Cầm bằng nghề… xuất ngoại

  • 12:36 | Thứ Sáu, 25/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Học nghề là lựa chọn một con đường để mưu sinh. Nhưng với nhiều người, một tấm bằng trung cấp nghề không chỉ giúp họ cơ hội tìm kiếm việc làm mà còn có được nguồn thu nhập đáng mơ ước tại nước ngoài. Cầm bằng nghề… xuất ngoại đang dần trở thành xu hướng mà nhiều bạn trẻ chọn lựa sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
 
Cơ hội “vàng”
 
Tốt nghiệp trung cấp ngành Kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, Hoàng Sông Lam, quê ở huyện Bố Trạch được nhận vào làm đầu bếp tại khách sạn Rex (TP. Đồng Hới). Với kinh nghiệm có được sau hai năm làm việc tại đây, tháng 12/2022, Lam quyết định nộp hồ sơ xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo diện đầu bếp sang CHLB Đức. Hiện, Hoàng Sông Lam đang là bếp trưởng tại một nhà hàng chuyên các món ăn Việt Nam và Thái Lan, với mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng.
 
Lam cho biết, mức lương này là khoản thu nhập đáng mơ ước đối với một lao động (LĐ) vừa sang Đức được vài tháng như anh. “Đây thực sự là cơ hội quá tốt đối với tôi và nhiều anh em đồng nghiệp khác. Không chỉ có nguồn thu nhập cao để nuôi sống gia đình mà làm việc trong môi trường chuyên nghiệp giúp cho chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều giá trị để sau này, khi trở về nước sẽ được áp dụng vào công việc của mình”, Lam chia sẻ.
Hoàng Sông Lam hiện đang làm đầu bếp tại Đức với mức lương 40 triệu đồng/tháng
Hoàng Sông Lam hiện đang làm đầu bếp tại Đức với mức lương 40 triệu đồng/tháng
Nếu như chứng chỉ tiếng Đức B1 từ lâu vẫn luôn là rào cản của các bạn trẻ mang trong mình ước mơ được LĐ, học tập tại đất nước châu Âu này thì với chương trình XKLĐ theo diện đầu bếp chính là một cơ hội “vàng” khi không yêu cầu trình độ tiếng Đức. Điều kiện quan trọng nhất là người LĐ phải tốt nghiệp trung cấp/cao đẳng ngành đầu bếp tại Việt Nam, có kinh nghiệm làm đầu bếp tại cơ sở chế biến món ăn Việt Nam và tham gia đóng BHXH/BHYT tối thiểu 2 năm.
 
Với học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, đây được coi là cơ hội “vàng” để được trải nghiệm và tìm kiếm công việc phù hợp, có mức thu nhập cao. Sau khi kết thúc hợp đồng 4 năm, nếu làm tốt, họ sẽ được gia hạn hợp đồng với chủ nhà hàng.
 
Trần Văn Thành (TP. Đồng Hới) là một trong rất nhiều LĐ hiện đang theo nghề đầu bếp tại TP. Munchen. Hơn 10 năm theo nghề bếp, Thành đã trải qua nhiều vị trí bếp trưởng, bếp phó tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có tiếng, như: Mường Thanh Phú Quốc, Mường Thanh Lào, Sun Spa Resort… Kinh nghiệm có được trong 10 năm làm nghề và kiến thức tích lũy trong hai năm học trung cấp đã giúp Thành vững vàng khi bắt đầu công việc đầu bếp tại nhà hàng Việt ở Đức. Với nguồn thu nhập 50 triệu đồng/năm, Thành đặt ra mục tiêu sau 4 năm làm việc tại đây, anh sẽ gia hạn tiếp hợp đồng. Sau đó, cùng với việc trang bị bằng B1 tiếng Đức, anh có thể làm thủ tục nhập tịch và bảo lãnh vợ con sang Đức.  
 
Tấm vé thông hành
 
Anh Hoàng Quang Hiệu, Trưởng khoa Kinh tế-Du lịch, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 cho biết, XKLĐ sang Đức theo diện đầu bếp là xu hướng hiện đang được nhiều học sinh tại trường lựa chọn sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn. “Một lợi thế của trường là ngành Kỹ thuật chế biến món ăn được công nhận là nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Vì vậy, khi tốt nghiệp, bằng trung cấp của các em sẽ có giá trị sử dụng không chỉ ở trong nước mà nhiều nước trên thế giới. Khi các em nộp hồ sơ đi nước ngoài theo diện đầu bếp thì rất dễ dàng đạt được”, Trưởng khoa Kinh tế-Du lịch chia sẻ thêm.
 
Đó cũng là một trong những lý do mà nhiều học sinh xác định rõ mục tiêu ngay từ ban đầu khi lựa chọn theo học hệ trung cấp ngành Kỹ thuật chế biến món ăn tại trường. Song song với học văn hóa tại trường THPT, em Nguyễn Văn Phương (Quảng Ninh) lựa chọn theo học hệ trung cấp ngành Kỹ thuật chế biến món ăn. Dù vất vả khi học cùng lúc cả hai chương trình nhưng cậu học trò này khá hào hứng với các tiết học thực hành chế biến món ăn và kiên định với mục tiêu đã đặt ra.
 Học sinh thực hành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9.
Học sinh thực hành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9.
Phương bày tỏ: “Ở xã em, có nhiều anh chị hiện đang đi Đức theo diện đầu bếp với mức lương khá cao nên em quyết định theo học hệ trung cấp ngành này. Khi tốt nghiệp THPT xong là em đã có thể đi làm tại các nhà hàng, khách sạn. Sau 2 năm là em sẽ nộp hồ sơ đi theo diện đầu bếp như họ”.
 
Trong 3 nghề trọng điểm của Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phê duyệt, Kỹ thuật chế biến món ăn là nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Ngoài việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho học sinh, trường đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp là khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận để học sinh vừa học, vừa thực tế tại cơ sở. Thông qua đó, các em sẽ bổ sung được kiến thức thực tế, vừa có thêm thu nhập trang trải việc học tập.
 
“Một trong những chủ trương của nhà trường là đào tạo có địa chỉ, có đầu ra cho học sinh. Để nâng cao kỹ năng nghề cho các em, chương trình đào tạo luôn bảo đảm 70% thực hành, 30% lý thuyết. Các phòng thực hành chế biến món ăn được trang bị hệ thống trang thiết bị, dụng cụ trong từng phòng thực hành cũng bảo đảm đúng và đủ theo danh mục các trang thiết bị dụng cụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành cho chuẩn từng nghề. Số lượng học sinh tốt nghiệp ra trường của ngành chế biến món ăn luôn đạt 100%. Đây là nguồn nhân lực có bằng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành du lịch dịch vụ tỉnh”, thầy Hiệu cho biết.
 
Với những học sinh đang theo chương trình tuyển dụng đầu bếp tại Đức, những kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc tại Việt Nam chính là tấm “vé thông hành” giá trị. Theo chia sẻ của Trần Văn Thành, kiến thức, kỹ năng giúp anh có thể đứng vững được trong một môi trường làm việc đầy năng động, chuyên nghiệp như ở Đức. Nhất là những năm tháng làm việc tại nhiều khu nghỉ dưỡng, nhà hàng cao cấp từ trong Nam, ngoài Bắc và ở Lào đã giúp anh có thể chế biến được nhiều món ăn vùng miền. Khi qua Đức, những kiến thức ấy vừa đáp ứng được yêu cầu của nhà hàng, vừa là cách quảng bá được ẩm thực truyền thống của Việt Nam đến với thực khách quốc tế.
 
“Thời gian theo học ở trường cũng rất quan trọng. Chúng tôi vừa học, vừa xin làm thêm tại Sun Spa Resort nên kỹ năng nghề vì thế cũng lên tay rất nhiều. Vì vậy, điều tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ đang theo học nghề đầu bếp là một khi đã xác định học nghề để làm nghề thì cần trang bị thật tốt kỹ năng, tận dụng mọi cơ hội để được thực hành. Nếu vậy, không chỉ ở Đức, hay ở bất kỳ đâu cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm được việc làm ưng ý”, Thành chia sẻ.
 
Người LĐ làm việc ở Đức theo diện đầu bếp chủ yếu làm việc ở nhà hàng Việt Nam từ 3 sao trở lên tại các thành phố của Đức, như: Hamburg, Munchen, Frankfurt… với mức lương từ 40-50 triệu đồng/tháng. Mọi thủ tục được giải quyết nhanh chóng, đơn giản. Người LĐ cũng sẽ được sắp xếp nơi ở ngay tại nhà hàng hoặc các vùng lân cận để thuận tiện cho việc đi lại, mỗi năm được nghỉ phép gần 1 tháng để về thăm nhà. Các chế độ đãi ngộ về BHYT, BHXH, chăm sóc sức khỏe cũng được bảo đảm.
Diệu Hương

tin liên quan

Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(QBĐT) - Ngày 25/8, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Bình tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Hoàng Văn Tiến ở xã Xuân Trạch (Bố Trạch).
 

Phòng tránh đuối nước cho trẻ em

(QBĐT) - Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, thời gian qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã triển khai nhiều hoạt động nhằm trang bị cho trẻ em các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.
 

Đồng lòng vượt khó

(QBĐT) - Với sự đồng lòng vượt khó của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhất là nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện ở huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả.