.

Mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại

.
16:10, Thứ Hai, 06/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sáng nay (6-8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan. 
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình.
Dự hội nghị ở điểm cầu Quảng Bình có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành liên quan. 
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới 675 điểm cầu ở cấp tỉnh, huyện và cấp xã - cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu.   
 
Báo cáo tóm tắt về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà trình bày tại hội nghị nêu rõ: Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Đa số những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý cho nên con số trên chỉ mới là phần nổi của "tảng băng chìm".
 
Theo các đại biểu tham dự hội nghị, sở dĩ tình trạng này diễn biến phức tạp và có chiều hướng nghiêm trọng là do công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em, trong đó có bạo lực trẻ em, chưa được chú trọng nên chưa có tác động phòng ngừa, răn đe tích cực. Khi xảy ra các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền mà tìm cách xử lý vụ việc. Đa số vụ việc khi đã bị xóa hết dấu vết chứng cứ mới được trình báo; nạn nhân còn nhỏ tuổi, tâm lý sau khi bị bạo lực, xâm hại còn hoảng loạn nên công tác khai báo còn chưa chính xác; gia đình nạn nhân đa phần muốn tự thỏa thuận…
 
Một số giải pháp được đưa ra tại hội nghị nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn nữa trước các hành vi bạo lực, xâm hại đến trẻ em như: làm tốt hơn công tác truyền thông; các quy trình về xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em cần được nghiên cứu lại và có những mức hình phạt cao hơn; việc trang bị kỹ năng cho trẻ và người giám hộ trẻ, trong đó tính chất đặc thù về môi trường, vùng miền được chú trọng…  
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trước tình hình trẻ em đang có nguy cơ bị tổn thương và xâm hại nghiêm trọng ở nhiều môi trường, không gian, các cấp, ngành địa phương cần nghiên cứu lại quy trình trong chăm sóc bảo vệ trẻ em. Theo đó cần trăn trở xem tại sao vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên thực tế rất nhiều nhưng đưa ra ánh sáng lại ít.
 
Thủ tướng yêu cầu: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cơ sở, các bộ, ngành cần nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về quyền trẻ em; phải bảo vệ trẻ em hằng ngày, hằng giờ bằng các hình thức phù hợp. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường, gia đình. Cần phải tiếp tục cung cấp kiến thức pháp lý cho toàn xã hội về việc bảo vệ chăm sóc trẻ em; nghiên cứu mô hình bảo vệ trẻ em cấp xã. Việc xử lý vụ việc về xâm hại, bạo lực trẻ em cần phải được xử lý nghiêm minh, hiệu quả, tạo niềm tin cho chính gia đình người bị hại và quần chúng nhân dân.
Phan Phương
,