.

Người thầy Võ Nguyên Giáp

Thứ Năm, 15/07/2021, 15:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Võ Nguyên Giáp đã từng là thầy giáo. Thời loạn, thầy giáo làm tướng quân đánh giặc giữ nước, thời bình tướng quân chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ.

 

TRƯỚC KHI TRỞ THÀNH NHÀ QUÂN SỰ LỖI LẠC, VÕ NGUYÊN GIÁP ĐÃ TỪNG LÀM THẦY GIÁO. THỜI LOẠN, THẦY GIÁO LÀM TƯỚNG QUÂN ĐÁNH GIẶC GIỮ NƯỚC, THỜI BÌNH TƯỚNG QUÂN CHĂM LO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO THẾ HỆ TRẺ. TRONG HÀNH TRÌNH CÁCH MẠNG ẤY, DẤU ẤN NGƯỜI THẦY VỚI NHỮNG PHẨM CHẤT TIÊU BIỂU ĐÃ PHẦN NÀO KHẮC HỌA CHÂN DUNG MỘT VỊ TƯỚNG QUÂN THẬT ĐẶC BIỆT VÀ KHÁC BIỆT.

 

 

Sinh ra và lớn lên trong “một thời đoạn lịch sử nhiều bi kịch và nghịch lí”(1), Võ Nguyên Giáp ngày càng cảm nhận rõ nỗi khổ của một dân tộc không có tự do, sớm hình thành ý thức trách nhiệm với dân tộc, với đất nước. Những năm tháng học ở Huế, ông được mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ nhiều hơn đến hành động của mình trước thời cuộc. Võ Nguyên Giáp đã nung nấu ý nghĩ “... sau này mình sẽ đi dạy học, sẽ dần gieo vào bọn trẻ lòng yêu nước, yêu tự do là những thứ đang bị thực dân nước ngoài chà đạp” (2).

Tình yêu nước, yêu thương dân tộc chính là động lực để ông dấn thân vào con đường cách mạng và lựa chọn nghề giáo là điểm khởi đầu cho việc thực hiện lí tưởng của mình. Năm 1934, sau khi đỗ tú tài toàn phần, Võ Nguyên Giáp đã trở thành một giáo viên Lịch sử tại trường tư thục Thăng Long (Hà Nội). Ông được học sinh kính trọng và ca ngợi là dạy giỏi bởi thầy Giáp lên lớp với nhiệt huyết, sự am hiểu tường tận về những vấn đề lịch sử và được trình bày theo cách riêng của mình. Theo họa sĩ Phan Kế An, “Thầy Giáp luôn dùng những câu chuyện cách mạng để đưa tinh thần cách mạng đó vào Việt Nam. Cách dạy đó vừa hấp dẫn vừa khiến học sinh sôi nổi, quan trọng hơn nó đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của tuổi trẻ”(3). “Ông truyền bá không biết mệt mỏi những ý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin qua các bài giảng trên lớp, trong các buổi trò chuyện với học sinh, với đồng nghiệp”. (4) 

Tất nhiên, thầy Giáp đã không dừng lại ở đó. Giữa năm 1940, ông đã rời trường Thăng Long bước sang chặng đường mới, để lại trong kí ức không thể nào quên của các học trò Thăng Long một hình ảnh thầy Giáp với những bài giảng thấm đượm tinh thần yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Tinh thần đó cũng là hành trang quan trọng bậc nhất của thầy Giáp trong suốt cuộc đời.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng “có nhiều cách học, trong đó cách học quan trọng nhất và tốt nhất đó là tự học”(5). Thành công của ông trên con đường cách mạng là nhờ một phần rất quan trọng vào điều đó. Làm tướng quân nhưng không qua một lớp quân sự bài bản nào, ông đã nỗ lực tự học, biết lắng nghe, tổng kết kinh nghiệm. Ông đọc nhiều về lịch sử và tìm được ở đó rất nhiều bài học quý giá. “Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Đại tướng đi công tác thường có người gánh sách đi theo, như vậy việc học tập của đại tướng là việc học tập suốt đời”(6). Ông đã không ngừng học tập trên chiến trường – đó là trường học khắc nghiệt nhất. Với ông, “trong chiến tranh thắng được một trận mà học được nhiều còn hơn thắng nhiều trận mà chẳng rút ra được bài học gì.”(7.)

Ông học trong mọi tình huống, khi thắng lợi và cả khi thất bại, học từ chiến sĩ cấp dưới đến đối phương của mình. “Những thắng lợi và thất bại của ta, những hành động của địch là những bài học quý báu. Chúng ta luôn luôn học tập ở quân địch, học tập trong chiến đấu”(8). Ông luôn rất khiêm nhường trước sức sáng tạo của quân dân trong chiến tranh “có nhiều điều tôi không hề nghĩ tới. Chính nhờ thế mà tôi trưởng thành hơn và sáng tỏ hơn nhiều vấn đề"(9) . Tinh thần cầu học đó đã giúp ông tích lũy một tri thức lí luận quân sự, thực tiễn chiến tranh hết sức phong phú và đủ tự tin để có những quyết định làm nên lịch sử. Bernard Fall nói về việc tự học thành tướng tài của Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trong tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào có thể sánh kịp với tướng Giáp” (10) 

Điểm bổi bật ở Võ Nguyên Giáp là luôn biết lắng nghe, biết quy tụ trí tuệ của những người xung quanh mình, không dùng uy lực hay mệnh lệnh hành chính để áp đặt. Làm Phó Thủ tướng ở tuổi ngoài 70, bên cạnh nghiên cứu, tiếp cận với những vấn đề mới đang trở thành xu thế của thế giới, ông đã rất nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để đề xuất những vấn đề có tính chiến lược cho sự phát triển khoa học, văn hóa, giáo dục nước nhà. Các nhà khoa học khi gặp gỡ, làm việc với Đại tướng đều ngưỡng mộ, khâm phục về cách đặt vấn đề, phương pháp tư duy, những hiểu biết tường tận về các lĩnh vực mà Đại tướng bàn đến. Với họ, “ông thuộc lớp đại trí thức đi làm cách mạng. Phải nói đó thực sự là phong cách làm việc của một trí thức khoa học hết sức nghiêm túc, làm chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ” (11).

 

Xuất thân là một thầy giáo nên ông rất hiểu và coi trọng giáo dục. Hằng trăm bài nói chuyện, bài viết của Đại tướng về giáo dục từ khi ông còn là Phó Thủ tướng đến khi nghỉ hưu đều toát lên một tầm nhìn chiến lược, một sự quan tâm tỉ mỉ chu đáo mọi vấn đề, từ phương hướng chiến lược của ngành đại học đến giáo dục phổ thông; về chất lượng giáo dục ở miền núi; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; giảm tải kiến thức hàn lâm trong chương trình; chú ý việc giáo dục kiến thức khoa học gắn với thực tiễn từng địa phương … Ông thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của giáo dục, của nhận thức xã hội về hoạt động giáo dục từ những biểu hiện nhỏ đến những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Tất cả những vấn đề đó được nêu lên với cả tâm huyết của một nhà cách mạng, một nhà giáo yêu nước.

 

Về thăm quê hoặc đến bất kì một địa phương nào, Đại tướng luôn hỏi thăm việc học hành của các cháu học sinh, dặn dò các đồng chí lãnh đạo ngành giáo dục về những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Đại tướng đặc biệt quan tâm việc xây dựng các trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước, nhắc nhở các cháu học sinh phải học tập để đưa đất nước chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; đưa Việt Nam vươn lên sánh vai với các nước trong khu vực và vươn ra thế giới. Ông tin rằng “trong công cuộc tiếp tục đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng với việc xây dựng một xã hội học tập, tinh thần sáng tạo và trí tuệ Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng bằng được nghèo nàn lạc hậu, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, sẽ một lần nữa biến huyền thoại thành lịch sử” (12).

Có thể nói, suốt cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tận sức tận tâm phục vụ đất nước. Quãng thời gian làm giáo viên tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại dấu ấn đặc biệt trong tác phong của một vị tướng quân như ông. Ông họ Võ, bí danh là Văn. Thời chiến dùng võ công, thời bình lo văn trị. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời trên hai chặng đường của dân tộc với cả tài năng văn võ vẹn toàn. Yêu nước, có trách nhiệm với dân tộc, tận tâm với nghề, tin tưởng ở thế hệ trẻ là đạo đức hàng đầu của nhà giáo cách mạng. Tinh thần tự học và học tập suốt đời là một phẩm chất quan trọng của người thầy. Ở góc nhìn đó, có thể khẳng định, Võ Nguyên Giáp là một nhà giáo cách mạng tiêu biểu, một tấm gương sáng để các thế hệ nhà giáo Việt Nam học tập, noi theo.

 

 

(1) TS. Nguyễn Khắc Thái , Võ Nguyên Giáp – Thiên tài từ sự chắt lọc

(2) (4) Cecil B. Curey, Chiến thắng bằng mọi giá, NXB thế giới, 2013, trang 45, 77.

(3) (5) (6) (12) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo, NXB ĐHSP, năm 2014, trang 371, 281, 329, 282.

(7) Cecil B. Curey, Chiến thắng bằng mọi giá, NXB thế giới, 2013, trang 306, 222.

(8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, NXB QĐND, 1995, trang 111.

(9) Báo Vietnam.net , Đại tướng đã trải qua không ít gian truân, số ngày 9/10/2013.

(10) Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại, NXB Thông tấn, 2013, trang 313.

(11) PGS.TS Vũ Cao Đàm – Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản chính sách thành văn đầu tiên về khoa học – công nghệ ở nước ta – http://www.tchdkh.org.vn, ngày 7/10/2013.

 

Nội dung: THÁI LỢI

Ảnh: Tư liệu

Thiết kế & Đồ Họa: XUÂN HOÀNG

15:23, Thứ Năm, 15/07/2021 (GMT+7)