"Dĩ công vi thượng"

  • 06:42 | Chủ Nhật, 01/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ công vi thượng”-đặt lợi ích chung lên trên hết.
 
Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 10/1944, sau khi nghe báo cáo tình hình cách mạng trong nước, đặc biệt là những chuyển biến của phong trào đấu tranh vũ trang trong cả nước, Bác Hồ nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”... Sau khi cân nhắc cục diện phong trào cách mạng và những việc cấp bách cần phải làm, Bác Hồ đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp lo việc tổ chức thành lập “Đội quân giải phóng”-đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
 
Trong một đêm lạnh giá mùa đông năm 1944, khi được nằm chung với Bác Hồ trên một chiếc giường dã chiến lát bằng cây ở trong hang Pác Bó, Bác Hồ đã chia sẻ với đồng chí Võ Nguyên Giáp quan điểm về chiến tranh cách mạng. Bác Hồ nói: “Cuộc chiến đấu đầu tiên của lực lượng cách mạng phải là một cuộc thắng lợi, bởi cuộc chiến đấu ấy có tác dụng rất lớn lao và trong một phần lớn, sẽ quyết định tương lai của cả sự nghiệp cách mạng. Từ thắng lợi đầu tiên đó mới có thể mở rộng tuyên truyền, kêu gọi toàn dân đoàn kết, vũ trang đứng dậy, mới làm cho nước ngoài chú ý đến cuộc chiến đấu chống phát-xít của dân tộc Việt Nam…”.
 
Đó là một thử thách gian nan đòi hỏi người làm cách mạng phải có ý chí, có quyết tâm và có tinh thần xả thân vì nước.
 
Sau khi phân tích rất tường tận cho đồng chí Võ Nguyên Giáp về những công việc thiết thực và cấp bách để tiến tới thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, tiên lượng trước những gian khổ, khó khăn, đòi hỏi không chỉ ở sự sáng suốt, tầm tư duy chiến lược mà cả tinh thần dám đối mặt với gian khổ, hy sinh…, cuối cùng, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”.
 
Từ thời điểm đó, lời dạy của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng” như một lời thề danh dự, một phương châm sống và cũng là một chuẩn mực giá trị đạo đức, nhân cách mà anh Văn, sau này là vị Đại tướng thiên tài Võ Nguyên Giáp khắc cốt ghi xương, coi đó là hành trang tư tưởng, tinh thần và ý chí theo suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Cũng chính tư tưởng đó đã góp phần làm nên thành công trong sự nghiệp của Đại tướng.
 
Thực ra, thời điểm Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp về “Dĩ công vi thượng” và đó đã trở thành một tuyên ngôn về phương châm sống, cống hiến của người chiến sĩ cách mạng, nhưng trong phẩm cách con người Võ Nguyên Giáp, nhận thức về phương châm này hình thành suốt cả cuộc đời của ông, kể từ thời niên thiếu để cuối cùng đúc kết từ lời dạy của Bác Hồ.
Năm 1948, ở tuổi 37, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau lễ phong quân hàm Đại tướng, tại Lục Rã, chân đèo Re, ngày 27/5/1948. Ảnh: TTXVN sưu tầm
Năm 1948, ở tuổi 37, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau lễ phong quân hàm Đại tướng, tại Lục Rã, chân đèo Re, ngày 27/5/1948. Ảnh: TTXVN sưu tầm
Đồng chí Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Tuy đời sống không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng nhờ thân sinh của đồng chí Võ Nguyên Giáp thông minh, chịu thương, chịu khó và sự nhạy bén hơn người nên cũng có đủ điều kiện chăm lo cho anh thanh niên Võ Giáp (tên khi còn nhỏ của đồng chí Võ Nguyên Giáp) được học hành đầy đủ và có cơ hội vào Huế-một trung tâm chính trị, văn hóa của miền Trung, lại là kinh đô của triều đình nhà Nguyễn-để học tập. Nếu chỉ một chiều lo cho bản thân thì anh có đủ cơ hội tiến thân trên thang bậc hoạn lộ của chế độ cũ. Thế nhưng, ngay trong môi trường thuận lợi ấy, Võ Giáp không chỉ một chiều học hành, tu nghiệp mà tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh của nhân dân. Dù lúc đó anh Võ Giáp chưa phải là một chiến sĩ cách mạng, nhưng đã biết dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh cho lẽ phải, cho sự công bằng, cho lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc lên trên hết. Đó chính là điểm xuất phát của tư tưởng “Dĩ công vi thượng” bắt đầu hình thành trong tư duy và phẩm cách của người thanh niên yêu nước.
 
Khi làm nhà giáo dạy môn Lịch sử ở Trường tư thục Thăng Long thì chính thầy Võ Nguyên Giáp được học trò kính trọng bởi đã truyền dạy được tinh thần “Dĩ công vi thượng” của các thế hệ cha ông, các bậc tiền bối, lấy sự nghiệp dạy học để rèn dũa giáo hóa nhân tài, vun trồng nguyên khí, trong đời sống thì lấy cái tiên ưu, hậu lạc làm trọng. Đó cũng chính là cái triết lý của “Dĩ công vi thượng” hình thành từ phong trào đấu tranh yêu nước từ thuở học trò đến khi đứng trên bục giảng để truyền kiến thức, lòng nhiệt huyết và tình yêu nước cho các thế hệ học trò. Chính “Dĩ công vi thượng” đã góp phần làm nên nhân cách người thầy.
 
Và, cũng chính tư tưởng “Dĩ công vi thượng” đã cho anh thanh niên Võ Nguyên Giáp có nghị lực để rời bỏ mái trường, rời bỏ những cám dỗ của môi trường hoạn lộ mà nhiều người mơ ước để khoác ba lô ra chiến khu Việt Bắc và trở thành người chiến sĩ cách mạng.
 
Kể từ đây, “Dĩ công vi thượng” từ chỗ là một ý thức tự thân của chàng thanh niên Võ Giáp trẻ tuổi, đã trở thành một nguyên tắc, một phương châm sống của người chiến sĩ cách mạng Võ Nguyên Giáp.
 
“Dĩ công vi thượng” đã giúp Võ Nguyên Giáp dấn thân vào những thử thách gian khó và được giao những trọng trách phụng sự Tổ quốc. Ở cương vị nào, được Đảng, Nhà nước phân công làm việc gì, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, Đại tướng cũng nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Khi là Tổng Tư lệnh, ông là vị tướng ở giữa nhân dân, ông là một trong những người phát triển tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp công xây dựng học thuyết chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Tư tưởng chiến lược, mục tiêu và phương châm của học thuyết này cũng có điểm xuất phát từ tư tưởng “Dĩ công vi thượng”. Là người ở cương vị chỉ huy tối cao nhưng ông dành thời gian ở bên chiến sĩ của mình trên chiến trường. Ông luôn nhận thức rằng, người chiến sĩ phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc thì lấy việc hạn chế tối đa thương vong cho chiến sĩ “chỉ đánh khi chắc thắng, nếu không thắng thì không đánh”, cũng là tư tưởng có căn cốt từ “Dĩ công vi thượng”.
 
Khi là Phó Thủ tướng Chính phủ, ông đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về khoa học và giáo dục, lĩnh vực mà ông được phân công phụ trách; đề xuất những vấn đề có tính chiến lược và những bước đi cụ thể trong từng thời kỳ phát triển khoa học, giáo dục, văn hóa của nước nhà. Ở cương vị này, ông là biểu tượng tập hợp đội ngũ trí thức để phụng sự nước nhà trên tinh thần “Dĩ công vi thượng”.
 
Khi đã nghỉ hưu ở tuổi 80, Đại tướng vẫn dành nhiều thời gian cho việc viết sách, tổng kết chiến tranh, đúc rút những bài học kinh nghiệm. Thời gian cuối đời, ông vẫn không ngừng quan tâm, đóng góp ý kiến cho những vấn đề cơ bản và cấp bách của đất nước liên quan đến quân sự, an ninh quốc gia, giáo dục và môi trường. 
 
Đối với quê hương Quảng Bình, ông từng nói một câu nổi tiếng: “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”, nghĩa là ông có một tình yêu thương da diết, đau đáu với quê hương nhưng luôn đặt quê hương trong cái chung, chỉ khi nào có chút ít thời gian nghỉ ngơi trong bộn bề công việc phụng sự cho Tổ quốc, “khi nào rảnh” thì mới về nhà. Nhưng, mỗi lần về nhà, ông lại đặt việc chung lên trên hết, quan tâm sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục và chăm sóc trẻ em. Tư tưởng “Dĩ công vi thượng” thấm trên từng lời của ông đối với quê hương.
 
Và, ông đã về với các bậc tiền bối nhưng câu nói của ông vẫn còn mãi trong cuộc sống các thế hệ hôm nay và mai sau: “Tôi đã cống hiến một cách tự nguyện, đã thanh thản trong mọi thử thách, thế là tôi sống vui, sống lâu. Như vậy, tôi đã làm theo lời dạy của Bác Hồ là “Dĩ công vi thượng””.
Nguyễn Khắc Thái

tin liên quan

"Nhà tôi có bình chữa cháy"

(QBĐT) - Hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC)", Mặt trận các cấp TP. Đồng Hới đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về lộ trình cải cách tiền lương

Tại phiên họp thứ 27 vào tháng 10 tới, UBTVQH sẽ cho ý kiến về lộ trình cải cách tiền lương sau khi được Trung ương xem xét, có kết luận; cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6.