Trăn trở tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài dân tộc thiểu số

Bài 2: Mạnh dạn đổi mới, khơi mở sáng tạo

  • 07:36 | Thứ Tư, 22/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước những nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) chất lượng về đề tài dân tộc thiểu số (DTTS) vắng bóng, rất cần những “cú hích” mạnh mẽ, mạnh dạn đổi mới, khơi mở sáng tạo vừa từ chính đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, vừa từ các cấp chính quyền địa phương, sở, ban, ngành liên quan. Đặc biệt, trong bối cảnh Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 đang được triển khai như hiện nay, đây chính là cơ hội, điều kiện thuận lợi để mảng đề tài này thu hút được “trái ngọt”.
 
 
Theo ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa, vào tháng 12/2023 tới đây, liên hoan văn nghệ dành cho đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù vùng DTTS, thực hiện tiểu dự án 1, dự án 9, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Minh Hóa sẽ được triển khai. Mục đích của liên hoan là nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù trên địa bàn vùng DTTS của huyện Minh Hóa; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, con người Minh Hóa; nêu gương người tốt việc tốt, phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, phong trào thi đua thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Minh Hóa năm 2023; xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
 
Liên hoan còn nhằm mục đích góp phần giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù vùng DTTS huyện Minh Hóa; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; khơi dậy, tôn vinh, bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy có chọn lọc giá trị di sản của các loại hình dân ca, dân nhạc truyền thống của đồng bào; nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đồng thời gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Tác giả Trác Diễm trong một chuyến đi thực tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tác giả Trác Diễm trong một chuyến đi thực tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các xã tham gia liên hoan chuẩn bị chu đáo lực lượng diễn viên quần chúng tại địa phương; biên tập, dàn dựng chương trình, nội dung, kịch bản theo đúng kế hoạch, chủ đề đề ra. Mỗi đoàn tham gia liên hoan xây dựng 1 chương trình ca, múa, nhạc mang đậm bản sắc riêng, độc đáo dân tộc ở địa phương. Đoàn gồm thành viên thuộc các đội văn nghệ thôn, bản có khó khăn đặc thù (dân tộc Chứt) từ các xã: Dân Hóa (5 bản), Trọng Hóa (2 bản), Thượng Hóa (4 bản), Hóa Sơn (5 thôn, bản), Hóa Tiến (1 thôn Yên Vân).

Với chủ đề “Hương sắc vùng biên”, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa, Chi hội trưởng Chi hội VHNT huyện Minh Hóa Đinh Minh Đấu, liên hoan chính là cơ hội để vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS, vừa tạo điều kiện, sân chơi để giới thiệu, quảng bá các tác phẩm đề tài DTTS của đội ngũ văn nghệ sĩ, đưa những “đứa con tinh thần” đến gần hơn với công chúng.

Trác Diễm là nữ tác giả trẻ có nhiều đam mê với đề tài DTTS. Cuốn tiểu thuyết “Tiếng vọng Ma Coong” xuất bản năm 2015 được xem là một trong những dấu ấn nổi bật của Trác Diễm trên văn đàn với đề tài DTTS. Tác giả Trác Diễm chia sẻ: “Năm 2015 là thời điểm tôi bắt đầu chuyển công tác từ Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng về Hội VHNT tỉnh và bước vào con đường viết văn chuyên nghiệp. Khoảng thời gian đó, tôi đã dành cho mình một không gian lắng đọng thật riêng tư nhất và ôn lại những kỷ niệm khi còn là một hướng dẫn viên du lịch.
 
Khu vực Tân-Thượng Trạch còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, các phong tục, lễ hội và gìn giữ nhiều làn điệu dân ca, trang phục truyền thống, trang sức... của đồng bào DTTS. Chính điều đó đã thu hút tôi tìm đến vùng đất này nhiều lần hơn nữa khi về công tác tại hội. Được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng trên địa bàn, tôi đã có cơ hội để ở lại đó nhiều ngày hơn và đi sâu vào tìm hiểu đời sống của họ. Hơn nữa ở đây cảnh sắc thiên nhiên và con người đều rất hòa quyện, ít bị tác động bởi con người, nên vùng Ma Coong đến nay vẫn luôn là địa chỉ hấp dẫn để cho du khách cũng như những người yêu thích khám phá tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa tìm tới”.
 
Theo nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, bên cạnh những nỗ lực tự thân của đội ngũ sáng tạo VHNT để tiếp cận đề tài DTTS với những góc nhìn mới, thử nghiệm mới, trong bối cảnh hiện nay, các văn nghệ sĩ mong muốn có sự hỗ trợ kinh phí thường xuyên và định kỳ hơn để tham gia các chuyến đi thực tế, sáng tác hay điền dã đến với đồng bào DTTS tùy theo đặc thù của từng loại hình nghệ thuật. Thêm vào đó, trong khâu quảng bá, giới thiệu tác phẩm về đề tài DTTS, cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực để các văn nghệ sĩ đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay. Ngoài ra, một trại sáng tác riêng về mảng đề tài DTTS cũng rất cần thiết, đáp ứng mong mỏi của nhiều văn nghệ sĩ tâm huyết với đề tài này.

Ngoài cuốn tiểu thuyết “Tiếng vọng Ma Coong”, Trác Diễm còn viết truyện ngắn, ký và tản văn… cũng xoay quanh về đời sống của người miền núi, trong đó nhấn mạnh về văn hóa và phương thức bảo tồn. ““Thích thì cứ đi thôi", đó có lẽ là điều kiện tốt nhất của người sáng tác, chỉ cần ở họ có đủ bầu nhiệt huyết, thì mọi khó khăn không còn trở ngại, họ phải biết vượt qua các giới hạn của bản thân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền hay đóng trên địa bàn nên chăng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để sáng tác…”, tác giả Trác Diễm cho biết thêm.

Tuy nhiên, đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết với mảng đề tài DTTS, thời gian qua, vẫn không có nhiều các liên hoan hay sân chơi, trại sáng tác riêng và cũng ít ỏi các tác giả được có cơ hội tiếp cận gần gũi với đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Một trong những “bài toán” còn trăn trở đặt ra ở đây chính là sự phối hợp còn nhiều lỏng lẻo, thiếu bền vững của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan trong việc tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo về đề tài DTTS. Trong khi, đây lại chính là “kho vàng” để quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất, con người Quảng Bình, qua đó, đẩy mạnh phát triển du lịch, hình thành thương hiệu riêng của du lịch tỉnh nhà.
Mai Nhân

tin liên quan