.

Thắng cảnh Việt Nam: Dấu hỏi từ bên kia bán cầu

Thứ Bảy, 13/02/2021, 21:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi đi tác nghiệp báo chí và thực hiện các dự án bảo tồn thiên nhiên ở nhiều quốc gia, tôi luôn bị ám ảnh bởi cái cách con người ta đối xử với những bước chân mình trên vỏ trái đất. Các chuyến đi, gần thì ở Nhật, ở Hàn, Bhutan, Singrapore; xa hơn thì đến Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển; mười mấy giờ bay tới "Lục địa đen" châu Phi; và xa hẳn tít tắp thì vùng Brazil hay Argentina của Nam Mỹ-mãi bên kia bán cầu. Các thắng cảnh lừng danh của bạn cũng chẳng hơn gì các kỳ quan danh tiếng của ta ở Hạ Long hay Quảng Bình. Bằng chứng là siêu phẩm King Kong của Mỹ phải sang tận Việt Nam để chọn bối cảnh. Các dòng sông ngầm hay hang động đỗ vừa vài cái Boeing siêu to khổng lồ ở nước ta toàn được xếp vào hàng kỷ lục đáng nghiêng mình ngưỡng mộ của thế giới.   Tuy nhiên, cách chúng ta đi du lịch và xả rác thì khác và lắm lúc "thấp" hơn hẳn xứ người.  

Khi đi tác nghiệp báo chí và thực hiện các dự án bảo tồn thiên nhiên ở nhiều quốc gia, tôi luôn bị ám ảnh bởi cái cách con người ta đối xử với những bước chân mình trên vỏ trái đất. Các chuyến đi, gần thì ở Nhật, ở Hàn, Bhutan, Singrapore; xa hơn thì đến Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển; mười mấy giờ bay tới “Lục địa đen” châu Phi; và xa hẳn tít tắp thì vùng Brazil hay Argentina của Nam Mỹ-mãi bên kia bán cầu. Các thắng cảnh lừng danh của bạn cũng chẳng hơn gì các kỳ quan danh tiếng của ta ở Hạ Long hay Quảng Bình. Bằng chứng là siêu phẩm King Kong của Mỹ phải sang tận Việt Nam để chọn bối cảnh. Các dòng sông ngầm hay hang động đỗ vừa vài cái Boeing siêu to khổng lồ ở nước ta toàn được xếp vào hàng kỷ lục đáng nghiêng mình ngưỡng mộ của thế giới. Tuy nhiên, cách chúng ta đi du lịch và xả rác thì khác và lắm lúc “thấp” hơn hẳn xứ người.

 

Hơn 20 năm trước, tôi còn trẻ lắm và vào Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam: Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình), thấy họ treo biển thế này, tôi đã bảo họ màu mè ra vẻ, nói thế mà làm theo nổi. “Bạn đừng để lại trong rừng cái gì, ngoài dấu chân của bạn/Bạn đừng đem ra khỏi rừng cái gì, ngoài những bức ảnh đẹp”. Hồi đó, ông Tilo Nadle mới sang Việt Nam và suốt ngày cấm người dân bản Mường ở Nho Quan vào rừng lấy măng hái nấm, nhiều người bảo, lão này “điên à”. Ở rừng không tựa vào rừng mưu sinh thì tựa vào đâu? Sau này, cả thế giới và cả Việt Nam đã làm bảo tồn rừng đặc dụng y cách ông Tilo và tấm biển kể trên.

 

Cũng hồi đó, tôi đi bộ 4 ngày ròng rã mới lên đến nóc nhà Đông Dương, đỉnh Phan Xi Păng (tỉnh Lào Cai). Và, tôi cũng thấy như là thiên hạ phát điên cả hết rồi, khi mà hướng dẫn viên nói tiếng Anh và khách da trắng toàn mang vỏ chuối, vỏ cam, nilon và vỏ thịt hộp vào ba lô, cõng mấy ngày trên các vòm vai chín rạn, về thị trấn Sa Pa vứt vào thùng rác.

 

Đúng là mình chưa hiểu cái gì, thì đừng có vội bài bác. Sau này, tôi cùng cả Việt Nam và cả thế giới vận động nói không với túi nilon, vận động đừng xả rác ra thắng cảnh và đừng để ít năm nữa số túi nilon dưới lòng đại dương nhiều hơn cá. Lúc ấy tôi rất muốn gặp lại để cảm ơn các nàng các chàng da trắng đi tiên phong ở Sa Pa. 

 


 

Lại nhớ lúc đến quê hương họ. Có khó gì đâu mà không làm được như họ, không cần phải tiền tỷ hay văn minh vật chất cỡ nào, không cần xây cao tốc hay làm nhà chọc trời, mà chỉ cần ý thức một tí trong lòng tự trọng của mỗi người thôi. Là gần như đủ.

 

Trái tim Đan-cô còn rút ra thành ngọn đuốc soi tỏ cho cộng đồng đi tới. Sao cái việc tự quản lý vài cọng rác hoặc kiềm chế cái việc “xả thải” của bản thân một cách đúng quy định mà khó thế? Trong các ý thức, các văn hóa của một nhân cách người, tôi nghĩ, ba chữ “vì cộng đồng” có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Và hơn thế, nếu giữ được sự băng trinh của môi trường tự nhiên, vốn được đất nước ông bà ban tặng bao nhiêu là sơn kỳ thủy tú, thì đến lượt mình, các thắng cảnh sẽ làm con gà đẻ trứng vàng, chăm bẵm ngành công nghiệp không khói, phục vụ chính cuộc sống thịnh vượng và nhân ái thêm của chúng ta. Chứ còn ai vào đó nữa.

 

Nhớ những ngày ở hạt Vestland của Na Uy, đi bộ 2 ngày đến đỉnh núi thò ra vịnh biển tuyệt mỹ. Nó là vùng Lưỡi Quỷ Trolltunga nổi tiếng, là “điểm đến trước khi chết”(before you die) của mọi lời khuyên dành cho người thích du lịch cả thế giới suốt bao năm qua. Điều tôi hết sức ngạc nhiên là tại sao họ không lập thùng rác, không có nhân viên thu gom rác và cũng không có biển “đừng xả rác” hoặc biển chỉ dẫn thùng rác để ở đâu. Đi bộ 2 ngày qua nhiều thung lũng xanh rêu, các hồ nước óng ánh như gương in hình trời xanh mây trắng bông. Trừ những lúc dựng lều ngủ rồi sử dụng toa lét ẩn tàng ý nhị trong núi xám hay rừng xanh. Tuyệt đối không thấy một cọng rác. Cũng không thấy nhân viên quản lý du lịch, càng không thấy hàng quán.

 

Chỉ biết là bạn dựng lều ở bất kỳ khoảnh đất đá bằng phẳng nào, ngủ một đêm trên núi tuyết, rồi bỏ tất cả đồ đạc lại (để khỏi phải cõng chúng lên rồi lại cõng về) và lếch thếch đi bộ ngắm miền biển xanh và các tảng đá mỹ miều, mỏm đá Lưỡi Quỷ còn giống cái lưỡi hơn cả cái lưỡi, nó lè một cách hí tếu từ núi ra biển một cách mơ màng và đáng ngỡ ngàng nhất… Bạn cứ đi, lúc về thì đồ đạc của bạn vẫn nguyên, hoặc ai đó còn tử tế thu gấp gọn cả vào rồi; thế là bạn chỉ việc khoác túi outdoor lên vai và trở về bãi đỗ xe xa tít tắp dưới kia. Tôi hỏi, họ xử lý rác thế nào? Cô bạn đồng hành mắt xanh như nước biển, gãi đầu gãi tai: “Ơ, làm gì có rác mà phải xử lý?”. Rác của hàng trăm người nối đuôi nhau đi xem kỳ quan địa chất địa mạo của loài người kia, họ vứt đâu? Cô bạn ý nhị cười chui vào lều ngủ, núi tuyết trắng toát bốn bề câm lặng trong đêm.

 

Hôm sau tôi quan sát, thấy bạn ấy cho “ra đời” cọng rác nào, là tự gom lại, bỏ vào túi phụ của ba lô. Tôi cảm kích nhìn rêu xanh miên man, rêu vàng rêu đỏ vẽ lên nền đá lớn những hình vằn vèo gợi cảm như tấm bản đồ thế giới; nhìn các cọng hoa tinh khôi buông ra những mảy cánh trắng bay theo gió, miếng hoa tơ tướp bám vào các mỏm cây bé xíu như có lũ chim vừa đi qua để vương lại những vệt lông trắng ngà. Tôi quan sát và tự nhủ: sẽ là thật đáng xấu hổ, đáng sỉ nhục, nếu mình xả nilon, rác thải ra một nơi thiên đường thế này. Ăn mì Ý đóng gói, bỏ bao bì và thìa nhựa vào túi; mở cái xúc xích, bỏ vỏ nilon tự hủy tự rã vào hành lý. Không ai xả rác, cớ sao phải lo thu rác, với cắm biển “không vứt rác”. Chân lý trẻ lên ba cũng hiểu.

Có lần ở Cộng hòa Nam Phi, tôi đi vào rừng, thấy người ta giữ lại các cây gỗ mục nhẵn thín. Hỏi, gì đây. Bảo, đây là các cây ngã đổ cần bảo tồn nguyên trạng, chúng sẽ mục đi làm đất mùn nuôi cả hệ sinh thái savan của châu Phi mênh mông này. Phần lõi gỗ cứng như thép và đen nhoáy nước… mồ hôi kia, là do con tê giác đi qua cọ người, cọ sừng vào. Tập quán đó của con vật chúng tôi tôn trọng. Đây là chiến trường toàn phân tê giác, phân này có hạt ở trong là của tê giác ăn hạt, còn bên kia là tê giác chỉ ăn cỏ lá. Con đực đánh dấu lãnh thổ, chiếm hữu con cái, thông qua quyền lực bất khả xâm phạm vào khu “bảo tồn phân” này. Nếu bạn vứt một cọng rác vào đây, có thể làm con vật ngán ngẩm bỏ đi và đó sẽ là thảm họa cho bảo tồn của chúng tôi.

 

Tối về, họ cho nhà báo châu Á ngủ tại những khách sạn trên cây cao. Ở sảnh là đỏ ối hoa chuối rừng và miên man các loài cây dại ánh ỏi sắc màu mà ai đó vừa hái ngoài rừng về. Cầu thang dài đi lên cây, đi từ khu nhà cây nọ sang nhà cây kia, vắt qua thung lũng và các con suối. Đâu đâu cũng có dòng chữ: im lặng cho thú nó ngủ, vì nhiều loài ngủ ngày đi kiếm ăn đêm; đóng cửa kẻo khỉ vào lấy mất đồ đem lên ngọn cây. Hươu, nai, ngựa vằn chạy rào rào ven con suối phía dưới. Voi chống ngà nhìn vào khu BBQ ven trảng cát bột nhiều cây cổ thụ to như cột chống trời, dây leo loằn ngoằn như trăn tinh mãng xà. Hươu cao cổ ngóc đầu, đôi mắt to và rợp mi cong ướt tò mò nhìn vào cửa sổ căn phòng trên cây cao của tôi.

 

Người châu Phi đã kỳ công dạy chúng tôi đủ tình huống: khi “dã thú” làm phiền thì phải làm sao; nên giữ gìn môi trường cho sự “thống trị” của thiên nhiên hoang dã được trường tồn như thế nào. Bạn đừng xâm phạm vào quyền lực của con tê giác, ngay cả khi nó sang đường không xi nhan, ngay lúc ông voi ngà lớn nhọn cong như lưỡi hái tử thần đang cáu giận húc vào đầu xe ô tô của bạn mà ẩy nó đi lùi; hoặc khoảnh khắc mà chú sư tử dựng bờm hung dữ đang ăn thịt một con sơn dương đỏ máu... Cạnh tranh sinh tồn, tự nhiên với quy luật của nó, bạn chỉ là con tốt đen trong ván cờ đó, nhớ im lặng nhé.

 

Giữ gìn môi trường, yêu kính thiên nhiên và thấu hiểu-cầu thị để hiểu từng tập tính nhỏ nhất, tôn trọng từng cái quyền tưởng như “ngớ ngẩn” nhất của muôn loài. Đó là bí quyết làm du lịch của người Nam Phi, quốc gia có thu nhập “khủng” nhất nhờ du lịch thông qua tôn trọng sinh thái, hoang thú và cảnh quan mỹ miều.

 

Và đêm ấy, rời bữa tiệc BBQ có đàn voi chống ngà đứng nhìn mình lom lom, tôi về phòng. Bất ngờ thay, người Nam Phi tính toán kỹ lắm. Bạn soi gương khi rửa mặt đánh răng, bạn ngồi WC thì mắt bạn sẽ nhìn đi hướng nào? Họ biết rõ và họ vẽ sơ đồ du lịch, tour tuyến và cả niềm tự hào từ năm 1927 đã có tour lái xe ô tô xuyên rừng Kruger (rừng nguyên sinh có đường biên giới bảo vệ lớn nhất thế giới, rộng gấp 100 lần Vườn quốc gia Cúc Phương của ta). Rừng mang tên vị Tổng thống Kruger của Nam Phi. Thông tin tràn ngập, nhìn vào gương trong phòng tắm, để lúc bạn thức dậy đánh răng nhớ đến họ.

 

Trông người lại ngẫm đến ta, ước gì các nhà quản lý du lịch Việt Nam cũng cặn kẽ, kỹ càng từng li từng tí được như thế; ước gì chính quyền các địa phương, đặc biệt là các bậc thức giả đi trước cùng thật sự ra tay, thành tâm truyền cảm hứng cho cả cộng đồng nâng cao ý thức, ít ra là như “chúng bạn” khắp năm châu bốn biển.

 

Vâng, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất!

Bài: Đỗ Doãn Hoàng

Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng - Oxalis cung cấp

Thiết kế & Đồ họa: Xuân Hoàng

 

 

21:03, Thứ Bảy, 13/02/2021 (GMT+7)