Đồng bào Rục và hành trình theo Đảng

Bài 1: Hành trình xóa bản "trắng đảng viên, trắng chi bộ"

  • 07:53 | Thứ Hai, 31/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước đây, đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) sống trong hang đá, gần như "cách ly" với thế giới văn minh. Sau khi được Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cấp ủy, chính quyền quan tâm, vận động, bà con đã rời hang đá ra dựng nhà, lập bản rồi tiếp cận, thích ứng với cuộc sống mới. Đặc biệt, từ nơi “trắng đảng viên, trắng chi bộ”, đến nay, các bản làng vùng đồng bào Rục đã có chi bộ Đảng (CBĐ), đảng viên để lãnh đạo các phong trào, cuộc sống của bà con cũng dần ấm no, hạnh phúc…
 
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, vùng đồng bào Rục gần như không có một tổ chức chính trị-xã hội nào. Thời điểm đó, CBĐ xã Minh Hóa cũng mới được thành lập. Với quyết tâm xóa bản “trắng chi bộ, trắng đảng viên”, CBĐ xã Minh Hóa và sau này là CBĐ xã Thượng Hóa, Đảng bộ xã Thượng Hóa, BĐBP đã bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” đầu tiên là người vùng đồng bào Rục để kết nạp đảng, thành lập các CBĐ... 
 
Theo các tài liệu ghi lại, trước năm 1945, đồng bào Rục còn sống trong hang đá. Họ kiếm sống chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm. Thức ăn của bà con lấy từ ruột cây búng báng (còn gọi là bột nhúc), thịt thú rừng, cá, ốc ở khe suối. Thời đó, một số người có tư tưởng tiến bộ cũng biết phát rẫy gieo lúa, ngô, sắn. Họ không ưa trao đổi, không muốn giao tiếp, làm quen với bất kỳ người lạ nào. Bà con dùng vỏ cây để đóng khố cho đàn ông, đắp váy cho đàn bà...
 
Cách mạng tháng Tám thành công, một số người Kinh và tộc người khác vào vùng đồng bào Rục sinh sống, làm mùa. Trong quá trình sản xuất, giao thoa văn hóa, nhiều người Rục đã biết dựng lán, chòi để ở... Nơi đây gần như chưa có tổ chức chính trị nào nhưng một số người Rục tiếp cận với người Kinh, với Đảng, chính quyền và BĐBP nên sớm giác ngộ cách mạng, làm việc trong các tổ chức chính trị ở xã, bản hoặc theo bộ đội rồi được kết nạp vào Đảng.
Bộ đội Biên phòng và các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể luôn quan tâm động viên bà con vùng đồng bào Rục.
Bộ đội Biên phòng và các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể luôn quan tâm động viên bà con vùng đồng bào Rục.
Ông Cao Ngọc Man, 71 tuổi (có 47 năm tuổi Đảng) kể: “Cha tôi, ông Cao Ngọc Miên là một trong số người Rục đầu tiên được kết nạp vào Đảng. Cha đã được BĐBP, cán bộ xã giáo dục, dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng rồi đưa vào làm cán bộ Đoàn của xã. Sau khi được kết nạp Đảng, cha tôi cùng BĐBP, cán bộ xã và một số quần chúng ưu tú vận động bà con rời hang đá làm nhà ở, phát triển sản xuất”.
 
Ông Đinh Thanh Dự, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa, người có nhiều công trình nghiên cứu về đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Minh Hóa cho biết: “Ngoài ông Cao Ngọc Miên, trong thời kỳ chống Pháp, vùng đồng bào Rục còn có các ông: Trần Hồng, Cao Vương Luyện, Cao Xuân Tài, Cao Xuân Uỵnh cũng được kết nạp vào Đảng. Trước khi được kết nạp Đảng, các ông đã tham gia hoạt động cách mạng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cấp xã. Những đảng viên đầu tiên vùng đồng bào Rục sinh hoạt trong một tổ đảng trực thuộc CBĐ xã Minh Hóa (CBĐ xã Minh Hóa thời đó là nơi sinh hoạt của đảng viên các xã: Minh Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa, Thượng Hóa). Sau này, CBĐ xã Thượng Hóa được thành lập nên họ chuyển về đó sinh hoạt”.
 
Đầu năm 1960, thêm nhiều đồng bào Rục được vận động rời hang đá về dựng nhà ở, phát triển sản xuất nên bà con càng tiếp cận nhiều hơn với người Kinh. Năm 1961, Đảng bộ xã Thượng Hóa được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào bình dân học vụ được phát triển rộng khắp nên nhiều bà con vùng đồng bào Rục biết đọc, biết viết, biết cách sản xuất. Từ đó, một số thanh niên ưu tú sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng rồi được kết nạp vào Đảng, như: Ông Trần Xuân Chức, Cao Bắc Nhện, Cao Ngọc Man, Cao Ngọc Ền, Hồ Pum, Hồ Pứa, Cao Ngọc Sơn…
 
“Đến nay, vùng đồng bào Rục đã có 3 CBĐ, gồm: Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, Ón với 22 đảng viên, trong đó có 17 đảng viên là người vùng đồng bào Rục. Ngoài ra, con em đồng bào có nhiều người làm việc tại cơ quan nhà nước cũng đã được kết nạp Đảng và nhiều quần chúng đang là cảm tình Đảng. Hiện, con em vùng đồng bào Rục có 2 người công tác trong lực lượng Công an, 1 người trong lực lượng BĐBP, 1 người làm giáo viên và nhiều em đang theo học đại học, cao đẳng”, ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa cho biết.

Năm 1962, CBĐ đầu tiên được thành lập tại bản Yên Hợp. Lúc đó, chi bộ có 5 đảng viên do ông Trần Hồng làm Bí thư Chi bộ. Nhiệm vụ chính của chi bộ là cùng BĐBP, các cấp ủy đảng, chính quyền vận động bà con rời hang đá đến vùng đất đai bằng phẳng để dựng lán, dựng nhà định cư. Năm 1964, công tác vận động bà con vùng đồng bào Rục rời hang đá cơ bản đã hoàn thành. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, người dân vùng đồng bào Rục tích cực phát triển sản xuất, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng cả dân tộc.

Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp nên đời sống của bà con ở Rục ngày càng được nâng lên. Thời gian này, trên địa bàn Rục đã thành lập được Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hợp Hòa và Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Yên Hợp. Vai trò của các hợp tác xã lúc đó là tập hợp bà con để chăn nuôi trâu, bò, khai khẩn đất đai để trồng lúa rẫy, ngô sắn… nhằm đáp ứng lương thực, thực phẩm, sức kéo và phục vụ cách mạng. Với sự hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền và BĐBP nên nhiều người dân được học chữ, được giác ngộ cách mạng rồi kết nạp vào Đảng. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt Đảng, phát triển phong trào sản xuất, năm 1973, CBĐ Hợp Hòa đã được thành lập với 6 đảng viên (chủ yếu là người ở bản Mò O Ồ Ồ) do ông Cao Bắc Nhện làm Bí thư Chi bộ.
 
Năm 1989, người dân vùng đồng bào Rục phải chịu một trận dịch lớn khiến nhiều người chết. Để tránh dịch, một số hộ dân bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp ra khu vực bản Ón sinh sống và năm 1994 thì bản Ón mới được thành lập. Đến năm 2003, CBĐ bản Ón được thành lập với ba đảng viên, hoàn thành hành trình xóa bản "trắng đảng viên, trắng chi bộ" tại ba bản vùng đồng bào Rục. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc…
Xuân Vương
 
                                                     Bài 2: Những "hạt giống đỏ"

tin liên quan

Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Ngày 30/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Bước tạo đà mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam-Áo, Italy, Tòa thánh Vatican

Những kết quả nổi bật, tích cực và toàn diện, cung bậc cảm xúc lắng đọng của tình hữu nghị, tình bạn bè quốc tế là minh chứng sống động cho thành công vượt mong đợi qua chuyến thăm của Chủ tịch nước.

Tuyên Hóa: "Gặp khó" trong thực hiện nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế

(QBĐT) - Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, các địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, một số địa phương đang gặp khó trong việc thực hiện các nhóm tiêu chí phát triển kinh tế.