Tuyên Hóa: "Gặp khó" trong thực hiện nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế

  • 05:59 | Thứ Bảy, 29/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, các địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó trong việc thực hiện các nhóm tiêu chí phát triển kinh tế.
 
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
 
Cao Quảng là một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương này đặt mục tiêu “về đích nông thôn mới vào năm 2022”. Và giờ đây, mục tiêu này đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết: "Mặc dù địa phương có xuất phát điểm thấp, nhưng chúng tôi không trông chờ, ỷ lại, mà căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, nỗ lực, khắc phục, tháo gỡ dần khó khăn. Trong quá trình triển khai, chúng tôi ưu tiên lựa chọn các tiêu chí dễ thực hiện để hoàn thành trước.
 
Cùng với đó, xã cũng tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Hàng năm, chúng tôi đều tiến hành rà soát, đánh giá lại các tiêu chí đã đăng ký, những nội dung đã đạt và chưa đạt để đôn đốc chỉ đạo thực hiện. Thực tiễn cho thấy, sự đồng thuận của nhân dân chính là nguồn sức mạnh và là động lực để xã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Bởi chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân sẽ luôn được nhân dân hưởng ứng”.
 
Bằng cách làm như vậy, sau hơn gần 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cao Quảng đã đoàn kết, tích cực đổi mới, tranh thủ mọi nguồn lực, huy động nội lực hoàn thành 14/19 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong số đó phải kể đến, tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo giảm khá sâu, gần 5% mỗi năm. Nếu năm 2020, xã Cao Quảng có 14,8% hộ nghèo, thì đến thời điểm hiện tại chỉ còn 5,6%.
 
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương: “Những kết quả đạt được là khá quan trọng, nhưng với đặc điểm là một xã miền núi điểm xuất phát thấp, đời sống của nhân dân còn khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và trồng rừng kinh tế, ngành nghề nông thôn chưa phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn khó khăn, thì hộ nghèo giảm nhưng chưa thực sự bền vững”.
 Nhiều nông dân Tuyên Hóa mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Nhiều nông dân Tuyên Hóa mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Xã Châu Hóa là một trong ít các địa phương đạt kết quả khá toàn diện trong việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ xã đề ra. Trong số 16/18 tiêu chí đạt được, tiêu chí thu ngân sách vượt trội hơn cả, đạt hơn 325% so với kế hoạch nghị quyết. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Châu Hóa Trương Thanh Lam: “Nguồn thu ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, nên không thực sự bền vững. Muốn nguồn thu ngân sách bền vững phải gắn với các chỉ tiêu kinh tế thành phần, như: Sản xuất, kinh doanh. Nhưng, hiện tại nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã còn nhỏ lẻ, chưa đạt hiệu quả cao; chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại chưa phát triển; chưa xây dựng được khu chăn nuôi tập trung; tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ chưa phát triển”.
 
Còn nhiều khó khăn
 
Nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ đầu tiên xã Thạch Hóa triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ sau sáp nhập, trên cơ sở 2 xã Nam Hóa (cũ) và xã Thạch Hóa. Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hóa Trần Kim Tuyến cho biết, sau khi sáp nhập, cùng với việc nhanh chóng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cấp ủy, chính quyền địa phương phải đánh giá lại toàn diện những tồn tại, hạn chế và tận dụng những lợi thế mới sau sáp nhập, nhằm xác định được hướng đi đúng đắn, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
 
2 xã Thạch Hóa và Nam Hóa (cũ) đều là 2 xã khó khăn, dân số đông, điều kiện tự nhiên chia cắt, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, diện tích đất đai manh mún, cơ sở hạ tầng KT-XH chưa đồng bộ, nên sau khi sáp nhập, khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, xã Thạch Hóa đã từng bước khắc phục khó khăn và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Sau sáp nhập, bộ máy điều hành, chỉ đạo của xã đã được tinh gọn, hoạt động của hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến tích cực.
 
Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hóa Trần Kim Tuyến: “Nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được chưa cao. Cụ thể, chỉ có 8/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế đạt kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, chăn nuôi đạt thấp so với kế hoạch, dẫn đến thu nhập bình quân đầu người chưa được như mong muốn.
 
Nguyên nhân là xuất phát điểm của địa phương khá thấp, trong khi nhiều khó khăn đặc thù sau sáp nhập, như: Địa bàn rộng, dân số đông, trong khi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, sự tác động bất lợi của dịch Covid-19, dịch bệnh trên đàn gia súc, giá cả hàng hóa không ổn định cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế. Qua đó, tác động lớn đến việc triển khai các mục tiêu, giải pháp đã đặt ra trong nghị quyết đại hội Đảng bộ xã”.
 
Tương tự, xã Châu Hóa cũng có 2 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ đầu nhiệm kỳ đến nay chỉ đạt 6,4% (nghị quyết đề ra từ 8,5-10%). Bí thư Đảng ủy xã Châu Hóa Trương Thanh Lam lý giải, nguyên nhân do Châu Hóa là một xã thuần nông, ngành nghề nông thôn chưa phát triển, lao động còn thiếu việc làm, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu do dự báo không chính xác, nên đưa ra mục tiêu quá sức, như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm.
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa Bùi Thanh Chuyên, nửa nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn so với dự báo, nhưng nhiều địa phương đã cố gắng, nỗ lực vượt qua và đạt được nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, các mục tiêu, chỉ tiêu đạt được vẫn còn thấp so với mức bình quân của các địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Tiêu chí thu nhập, tình hình sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát và tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời nghiên cứu, bổ sung giải pháp mới, phù hợp để thực hiện, nhất là đối với các chỉ tiêu đạt thấp, chỉ tiêu còn nhiều khó khăn.
 
Để đạt mục tiêu đối với nhóm các tiêu chí kinh tế, các địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả 2 chương trình hành động của Huyện ủy, 3 đề án của UBND huyện, nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó, ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung, khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ với hình thức và quy mô phù hợp.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Đại biểu HĐND tỉnh (khóa XVIII) tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 10

(QBĐT) - Sáng nay, 28/7, các tổ đại biểu HĐND tỉnh (khóa XVIII) tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 10.

Tập huấn chuyên đề về công tác dân tộc, tôn giáo

(QBĐT) - Sáng nay, 28/7, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh khai mạc lớp tập huấn chuyên đề về công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ chủ chốt hội LHTN Việt Nam các cấp trong tỉnh. 

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong tình hình mới

(QBĐT) - Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, những thành quả nổi bật của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong suốt 94 năm hình thành và phát triển, thời gian qua, tổ chức Công đoàn Quảng Bình đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, giữ vững vị trí là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết của công nhân, viên chức, lao động.