Đồng bào Rục và hành trình theo Đảng: Bài 2: Những "hạt giống đỏ"

  • 07:42 | Thứ Ba, 01/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà con vùng đồng bào Rục một lòng theo Đảng, theo cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của dân tộc. Khi hòa bình lập lại, họ vẫn giữ nguyên lòng nhiệt huyết ấy, ra sức lao động, học tập để diệt “giặc đói, giặc dốt”, xây dựng quê hương. Trong "bức tranh sáng" của vùng đồng bào Rục, phải kể đến những đảng viên ưu tú, tràn đầy nhiệt huyết.

       >>>  Bài 1: Hành trình xóa bản "trắng đảng viên, trắng chi bộ"

Bà con vùng đồng bào Rục cùng Bộ đội Biên phòng thu hoạch lúa.
Bà con vùng đồng bào Rục cùng Bộ đội Biên phòng thu hoạch lúa.
Từ đường Hồ Chí Minh, tôi đến 3 bản vùng đồng bào Rục trên con đường bê tông dài khoảng 15km, vắt qua những dãy núi đá vôi. Hai bên đường, hệ thống lưới điện quốc gia đã kéo về đến các hộ dân. Những rừng keo xanh mướt của bà con đang trong thời kỳ thu hoạch. Nhiều ngôi nhà mới, đường giao thông liên bản, nội bản và những công trình phúc lợi mới đang được xây dựng… khiến ai cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mảnh đất biên cương.
 
Chạm đất Rục, tôi đến thăm nhà anh Trần Xuân Tư, người "giàu" nhất bản Ón (xã Thượng Hóa, Minh Hóa). Ngồi tiếp khách trong ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi, anh Tư bắt đầu câu chuyện làm giàu. Trước đây, gia đình anh cũng rất nghèo nên phải vào miền Nam kiếm sống. Sau khi tích lũy được một ít vốn, năm 2004, anh trở về quê lập nghiệp. Lúc đó, được Đảng và Nhà nước quan tâm làm đường, điện, cho vay vốn nên anh đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc, bán hàng tạp hóa, tận dụng đất hoang để trồng rừng nên cuộc sống cũng dần khấm khá.
 
Thấy anh Tư làm ăn giỏi, lại biết đọc, biết viết nên chi bộ đã bồi dưỡng, kết nạp Đảng cho anh. Một thời gian sau, anh được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Anh Tư tâm sự: “Mình là đảng viên, là trưởng bản nên phải tiên phong làm ăn kinh tế. Nếu mình làm được thì nói bà con mới nghe, sẽ nhìn vào đó để học tập, làm theo”.
 
Hiện, mô hình kinh tế tổng hợp của anh Trần Xuân Tư có diện tích gần 15ha. Trong đó, anh tập trung nuôi lợn rừng, trâu, bò, gà thả vườn, trồng rừng nguyên liệu... Với mô hình này, mỗi năm, gia đình anh thu lãi ròng trên 100 triệu đồng. Những năm bán cây keo, thu nhập của gia đình lên tới 300 triệu đồng. Thấy anh Tư làm ăn giỏi nên nhiều người trong bản đến học tập, làm theo và thoát được nghèo.
 
Một đảng viên ưu tú mà tôi muốn nhắc đến là thầy giáo người Rục đầu tiên Hồ Tiến Nam (bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa). Nam sinh ra trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em. Năm 6 tuổi, anh được đi học như bao đứa trẻ trong bản. Nhờ ham học nên Nam sớm biết đọc, biết viết rồi nói tiếng Kinh thành thạo. Học xong học kỳ 1 năm lớp 3, anh phải băng rừng vượt suối về trung tâm xã, trường dân tộc nội trú huyện, tỉnh để theo học chữ Bác Hồ.
Nhiều người dân vùng đồng bào Rục đã biết trồng cây keo, tràm để phát triển kinh tế.
Nhiều người dân vùng đồng bào Rục đã biết trồng cây keo, tràm để phát triển kinh tế.
Năm 2009, Hồ Tiến Nam được tuyển vào học tại Trường đại học Quảng Bình chuyên ngành sư phạm tiểu học. Năm 2013, anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá. Tháng 10/2013,  Hồ Tiến Nam nhận được quyết định về Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa công tác. Thầy giáo Hồ Tiến Nam tâm sự: “Đối với bà con vùng đồng bào Rục, nhận thức của một số phụ huynh về việc học của con em còn hạn chế nên không cho con đến trường. Một số em còn nhút nhát, ý thực tự học tập chưa cao. Để giúp các em đến trường, tôi cùng đồng nghiệp đến từng hộ gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, tuyên truyền vận động bà con phải cho các em đến lớp. Một số em học kém hơn thường được tôi gọi về nhà để dạy kèm vào buổi tối, ngày hè hay những lúc rảnh rỗi”.
 
Nhờ nỗ lực của mình, năm 2019, thầy giáo Hồ Tiến Nam đã được kết nạp vào Đảng. Phát huy vai trò đảng viên, ngoài công tác chuyên môn, anh còn tích cực kết nối, hỗ trợ các đoàn thiện nguyện về tặng quà cho bà con, tham gia nhiều hoạt động do bản tổ chức; hướng dẫn cho quần chúng ưu tú làm hồ sơ kết nạp Đảng, vận động bà con phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, không phá rừng, săn bắt động vật hoang dã…
 
Tiếp bước các thế hệ đảng viên đi trước, anh Cao Xuân Long (SN 1996), Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ  (xã Thượng Hóa) luôn được bà con trong bản nhắc đến là người thủ lĩnh trẻ nhiệt huyết trong các phong trào. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Long tạm gác giấc mơ vào đại học để trở về quê lập nghiệp bằng cách trồng trọt, chăn nuôi. Với sự nỗ lực của bản thân, năm 2017, anh được kết nạp vào Đảng, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản và năm 2019 bầu làm Bí thư Chi bộ.
 
Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, anh đã tích cực tuyên truyền vận động bà con phát triển sản xuất, cho con cái đi học. Nhờ đó, trong bản có gần 20 thanh niên đã hoàn thành chương trình THPT, 100% trẻ em trong bản được đi học đúng độ tuổi, riêng người em gái của anh là nữ sinh đầu tiên người Rục thi đỗ đại học năm 2022. Về kinh tế, cả bản Mò O Ồ Ồ trồng được trên 5ha lúa nước 2 vụ, hàng chục ha lúa rẫy, sắn, rau xanh trong vườn nhà; nuôi trên 120 con trâu, bò cùng nhiều gia súc, gia cầm... Trong bản còn có hơn 20 hộ tham gia trồng rừng kinh tế với diện tích khoảng 20ha. Riêng gia đình anh Long đang trồng 3 sào ruộng, 5ha cây keo, nuôi 4 con bò…
Thầy giáo Hồ Tiến Nam dạy chữ cho con em vùng đồng bào Rục trong dịp nghỉ hè.
Thầy giáo Hồ Tiến Nam dạy chữ cho con em vùng đồng bào Rục trong dịp nghỉ hè.

Sự tiên phong, gương mẫu của những đảng viên ưu tú làm “đầu tàu” đã giúp các phong trào của vùng đồng bào Rục đi lên. Đến nay, bà con đã trồng lúa nước thành thạo, trồng 100ha keo tràm, hàng trăm ha diện tích đất đã được trồng sắn, ngô, rau màu… Nhờ phát triển sản xuất nên đã có 30 hộ dân nơi đây thoát nghèo, 50 hộ cận nghèo; 100% con em đồng bào được đi học đúng độ tuổi, được chăm sóc sức khỏe...

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa Đinh Duy Luân cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển Đảng cũng như kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào Rục. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình sinh kế, đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp. Đoàn Kinh tế Quốc phòng 92 (Quân khu 4) cũng sẽ đóng quân và làm kinh tế trên địa bàn huyện Minh Hóa nên sẽ tạo nhiều công ăn, việc làm ổn định cho bà con. Qua đó, góp phần giúp cuộc sống bà con thêm ổn định, có thêm nguồn nhân lực để xây dựng, phát triển đảng”.

“Từ năm 2002, Chương trình 135 và các dự án khác đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng đường bê tông, điện chiếu sáng, trạm y tế cho vùng đồng bào Rục. Chương trình 134 cũng đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm ngôi nhà ở kiên cố cho đồng bào trị giá gần hai tỷ đồng... Nhờ đó, các bệnh dịch đã được khống chế. Số người được đi học, biết chữ ngày càng nhiều. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt”, ông Cao Xuân Tạo, nguyên Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa giai đoạn 1989-2000 và 2005-2010 cho hay.
Xuân Vương

tin liên quan

Bài 1: Hành trình xóa bản "trắng đảng viên, trắng chi bộ"

(QBĐT) - Sau khi được Bộ đội Biên phòng, cấp ủy, chính quyền quan tâm, vận động, bà con đã rời hang đá ra dựng nhà, lập bản rồi tiếp cận, thích ứng với cuộc sống mới. Đặc biệt, từ nơi "trắng đảng viên, trắng chi bộ", đến nay, các bản làng vùng đồng bào Rục đã có chi bộ Đảng, đảng viên để lãnh đạo các phong trào, cuộc sống của bà con cũng dần ấm no, hạnh phúc…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát vướng mắc trong các luật hiện hành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản yêu cầu bộ ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo của Đảng

Ngày 31/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức gặp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2023). Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu tại buổi gặp mặt.