Nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

  • 08:15 | Thứ Bảy, 30/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, lượng rác thải sinh hoạt trong cộng đồng đang ngày càng tăng. Nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT), mỹ quan đô thị và môi trường sống, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý nguồn rác thải sinh hoạt đã được các địa phương, ban, ngành liên quan chú trọng và được người dân quan tâm.
 
Chuyển biến trong thu gom, xử lý rác
 
Theo số liệu từ báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ năm 2018-2022, hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 514 tấn/ngày. Trong đó, được thu gom, xử lý bảo đảm VSMT khoảng 409 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 79,5%.
 
Toàn tỉnh có 126/151 xã, phường, thị trấn có mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải (đạt tỷ lệ trên 83,44%) theo các mô hình đơn vị công ích hoặc các doanh nghiệp, tổ, đội... Cụ thể là, tại các huyện, thị xã do Ban Quản lý các công trình công cộng (BQL CCTCC) hoặc các doanh nghiệp tư nhân, các tổ, đội tự quản VSMT thực hiện và tại TP. Đồng Hới do Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình thực hiện.
Thiếu phương tiện vận chuyển nên việc thu gom rác của Ban Quản lý CCTCC huyện Lệ Thủy thường kéo dài đến đêm.
Thiếu phương tiện vận chuyển nên việc thu gom rác của BQL CCTCC huyện Lệ Thủy thường kéo dài đến đêm.
Về hình thức xử lý, rác thải rắn sinh hoạt chủ yếu được xử lý chôn lấp tại 7 bãi rác trên địa bàn tỉnh và 1 nhà máy xử lý rác tại Lý Trạch (Bố Trạch). Riêng địa bàn xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) và 6 thôn của xã Châu Hóa xử lý bằng công nghệ đốt. Bên cạnh đó, tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn, dân cư thưa thớt, mạng lưới thu gom chưa được hình thành thì người dân tự thu gom và xử lý tại chỗ.
 
Ông Phạm Đức Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình cho biết, trên địa bàn TP. Đồng Hới, hiện tại mỗi ngày công ty thu gom, vận chuyển khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt và việc thu gom được thực hiện hàng ngày, không để rác qua đêm nhằm bảo đảm VSMT và mỹ quan đô thị. Vào những dịp Tết Nguyên đán, cao điểm du lịch, lượng rác thải sinh hoạt thường tăng lên khoảng gấp rưỡi ngày thường.
 
"Theo hợp đồng với thành phố thì rác thải được công ty thu gom và vận chuyển lên nhà máy xử lý của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam (VNP), phần còn lại mà nhà máy của VNP không xử lý triệt để thì chuyển sang bãi rác Lý Trạch của công ty để chôn lấp", ông Phạm Đức Thái cho biết.
 
Tại TX. Ba Đồn, ông Phạm Công Giáp, Giám đốc BQL CCTCC thị xã cho biết: Hiện, trên địa bàn thị xã không có tình trạng để rác thải sinh hoạt ứ đọng. Trong đó, ở địa bàn các phường trung tâm và phụ cận, 2 xe chở rác chuyên dụng của đơn vị bảo đảm thu gom, vận chuyển rác, còn ở các xã vùng Nam đều hợp đồng với các tổ dịch vụ có xe chuyên dụng để thu gom rác, lịch thu gom được bố trí cụ thể cho từng khu vực. Rác được chở đến tập kết và xử lý tại bãi rác huyện Quảng Trạch đóng trên địa bàn xã Quảng Tiến.
Ban Quản lý CCTCC huyện Quảng Trạch hiện chỉ có 1 xe chở rác chuyên dụng nên khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển rác.
BQL CCTCC huyện Quảng Trạch hiện chỉ có 1 xe chở rác chuyên dụng nên khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển rác.
"Trong điều kiện hiện nay, mô hình tổ dịch vụ thu gom rác thải là mô hình xã hội hóa hoạt động rất hiệu quả, vừa giảm được chi phí cho nhà nước, vừa kịp thời thu gom không để rác thải sinh hoạt ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, nhất là địa bàn mà đơn vị công ích của nhà nước chưa vươn tới được", ông Phạm Công Giáp cho biết.
 
Trên địa bàn Lệ Thủy, hiện tại, mỗi ngày BQL CCTCC huyện vận chuyển từ 15-20 tấn rác thải sinh hoạt. Ông Nguyễn Viết Sơn, Trưởng BQL CCTCC huyện cho biết, đơn vị đang trực tiếp thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt ở khu vực thị trấn Kiến Giang và vận chuyển theo hợp đồng số lượng rác thải sinh hoạt của các xã tự thu gom theo lịch cụ thể, trừ 2 xã Kim Thủy, Lâm Thủy là người dân đang tự thu gom, xử lý.
 
Thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển
 
Theo báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh thì trên địa bàn tỉnh, lượng rác thải chưa được thu gom, xử lý bảo đảm hợp vệ sinh vẫn còn lớn (khoảng 105 tấn/ngày), tỷ lệ thu gom tại một số địa phương còn thấp. Tình trạng xả rác gây ô nhiễm khu vực công cộng vẫn còn xảy ra; một số khu vực tập kết rác thải tự phát gây mất mỹ quan, có nguy cơ ô nhiễm.
 
Đối với rác thải xây dựng, công nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp tự phân loại, thu gom, bố trí khu vực chứa và hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Rác thải y tế, sau khi phân loại tại cơ sở, các loại rác thải thông thường được hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, như: Ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân, tổ chức trong chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định; công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện rộng rãi, thiếu đồng bộ. Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán, giao thông đi lại khó khăn, công tác thu gom vận chuyển chưa được thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả thấp. Đặc biệt là, các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng với yêu cầu.

Ông Dương Thanh Hải, Giám đốc BQL CCTCC huyện Quảng Trạch cho biết, lượng rác thải sinh hoạt thu gom, vận chuyển trên địa bàn mỗi ngày khoảng trên 40 tấn, trong đó đơn vị đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác của 4 xã khu vực trung tâm huyện, 13 xã còn lại do địa phương tự tổ chức thu gom, hợp đồng phương tiện vận chuyển đến bãi xử lý.
 
"Đơn vị chúng tôi hiện chỉ có 1 xe chở rác chuyên dụng và không có bất kỳ 1 thùng rác hay xe đẩy nào cả nên năng lực thu gom, vận chuyển rất hạn chế, chỉ đáp ứng được cho địa bàn 4/17 xã của huyện Quảng Trạch. Ở khu vực xã Quảng Phú và Quảng Đông hiện có 2 xe chuyên dụng trọng tải 2,5 tấn/xe của các tổ dịch vụ tự đầu tư để phục vụ nhu cầu trên địa bàn, còn lại các xã khác thì tự thuê xe ben vận chuyển rác, không bảo đảm VSMT. Tôi đang đề xuất xin mua thêm xe chở rác chuyên dụng các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển", ông Dương Thanh Hải nói.
 
Cùng chung thực trạng, ông Nguyễn Viết Sơn, Trưởng BQL CCTCC huyện Lệ Thủy cho biết, đơn vị trước đây có 5 xe chở rác chuyên dụng nhưng 2 xe đã hết hạn lưu hành đường bộ, đang chờ thanh lý. Với số lượng xe còn lại, trọng tải từ 6-9 tấn/xe thì không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển rác cho các xã (chưa kể 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy).
Ban quản lý CCTCC huyện Lệ Thủy thu gom, vận chuyển rác thải ở khu vực thị trấn Kiến Giang.
BBQL CCTCC huyện Lệ Thủy thu gom, vận chuyển rác thải ở khu vực thị trấn Kiến Giang.
"Để thu gom, vận chuyển rác, hiện nay, mỗi lái xe của đơn vị phải chạy rất nhiều chuyến trong ngày, anh em làm việc từ sáng sớm và kết thúc công việc rất muộn, hết sức căng thẳng. Đơn vị đang đề xuất thanh lý 2 xe đã hết hạn lưu hành và xin mua thêm xe chuyên dụng để phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn", ông Nguyễn Viết Sơn cho hay.
 
Cùng với việc thiếu phương tiện thu gom, vận chuyển, hiện tại các đơn vị làm dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải cũng đang đối mặt với khó khăn khi giá thu gom rác rất nhiều năm rồi không được điều chỉnh.
 
Theo ông Phạm Đức Thái, giá thu gom rác đang quá thấp, ở mức 35.000 đồng/hộ/tháng đối với phường và 27.000 đồng/hộ/tháng đối với xã từ 2018 đến nay, trong lúc lương đã tăng 2 lần. Công ty đang xây dựng đơn giá đề xuất tăng thêm, vì giá thu gom rác đang quá thấp, mà ngày nào công nhân cũng phải thực hiện thu gom.
 
Ông Nguyễn Viết Sơn cũng đề xuất: Hiện tại giá thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn huyện Lệ Thủy là 27.000 đồng/hộ/tháng đối với thị trấn Kiến Giang và 17.000 đồng/hộ/tháng đối với các xã. Giá thu gom như vậy là rất thấp, trong khi giá xăng dầu thì tăng liên tục.
 
Để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, không để rác thải tồn đọng làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan ở đô thị cũng như vùng nông thôn. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị làm dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, tin rằng trong thời gian tới, những tồn tại, hạn chế nói trên sẽ sớm được các cấp, ngành liên quan giải quyết.
Anh Tuấn

tin liên quan

Xây dựng chỗ dựa cho trẻ em bị xâm hại

(QBĐT) - Sự phát triển như vũ bão của công nghệ và mạng xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó ngày càng nhiều trường hợp trẻ em (TE) bị bạo lực và xâm hại trên không gian mạng (KGM). Điều đó đòi hỏi cần một hệ thống bảo vệ TE dựa vào cộng đồng để ứng phó với nạn bạo lực và xâm hại.

20 năm hành trình vì bệnh nhân nghèo và trẻ mồ côi

(QBĐT) - Cách đây 20 năm, từ một thực tế rất nhiều bệnh nhân nghèo mắc các bệnh nặng với chi phí chữa trị cao nhưng không có tiền chữa bệnh, với sự hỗ trợ tích cực của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) TP. Hồ Chí Minh, Hội BTBNN tỉnh Quảng Bình được thành lập theo Quyết định số 843/QĐ-UB, ngày 18/4/2003 của UBND tỉnh.

Bàn giao nhà "Nhân ái" cho hộ nghèo

(QBĐT) - Sáng 29/9, Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban MTTQVN huyện tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà "Nhân ái" cho gia đình bà Hồ Thị Tam (bản Lâm Ninh, xã Trường Sơn, Quảng Ninh).