Hương lúa trổ đòng

  • 08:22 | Thứ Bảy, 25/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mỗi lần đi xa trở về làng cũ bao giờ tôi cũng dừng lại trước cánh đồng vài phút để mà hít hà cái mùi bùn ngâu ngấu, mùi đồng đất, mùi của phù sa theo con nước tràn về.
 
Làng tôi đấy, xa xa kia là cánh đồng lúa xanh ngút ngàn chạy dài theo chân núi đá vôi. Trước mặt là đồng, sau lưng là núi. Cánh đồng là nơi gắn bó bao đời nay của những người nông dân quê tôi, cánh đồng cũng là nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ đã đi qua với những thăng trầm, dâu bể. Từng thửa ruộng lớn nhỏ nối tiếp nhau ngả nghiêng theo gió tạo thành những đợt sóng chạy dài vô tận. Sóng lúa giống như những con sóng biển êm ả ru vỗ bờ ngoài khơi xa. Hương lúa trổ đòng thơm vấn vít lan tỏa khắp cánh đồng.
 
Vào mùa lúa trổ đòng, cả cánh đồng như một tấm thảm khổng lồ trải dài xanh ngút ngát xuống tận chân đê... Người dân quê tôi cứ vào mùa lúa làm đòng thì nhà nào cũng đi thăm ruộng, thủa bé tôi hay được bà cho đi thăm ruộng vào cuối buổi chiều, khi hoàng hôn lặn dần sau dãy núi, mùi hương phảng phất từ phấn hoa màu trắng như những hạt trứng kiến tỏa ra ngào ngạt khắp cánh đồng theo cơn gió chiều hiu hiu thổi.
 
Bà bảo, những cây lúa trổ đòng người ta gọi đó là hoa lúa, những bông hoa của đồng quê, những bông hoa mang đến ấm no và hạnh phúc cho những người nông phu làng mình. Sau này lớn lên mỗi lần nghe bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” tôi lại nhớ cánh đồng làng mình đến quắt quay qua những ca từ của bài hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt/hương hoa bay dào dạt…”.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Tục đi thăm ruộng cũng có từ bao đời nay của người dân quê tôi, đi thăm ruộng cũng là dịp để be bờ, tát nước cho những chân ruộng cạn, phát hiện một số loài dịch bệnh gây hại cho quá trình sinh trưởng của cây lúa, khi lúa làm đòng là thời kỳ rất dễ bị rầy nâu tấn công, bệnh đạo ôn, cháy lá cũng có nguy cơ dẫn đến thu hoạch đạt năng suất thấp.
 
Tuổi thơ tôi cũng lang thang khắp các cánh đồng làng theo chúng bạn đi mò cua, bắt cá. Nắng xém da, mưa bất chợt nhưng chẳng bao giờ biết đến ốm đau là gì. Tôi thích nhất những khi chiều về ngồi bên chân đê nhìn đàn trâu lững thững đi về trong chiều hoàng hôn buông rủ, thích được đi tát nước gàu sòng cùng bà xa tít tắp trong những chân đê chắn sóng. Bà dạy cách buộc dây gàu, cách chùng một tay khi vục gàu xuống nước và căng tay còn lại khi kéo gàu nước lên.
 
Ruộng đầy nước cũng là lúc trời xâm xẩm tối, bà thu dây gàu và hai bà cháu lại băng qua cánh đồng lúa theo tiếng mõ trâu lóc cóc về làng. Những đêm trăng sáng thanh niên, nam nữ làng tôi lại trải chiếu trên thân đê đàn hát, xa xa là cả cánh đồng xanh mướt mát tỏa hương thơm dìu dịu. Tiếng hát bay bổng giữa cánh đồng lúa đưa hương ngào ngạt, giữa đất trời đầy niềm tin và hy vọng: “Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa/và người trồng lúa cho quê hương/quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế/đồng lúa hẹn hò những mùa gặt/tình yêu bắt đầu từ đôi mắt/ngày mai bắt đầu từ hôm nay…”.
 
Lúa làm đòng sau vài tuần thì bắt đầu đơm bông nặng hạt, cả cánh đồng cùng những bông lúa rung rinh theo gió, tất cả được tạo nên từ tinh hoa của đất trời, đồng bãi, là những giọt mồ hôi một nắng, hai sương của người nông dân làng tôi. Mẹ bảo, cây lúa được mùa thì nặng hạt, lúa mất mùa thì ngỏng đầu lên. Từ cây lúa cũng là cách để nghĩ về con người, về cuộc sống để tự hoàn thiện mình, tự răn mình mà khiêm tốn, giản dị như đồng thơm, hương lúa trổ đòng.
 
Đinh Tiến Hải

tin liên quan

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng sẽ góp mặt trong chuỗi sự kiện Chào đón năm mới 2024

(QBĐT) - Sáng 24/11, Công ty cổ phần Regal Group tổ chức họp báo thông tin về chương trình Chào đón năm mới 2024. 

Ảo ảnh trắng

(QBĐT) - Cánh cò trắng bay từ cổ tích
Em đến kia, dẫu chẳng thiên thần
Ve áo thiên thanh cổ em muốt trắng
Như đài hoa lặng trắng hương quỳnh

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

(QBĐT) - Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh đã cụ thể hóa và từng bước đưa các nội dung của nghị quyết đi vào thực tiễn.