thức cao vời. Danh tướng muôn đời… rạng rỡ Việt Nam".

 

Ngày tiễn Đại tướng về quê, lần về cuối cùng và mãi mãi, nhân dân Hà Nội xếp hàng dài suốt 40 km từ phố Hoàng Diệu ra tới sân bay Nội Bài, yên lặng và cung kính tiễn đưa Đại tướng. Dọc đường linh xa đi qua, người người rơi nước mắt.

 

 

Người Hà Nội mãi mãi không quên mùa đông năm 1946, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng chỉ huy vạch kế hoạch tác chiến cho Thủ đô và đến tận chiến hào động viên các chiến sĩ "cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh"; không quên mùa đông năm 1972, Đại tướng Tổng tư lệnh cùng cơ quan Tổng hành dinh làm việc suốt ngày đêm để vạch kế hoạch chiến lược phòng chống tập kích B52 và theo sát chỉ đạo quân dân Thủ đô chiến đấu kiên cường, buộc Mỹ phải thua trên bầu trời Hà Nội.

 

Hà Nội cũng là nơi gắn bó lâu nhất trong cuộc đời Đại tướng. Hơn ai hết, người dân Thủ đô hiểu và thương vị tướng trăm tuổi vẫn lo lắng cho sự an nguy của đất nước, bình an và hạnh phúc của Nhân dân. 

 

"Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó". Với ông, mang lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân chính là đích đến của mọi cuộc cách mạng, là khát vọng của mọi khát vọng. Niềm tin của ông vào sức mạnh đoàn kết, nghị lực và ý chí Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các thế hệ, nhất là những người trẻ, để họ nuôi lớn ước mơ, hoài bão xây dựng đất nước hùng cường. 

 

Tiếng đàn ngân lên những giai điệu thật đẹp, như chính cuộc đời vị tướng của Nhân dân: "Cánh chim ngang trời vẫn không biết mỏi, vẫn mơ ước sống, lo nhiều cho dân".

 

Không chỉ người Hà Nội, ngày Đại tướng đi xa, những người con khắp mọi miền đất nước đã lặn lội dặm dài xa xôi để được đứng trong dòng người như suối nguồn đổ về linh thiêng sông núi Quảng Bình-nơi sinh ra người con trung hiếu của đất nước. Có những gia đình ba thế hệ cùng nhau "về Quảng Bình thăm Đại tướng". Họ muốn con cháu mình yêu kính và mãi mãi tri ân vị tướng vì nước, vì dân. 

 

"Tiếng đàn Đại tướng... trời đất yêu thương khóc cho dân tộc khuất xa một người, rạng danh trung hiếu sáng ngời muôn sau. Đàn ngân... thương tiếc vô cùng, đàn ơi... nước mắt tuôn trào, đất nước nhớ người vì nước quên thân"!

 

 

Ngày đón Đại tướng trở về quê mẹ yên giấc ngàn thu, dòng Kiến Giang sau những ngày mưa bão chở nặng phù sa. Có một con đò xuôi về làng An Xá. Và đâu đó, trong những ngôi nhà lặng lẽ bên sông, vẳng một tiếng hò ơ.....ngân dài. Hình như ai đó muốn hát ru, hay bắt đầu một nhịp hò khoan, mà bỗng dưng ngừng lặng, chỉ còn tiếng đò máy nhỏ dần, nhỏ dần... rồi hút xa ra phía Hạc Hải.

 

 

Trong ngôi nhà nhỏ của Đại tướng ở giữa làng, những người hàng xóm thân thuộc đến giúp gia đình Đại tướng sắp đặt nhang đèn, hương khói cho người đi xa. Nước mắt không chảy thành dòng, nhưng trên mỗi gương mặt của người dân An Xá thăm thẳm nỗi buồn. Với họ, Đại tướng từ lâu đã là ruột thịt. Thế là từ đây, họ không còn được gặp một người thân đi xa trở về, hiền hậu cười với họ, hát hò khoan với họ và bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: "Tôi nói vắn, nhưng tình dài". Họ ít khi gọi ông là Đại tướng mà gọi bằng cái tên thân mật: Bác Văn ! 

 

 

Bên thềm nhà, họ kể lại những câu chuyện ngày xưa: về cụ đồ Nghiêm nghiêm nghị mà nhân từ; về cậu Giáp thông minh và nghịch ngợm; về cây khế, cây mít trong vườn nhà bác Văn qua bao mùa bão lũ...

 

Tôi nhớ lời chị Hồng Anh "con gái anh Văn" (cái tên mà chị thích được gọi): "Ngôi nhà này là nơi mà ba tôi đã có những năm tháng tuổi thơ mặc dù là thanh đạm, nhưng được sống trong tình thương yêu của bà nội và trong sự dạy dỗ hết sức nghiêm khắc của ông nội, cũng như trong tình thương và sự chăm sóc hết mình, hy sinh để cho các em được học tập của các bác gái của tôi,...Và vì vậy nên cho dù đi đâu, về đâu, thì hình ảnh ngôi nhà này không bao giờ phai mờ trong lòng của ba tôi. Tình cảm đó cũng được ba tôi truyền lại cho tôi và các em sau này. Mỗi lần về đây thì đều tìm thấy tình cảm chân thành và sự quý mến của bà con làng xóm đối với cha mẹ mình. Điều ấy rất đáng quý đối với chúng tôi".

 

Ngày Đại tướng vừa qua đời, tôi đã lang thang rất lâu trong ngôi làng nhỏ bên dòng sông Kiến Giang, đã chuyện trò với những người dân tôi gặp trên đường. Họ kể với tôi về những điều Đại tướng căn dặn: "Làm lúa thôi thì mới chỉ đủ ăn, muốn khá lên thì phải có nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập. Làng ta có nghề dệt chiếu cói xưa nổi tiếng, nay phải giữ lấy và phát triển nó lên“."Học đi, cố gắng học tập để tiến bộ, chứ đừng ỷ một người làm quan cả họ được nhờ, muốn làm giàu thì trước hết phải độc lập, tự chủ". "Đừng vì cái lợi trước mắt mà phá hoại môi trường. Phải giữ cho sông Kiến Giang, phá Hạc Hải được như bây giờ, đừng để nước sông cạn dần, dòng sông bị ô nhiễm, Hạc Hải không còn là Hạc Hải...".

Họ nhắc: "Bác đi xa lâu rứa mà hình như không quên một điều chi. Bác về bác hỏi bầy tui (chúng tôi): chợ Tréo, chợ Thùi còn bán bún ruốc không?". "Bác dặn, mỗi lần trong quê có ai ra Hà Nội thì quà cho bác lọ dầu tràm là quý lắm rồi, đừng bày vẽ chi mà tốn kém. Bác nói, đất quê ta mênh mông, cây sả, cây tràm mọc tự nhiên cũng nhiều, giữ lấy nghề làm dầu tràm, dầu sả, những thứ đấy rất tốt và cần cho sức khỏe". 

 

Tròn một năm ngày mất của Đại tướng, người dân hai bên bờ sông Kiến Giang, gần như nhà nào cũng cúng cơm cho Đại tướng. Cụ bà Đào Thị Tâm ở thôn Tuy Lộc mộc mạc: "Gần ngày của bác rồi mà tui không có gì để đền ơn cho bác thì tui làm một bàn cơm, mua hương giấy cúng cho bác để nhớ ngày của bác, nói với con với cháu là sau ni nhớ ngày giỗ của bác mà thắp hương cho bác". 

 

 

Người ta ghi nhớ những chiến tích lừng lẫy của Đại tướng, còn tôi nhớ mãi nụ cười hiền hậu và bao dung, nhớ câu nói giản dị mà ấm áp của ông: "Đi khắp mọi miền đất nước, tới nhiều chiến trường, nhưng không phải vì thế mà tình cảm đối với quê hương kém phần sâu đậm. Ra đi trên dòng sông Kiến Giang, làm sao mà quên được cái cảnh sông núi hiền từ và hùng vĩ của quê hương... 

Quê hương, gia đình có thể nói đã chung đúc nên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi". 

 

Dòng sông quê, ngôi nhà nhỏ và tình cảm xóm làng đã nuôi dưỡng tâm hồn của một con người, để ông trở thành vị tướng của Nhân dân, sống mãi trong lòng dân.

 

 

 

Ở Núi Thọ, Vũng Chùa, nơi Đại tướng an nghỉ có một tháp chuông, trên chiếc chuông đồng ghi: “Gia đình bà Đặng Bích Hà cùng các phật tử thành tâm chú tạo”. Ba mặt của hồng chung được khắc bài kệ "Cư trần lạc đạo" của Phật hoàng Trần Nhân Tông:

Tức:

Ở đời vui đạo cứ tùy duyên

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Của báu trong nhà, đừng tìm nữa

Thấy cảnh vô tâm, chẳng hỏi thiền.

 

Mặt còn lại khắc hai dòng thơ:

       

 

Về ý nghĩa bài thơ, Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi (Gia Lâm, Hà Nội) có suy ngẫm : "Con người đến thế nào thì trở về thế đó. Hai câu thơ nhỏ nhắn vậy thôi mà chứa đựng cả một triết lý thâm sâu-thứ triết lý mà nếu không thấu hiểu tất thảy thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ) của đời, khó có thể thấm thía".

 

Mọi vinh quang và ngợi ca, Đại tướng đều mong muốn dành cho Bác Hồ, cho Đảng, cho đất nước và cho toàn thể Nhân dân Việt Nam. "Vị tướng dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ là giọt nước giữa đại dương". Nguyện vọng cuối cùng của Đại tướng là được trở về an nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Sinh ra trong một ngày đầu thu, đi qua 2 thế kỷ, ông thanh thản trở về với sông núi quê hương một ngày vàng nắng thu.

 

 

Tôi đã từng đứng giữa mênh mông tĩnh lặng ở núi Thọ-Vũng Chùa trong một buổi hoàng hôn rất đẹp và nghe tiếng hồng chung rung ngân. Ngỡ như khí thiêng của đất trời, sông núi, đảo khơi hòa quện trong tiếng chuông, vang trên nền sóng vỗ. 

 

Ngày về của Đại tướng, cả bầu trời Việt Nam sáng lên những ngọn nến tri ân. Đức Phật có câu: "Hàng ngàn ngọn nến có thể được thắp sáng bởi một ngọn nến và cuộc đời của ngọn nến ấy không bao giờ lụi tàn. Hạnh phúc không bao giờ cạn đi nếu ta biết chia sẻ".

 

 

Ngọn nến trong trái tim Đại tướng đã thắp sáng hàng triệu triệu ngọn nến trong trái tim yêu nước của các thế hệ người dân nước Việt. Và ánh sáng từ cuộc đời, từ tinh thần của Đại tướng sẽ cháy sáng mãi.

 

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng cũng là những tháng ngày đất nước chồng chất khó khăn. Đại dịch covid 19 đe dọa cuộc sống bình yên, cướp đi sinh mệnh của nhiều đồng bào ta. "Vì miền Nam ruột thịt", những đoàn quân áo trắng, áo xanh, những gương mặt thanh xuân lại lao vào nơi nguy hiểm để cứu đồng bào. Những ngày này, mỗi hình ảnh, mỗi mẫu tin từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...đều làm lòng người rưng rưng

 

Hơn bao giờ hết, những người dân nước Việt ước vọng, Ngọn nến Đại tướng sẽ tiếp tục thắp sáng những ngọn nến phúc lành, sẻ chia, lan tỏa, tiếp thêm sinh lực và ý chí cho đồng bào nơi tâm dịch, cho những đoàn quân sớm chiến thắng trở về, để lại bình an và tin yêu cho Nhân dân.

 

Cũng những ngày này, trên triền Núi Thọ, cờ Tổ quốc tung bay trong gió lộng, ngôi mộ cỏ bình yên, những hoa cỏ li ti như những ngôi sao nhỏ lung linh trong ráng chiều. Những cuộc chiến tranh đã đi qua, những làn sóng hận thù đã im ắng lại, những mất mát hy sinh của các bậc tiền nhân đã mang lại bình yên cho đất nước hôm nay...

 

Đại tướng đã về với thế giới người hiền, nhưng Đại tướng sẽ sống mãi trong niềm tin của Nhân dân, rằng anh linh của Người sẽ dõi theo vận nước mà chung lo cho muôn dân.

 

          Số 1: "Tôi luôn luôn nghĩ đến quê hương"

Số 2: "Dĩ công vi thượng"

Số 3: "Môi trường là của cải"

Số 4: "Toàn dân học tập"

Số 5: Luôn nhìn về hướng biển

Số 6: "Đừng xa dân"

Số 7: Biến huyền thoại thành lịch sử

 

 

 

Nội dung: TRẦN HỒNG HIẾU

Thiết kế & Đồ họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG

Ảnh: Tư liệu

 

 

 

 

 

 

23:35, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)