Lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật

  • 07:09 | Thứ Sáu, 01/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để hiện vật được giữ gìn bền lâu và có điều kiện phát huy hiệu quả giá trị, nhiều người đã không ngần ngại hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh những hiện vật quý, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật mà họ đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, nghiên cứu. Đây là hành động rất ý nghĩa nhằm lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật cho bảo tàng, qua đó, kêu gọi cộng đồng chung tay, góp sức vào sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.
 
Tháng 9/2023, sau khi xin ý kiến của các thành viên trong dòng họ, ông Hoàng Tư Bảnh, Trưởng tộc họ Hoàng nhánh Quý ở Văn La, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) đã quyết định hiến tặng chiếc chuông bằng đồng của ông Hoàng Kế Viêm (Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật viện Đại thần dưới thời Nguyễn) cung tiến dòng tộc cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
 
Chuông được đúc năm 1856, cao 75cm, đường kính 55cm, nặng 7,56kg, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. “So với việc được đặt trong nhà thờ dòng họ, việc chiếc chuông được trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ góp phần nâng tầm giá trị của nó, bởi ở đó, chiếc chuông được nhiều người biết đến, chiêm ngưỡng, được các cơ quan chức năng bảo quản, giữ gìn đúng cách”, ông Bảnh chia sẻ về lý do hiến tặng chiếc chuông quý cho bảo tàng.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị do các tổ chức, cá nhân hiến tặng.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị do các tổ chức, cá nhân hiến tặng.

Năm 2023, cùng với chiếc chuông đồng của ông Hoàng Tư Bảnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận không ít hiện vật giá trị do nhiều cá nhân hiến tặng. Trong đó, tiêu biểu có đoàn công tác do TS. Nguyễn Văn Quảng (Phó trưởng Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế) khi đến khảo sát, điền dã văn hóa Chăm-pa tại Quảng Bình đã phát hiện, sưu tầm và hiến tặng cho bảo tàng 6 hiện vật, gồm: Gạch, ngói thời kỳ Chăm-pa, thời kỳ nhà Lê.

Anh Hoàng Việt Anh (xã Xuân Hóa, Minh Hóa) hiến tặng 19 hiện vật, trong đó có nhiều đồ sứ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn mang giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo. Trước đó, vào năm 2022, anh cũng đã hiến tặng cho bảo tàng 17 hiện vật. Ông Tạ Đình Hà (ở phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới), Chánh văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh hiến tặng 3 hiện vật gạch Chăm-pa…

“Bản chất việc hiến tặng hiện vật cho bảo tàng không gì khác là nhằm giúp hiện vật có thể được gìn giữ bền lâu và có điều kiện phát huy hiệu quả giá trị; đồng thời qua đó lan tỏa phong trào hiến tặng hiện vật, huy động sự vào cuộc, chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm và hiến tặng thêm hiện vật cho bảo tàng nếu có điều kiện. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là ý thức của mỗi một người dân. Tin tưởng rằng, với chuyên môn, năng lực và những con người tâm huyết, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ bảo tồn, phát huy tốt các hiện vật được hiến tặng, lan tỏa giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến công chúng”, ông Tạ Đình Hà chia sẻ.

Cuối tháng 10/2023, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cùng các nhà sưu tập tư nhân tỉnh Bình Thuận đã hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh 388 tư liệu, hiện vật, trong đó có 239 hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn và 101 hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn Tấn Ngọc. Ghi nhận sự đóng góp này, Chủ tịch UBND tỉnh và Sở Văn hóa-Thể thao đã tặng bằng khen, giấy khen cho các nhà sưu tập.

Ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết: Thời gian qua, phong trào sưu tầm, hiến tặng hiện vật trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh nhằm làm phong phú thêm hiện vật, đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng và du khách.

Nhiều tài liệu, hiện vật đa dạng về loại hình, chất liệu, niên đại được các tổ chức, cá nhân hiến tặng đã góp phần hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật, quảng bá các giá trị di sản văn hóa tới công chúng. Năm 2023, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã cử hàng chục lượt cán bộ, viên chức trực tiếp đến các địa phương nhất là các xã có đồng bào dân tộc thiểu số để vận động, tuyên truyền và sưu tầm, tiếp nhận hiện vật. Kết quả đã thực hiện 10 đợt sưu tầm trên địa bàn 18 xã trong tỉnh và sưu tầm được 187 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật do người dân hiến tặng.

Hiện vật gạch, ngói ở di tích Cao Lao Hạ do TS. Nguyễn Văn Quảng hiến tặng.
Hiện vật gạch, ngói ở di tích Cao Lao Hạ do TS. Nguyễn Văn Quảng hiến tặng.

Để nâng cao nhận thức cho người dân về phong trào hiến tặng hiện vật, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, giải thích giá trị của hiện vật, ý nghĩa của việc hiến tặng, nhượng lại hiện vật cho bà con tại các địa phương mà cán bộ bảo tàng đến công tác. Việc tiếp nhận tài liệu, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thực hiện theo đúng quy trình, sau đó tiến hành thẩm định, bổ sung thông tin nhằm làm rõ nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

Các hiện vật được hiến tặng được phân loại theo chất liệu, niên đại và được bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần làm rõ nhiều sự kiện lịch sử, qua đó, giáo dục truyền thống, quảng bá các giá trị di sản văn hóa tới công chúng.

“Việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, trong đó có phong trào sưu tầm, hiến tặng tài liệu, hiện vật để trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu về di sản văn hóa đã góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Với trách nhiệm của mình, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ lưu giữ, khai thác hiệu quả những hiện vật được hiến tặng. Đây cũng là cách tôn trọng, nâng niu quá khứ, tri ân những người hiến tặng, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân. Chúng tôi cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự chung tay, hưởng ứng của cộng đồng trong phong trào hiến tặng hiện vật...”, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Mai Thế Trung chia sẻ.

Tâm An

tin liên quan

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác văn học-nghệ thuật về quê hương Quảng Bình

(QBĐT) - Sáng 28/11, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức lễ phát động sáng tác tác phẩm VHNT nhằm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác VHNT kỷ niệm 420 năm (1604-2024) hình thành tỉnh Quảng Bình.

Chia nắng mùa đông

(QBĐT) - Bờ sông cần nắng
Cải ngồng trổ bông
Con đò cần nắng
Đưa trò qua sông

Bây giờ trời đã sang đông

(QBĐT) - Bây giờ trời đã sang đông
Mẹ ta vẫn áo nâu sồng nhà quê