Xây dựng chỗ dựa cho trẻ em bị xâm hại

  • 08:14 | Thứ Bảy, 30/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sự phát triển như vũ bão của công nghệ và mạng xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó ngày càng nhiều trường hợp trẻ em (TE) bị bạo lực và xâm hại trên không gian mạng (KGM). Điều đó đòi hỏi cần một hệ thống bảo vệ TE dựa vào cộng đồng để ứng phó với nạn bạo lực và xâm hại.
 
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) cùng Tổ chức Plan Việt Nam đã triển khai dự án “Mô hình hỗ trợ TE bị bạo lực và xâm hại trên KGM dựa vào cộng đồng giai đoạn 2023-2024”. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng, chỗ dựa vững chắc cho TE không may phải trải qua bạo lực, xâm hại trực tuyến.
 
“Bẫy” online
Theo số liệu của Tổ chức Plan, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ tiếp cận internet cao nhất thế giới với 70% dân số sử dụng. Đây là không gian để TE và thanh thiếu niên học tập, tiếp cận thông tin, xây dựng mạng lưới, mối quan hệ, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.
 
Nhưng, sự phát triển này cũng đã và đang đặt TE-đối tượng dễ bị tổn thương nhất-vào nguy cơ mất an toàn. Việt Nam cũng là quốc gia cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á khi mỗi năm, có hàng trăm nghìn trường hợp báo cáo liên quan đến lạm dụng, sử dụng hình ảnh, clip nhạy cảm của TE trên KGM.
 
Mạng xã hội đã được sử dụng nhằm vào và gây tổn hại cho TE chiếm 25% tổng số các trường hợp báo cáo các vụ xâm hại tình dục TE gửi tới cơ quan Công an giữa giai đoạn 2011 và 2019. Trong đó, TE là người dân tộc thiểu số là nhóm dễ bị tổn thương bởi xâm hại, lạm dụng, bóc lột tình dục trên KGM do bị gạt ra khỏi các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, do tiếp cận giáo dục và nghèo đói. 
Tập huấn nâng cao về hành vi xâm hại, bóc lột tình dục TE  trực tuyến cho nhân viên hỗ trợ địa phương và giáo viên nguồn.
Tập huấn nâng cao về hành vi xâm hại, bóc lột tình dục TE trực tuyến cho nhân viên hỗ trợ địa phương và giáo viên nguồn.
Tại nhiều hội nghị, hội thảo do Sở LĐ-TB và XH phối hợp cùng Plan Việt Nam tổ chức mới đây, rất nhiều đại biểu là Công an, cán bộ phòng LĐ-TB và XH, giáo viên các trường học trên địa bàn đã chia sẻ nhiều trường hợp TE bị xâm hại trên môi trường mạng (MTM). Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng hiện nay là lừa gạt tình cảm, sau đó, dùng các hình ảnh nhạy cảm của trẻ để đe dọa, tống tiền. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống, việc học tập của TE và gia đình. Nhiều trẻ sau khi rơi vào “bẫy” online, đe dọa đến cuộc sống, thậm chí là tính mạng, sức khỏe tinh thần nhưng lại không có chỗ dựa để chia sẻ, không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời từ chính gia đình và cộng đồng.
 
Thiếu chỗ dựa
Luật TE 2016 có quy định về bảo đảm an toàn của trẻ trên KGM. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo vệ và hỗ trợ TE tương tác lành mạnh, sáng tạo trên MTM giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, với các chính sách hiện có chưa đủ hiệu quả để hỗ trợ TE, thanh thiếu niên bị bạo lực, bóc lột tình dục trên KGM.
 
Theo nghiên cứu đầu kỳ của Em Vui-một dự án do Tổ chức Plan Việt Nam và Viện ISDS triển khai thì có 91% TE dân tộc thiểu số sử dụng internet, 47%  trẻ đã từng trải qua ít nhất một dạng lạm dụng trên KGM và 43% trong số đó cảm thấy lo lắng, không tự tin lên tiếng và tìm kiếm sự hỗ trợ.
 
Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ TE tương tác lành mạnh, sáng tạo trên MTM giai đoạn 2021-2025”. Đây là chương trình mang tính liên ngành cao với sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, hướng tới mục tiêu kép: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng MTM để xâm hại TE; duy trì MTM lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho TE học tập, kết nối, giải trí.

Trong khi đó, cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên và người dân trong cộng đồng còn thiếu kiến thức và khả năng để trở thành nhân tố tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi lạm dụng, bóc lột tình dục trên KGM. Chưa kể, đây là vấn đề tế nhị, nhiều gia đình, nhà trường coi đó là câu chuyện riêng tư nên không mong muốn sự can thiệp từ các tổ chức chuyên môn một cách chuyên sâu, bài bản.

Từ thực tế nhiều vụ việc cho thấy, nhân viên hỗ trợ tuyến đầu trong nhà trường, y tế, Công an và các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội vẫn thiếu hướng dẫn xử lý các trường hợp liên quan đến TE trải qua bạo lực, xâm hại trên MTM, bao gồm: Nhận biết các dấu hiệu của hành vi bạo lực, xâm hại; xác định, phân loại các trường hợp và phối hợp với các bên liên quan để ứng phó theo cách phù hợp với lứa tuổi và giới tính của TE.
 
Xây dựng cộng đồng hỗ trợ TE
Trước thực tế đó, Quảng Bình là một trong hai địa phương được lựa chọn để triển khai dự án “Mô hình hỗ trợ TE bị bạo lực và xâm hại trên KGM dựa vào cộng đồng giai đoạn 2023-2024”.
Hội thảo khởi động dự án“Mô hình hỗ trợ TE bị bạo lực và xâm hại trên KGM dựa vào cộng đồng giai đoạn 2023-2024”.
Hội thảo khởi động dự án “Mô hình hỗ trợ TE bị bạo lực và xâm hại trên KGM dựa vào cộng đồng giai đoạn 2023-2024”.
Theo ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH, mục tiêu của dự án là trẻ vị thành niên ở độ tuổi 10-18 tuổi, đặc biệt là TE gái và TE thanh thiếu niên dân tộc thiểu số được tiếp cận các hỗ trợ tổng thể, có nhạy cảm giới và phù hợp với độ tuổi khi bị xâm hại và bóc lột tình dục trên KGM thông qua thí điểm mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng. Dự án được triển khai tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy), xã Trường Sơn (Quảng Ninh) và xã Thượng Hóa (Minh Hóa). Dự án này sẽ tập trung vào giải quyết các lỗ hổng đã xác định trong hệ thống bảo vệ TE để ứng phó với bạo lực, xâm hại trên KGM. Bằng cách làm việc với thanh thiếu niên, trường học, phụ huynh và các nhà cung cấp dịch vụ, dự án cũng sẽ thiết lập một mô hình hỗ trợ TE dựa vào cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường báo cáo các vụ bạo lực, xâm hại trực tuyến cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ TE trải qua bạo lực, xâm hại trực tuyến.
 
Trong 15 hoạt động sẽ được triển khai tại Quảng Bình, hiện dự án đã triển khai được một số hoạt động, mang đến những hiệu quả tích cực trong hỗ trợ các trường hợp TE bị xâm hại trên KGM. Trong đó, dự án chú trọng tổ chức các cuộc nâng cao nhận thức cộng đồng thách thức thái độ dung túng cho bạo lực, chuyển đổi những định kiến về giới tại cấp xã, huyện, tỉnh; nâng cao năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ công về ứng phó với xâm hại và bóc lột tình dục TE trên KGM, kỹ năng tư vấn và làm việc với nạn nhân bị xâm hại và cơ chế chuyển tuyến.
 
Dự án cũng đã trang bị kiến thức cho đội ngũ cung cấp dịch vụ cấp huyện và tỉnh về hành vi xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến nhằm huy động sự hỗ trợ, tham gia của họ trong quá trình thực hiện mô hình, từ đó củng cố cơ chế ứng phó từ cấp địa phương đến cấp tỉnh…
Lớp tập huấn cho đội ngũ cung cấp dịch vụ cấp huyện, cấp tỉnh nhằm nâng cao kiến thức về hành vi xâm hại và bóc lột tình dục TE trực tuyến.
Lớp tập huấn cho đội ngũ cung cấp dịch vụ cấp huyện, cấp tỉnh nhằm nâng cao kiến thức về hành vi xâm hại và bóc lột tình dục TE trực tuyến.
Là 1 trong 30 học viên thuộc đội ngũ cung cấp dịch vụ cấp huyện, cấp tỉnh tham gia tập huấn nâng cao kiến thức về hành vi xâm hại và bóc lột tình dục TE trực tuyến, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ Phòng Y tế huyện Quảng Ninh cho biết: “Thông qua việc phân tích, thảo luận, hỗ trợ một trường hợp cụ thể TE bị xâm hại tình dục trên MTM, chúng tôi đã củng cố được nhiều kiến thức về bóc lột, xâm hại tình dục với TE-vấn đề cấp thiết trong công tác bảo vệ TE. Đồng thời cũng nắm rõ hơn các nguyên tắc trong thực hành hỗ trợ, bảo vệ TE, kỹ năng sơ cứu tâm lý ban đầu và các lưu ý khi phối hợp với các ban, ngành chức năng để xử lý”.
 
Dù là ở bất cứ môi trường nào, TE bị bóc lột, bị xâm hại cũng cần có chỗ dựa vững chắc từ gia đình, nhà trường, cộng đồng để các em không còn hoang mang, lo sợ và tiếp tục vững tin bước vào đời. Điều đó càng đòi hỏi việc bảo vệ TE khỏi những rủi ro từ KGM không chỉ là câu chuyện trong khuôn khổ một dự án mà cần phải được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp.
Diệu Hương

tin liên quan

Nhiều hoạt động vui Tết Trung thu dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

(QBĐT) - Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn vui Tết Trung thu, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cho các em nhân dịp này.

Phát hiện thi thể nam thanh niên trong tư thế treo cổ

(QBĐT) - Tối 29/9, ông Đinh Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa (Minh Hóa) xác nhận, trên địa bàn xã vừa phát hiện một thi thể nam thanh niên trong tư thế treo cổ ở cầu La Thớ, thuộc thôn Vè.

Công điện về khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, chủ động ứng phó thiên tai thời gian tới

(QBĐT) - Ngày 29/9, UBND tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND về việc khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, chủ động ứng phó thiên tai thời gian tới.