Nhiệm vụ "đặc biệt"

  • 06:00 | Thứ Hai, 02/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 10 năm trước, họ là những người lính trẻ và còn rất trẻ đã có được vinh dự “ở bên” Đại tướng trong những ngày đầu Đại tướng về yên nghỉ trên đất mẹ Quảng Bình. Những cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trong tổ công tác “đặc biệt” ấy chia sẻ, chưa bao giờ họ được “ở gần” vị tướng huyền thoại đến thế, dù chưa một lần được gặp Đại tướng. Với họ, vinh dự đó mãi là niềm tự hào và là ký ức thiêng liêng riêng có của mỗi người.
 
1. Quảng Bình những ngày sau cơn bão lớn số 10 của năm 2013 đổ bộ tan hoang, đổ nát. Nhân dân và các lực lượng căng mình khắc phục hậu quả do bão để lại. Tối 6/10/2013, sau khi làm nhiệm vụ giúp dân, trung úy Bùi Văn Hải, lúc bấy giờ là Đội trưởng vận động quần chúng Đồn BP Roòn (nay là thiếu tá, Chính trị viên phó Đồn BP Lý Hòa), nhận lệnh đi cùng chỉ huy đơn vị ra khu vực Vũng Chùa gặp người nhà Đại tướng. Chuyến đi bí mật, nên những câu chuyện trong cuộc gặp gỡ đó cũng phải giữ bí mật.
 
Sáng 8/10/2013, trung úy Hải tiếp tục được lệnh trở về đơn vị để nhận nhiệm vụ khác. Đó là phụ trách một tiểu đội “đặc biệt” theo chân người nhà Đại tướng đến một địa điểm đã được đánh dấu trước đó tại khu vực Vũng Chùa. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của người nhà Đại tướng, tiểu đội “đặc biệt” âm thầm chuẩn bị nơi an nghỉ cuối cùng của vị tướng huyền thoại.
 
Mọi công việc lúc đó được yêu cầu là phải làm bằng tay và tuyệt đối không sử dụng máy móc. Thiếu tá Bùi Văn Hải nhớ lại, niềm vinh dự quá bất ngờ với chính anh và đồng đội. Ai cũng tự hào nhưng cũng đầy lo lắng, hồi hộp. Thời gian yêu cầu rất gấp rút. Mọi công việc phải hoàn thành trước ngày 13/10.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn người dân vào viếng Đại tướng. Ảnh: Xuân Phú
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn người dân vào viếng Đại tướng. Ảnh: Xuân Phú
“Đơn vị đã giao nhiệm vụ, gia đình Đại tướng đã tin tưởng, thì mình phải quyết tâm để hoàn thành công việc tốt nhất có thể. Đó là những ngày đêm, anh em làm việc cật lực. Trong quá trình làm việc, tất cả tâm trí, tình cảm và lòng tôn kính, chúng tôi chỉ biết gửi gắm vào từng vốc đất, viên đá nơi đây”, thiếu tá Bùi Văn Hải nhớ lại.
 
Và anh cũng không quên được hình ảnh biển người như sóng cuộn đổ về nơi an nghỉ của Đại tướng trong ngày đầu Đại tướng về Vũng Chùa hôm ấy. Ai cũng muốn được nhoi lên, đứng gần hơn, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng.
 
“Lúc đó, anh em CB, CS BĐBP phải bắt tay nhau đứng thành vòng tròn xung quanh mộ để bảo vệ. Có điều, nếu như ở ngoài xa, bà con chen chúc, ồn ào bao nhiêu, thì khi càng tiến gần về phía mộ, bà con càng giữ im lặng và rất trật tự. Có lẽ, ai cũng muốn nán lại lâu hơn, giữ cho mình chút tĩnh lặng thiêng liêng cuối cùng bên một nhân cách, một cuộc đời đã sống như một huyền thoại. Được trực tiếp chứng kiến những hình ảnh ấy mới lý giải được tình cảm sâu nặng, nghĩa tình của nhân dân đối với Đại tướng và vì sao Đại tướng được gọi là “Vị tướng của nhân dân”, thiếu tá Hải kể.     
 
2. Thiếu tá Nguyễn Cảnh Lâm, cán bộ Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng là một trong những người vinh dự có mặt từ thời điểm ban đầu chuẩn bị cho ngày Đại tướng trở về. Sau lễ an táng, anh vinh dự được chỉ huy đơn vị phân công ở lại bảo vệ mộ cho “Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Quãng thời gian tròn 4 năm (từ tháng 10/2013-10/2017) “ở bên” Đại tướng, anh luôn trân trọng nó như là phần ký ức đáng tự hào trong đời người lính của mình.
 
Đại tá Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: “Từ những ngày đầu Đại tướng về yên nghỉ ở Vũng Chùa cho đến nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc phần mộ “Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” sau này, BĐBP Quảng Bình luôn cảm thấy tự hào và vinh dự khi được cấp trên và gia đình tin tưởng, giao phó. Ngay sau Quốc tang của Đại tướng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức lễ phát động phong trào học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong toàn lực lượng, với quyết tâm sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng là những người lính của Đại tướng, trên quê hương Đại tướng, quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”. 

Dẫu 10 năm đã trôi qua, nhưng thiếu tá Lâm vẫn không quên được hình ảnh những hàng dài người dân nối tiếp nhau đến viếng mộ Đại tướng. Đoàn người có khi đứng xếp hàng kéo dài hơn 1km. Có ngày số người lên đến hơn 40 nghìn lượt. Rất nhiều người đã không cầm được nước mắt khi thành kính dâng lên anh linh Đại tướng nén hương. Có đêm khuya đến 1, 2 giờ sáng vẫn có những chiếc xe khách đến xin được vào viếng mộ. Đó là những chuyến xe dịch vụ chở khách Bắc-Nam, chứ không phải xe chở khách du lịch. Trên đường ngang qua nơi Đại tướng yên nghỉ, họ không đành lòng, không ai bảo ai, họ cùng nhau thuyết phục lái xe vào dâng hương cho Đại tướng.

Song, có một câu chuyện mà cho đến giờ đây thiếu tá Lâm vẫn suy nghĩ mãi. Khoảng một tháng sau khi Đại tướng về Vũng Chùa, một hôm, có đoàn khách nước ngoài xin được vào viếng mộ. Phiên dịch người Việt Nam đi cùng đoàn nói với tổ bảo vệ khu mộ rằng, đó là những cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây. Họ vừa từ Mỹ, cách đây nửa vòng trái đất bay sang. Họ muốn được vào viếng mộ, dâng hương lên người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Được sự hướng dẫn của CB, CS, họ chậm rãi men theo triền núi dốc (lúc đó công trình cầu ván gỗ chưa được xây dựng) đi lên phía mộ. Đứng trước mộ Đại tướng, họ thắp hương, rồi im lặng cúi đầu rất lâu.

Chứng kiến hình ảnh những người cựu binh Mỹ cúi đầu rất lâu trước mộ Đại tướng, thiếu tá Lâm tự đặt ra cho mình bao nhiêu câu hỏi. Vì sao sau gần nửa thế kỷ qua, những người lính Mỹ ấy lại quyết định bay nửa vòng trái đất sang viếng mộ của một vị tướng từng chỉ huy đội quân anh hùng đánh thắng họ? Và vì sao, nhân dân cả nước, từ người trẻ đến cụ già vẫn luôn khát khao được đến đây một lần, trong sự tôn kính và xót thương đến thế?

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Lâm không thể lý giải hết được, hoặc chỉ mơ hồ tin vào một ý niệm thiêng liêng nào đó. “Khoảng thời gian đó cũng là dịp để chúng tôi soi lại mình và quan trọng hơn đó là hành trang, là tấm gương phấn đấu, rèn luyện và cống hiến cho quãng đời binh nghiệp sau này”, anh Lâm chia sẻ. Vì vậy, mỗi dịp đến ngày trọng đại của Đại tướng, anh cùng những CB, CS vẫn tranh thủ về đây, để được ở bên cạnh anh linh của một con người đã từng và sẽ còn được lưu truyền mãi như một “huyền thoại”! 

Dương Công Hợp

tin liên quan

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

"Nhà tôi có bình chữa cháy"

(QBĐT) - Hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC)", Mặt trận các cấp TP. Đồng Hới đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo.

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nội chính

(QBĐT) - Chiều nay, 29/9, Trường Chính trị Qảng Bình phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nội chính, năm 2023.