.
"Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc giảm nghèo":

Hội Nông dân xã Vạn Ninh: Đồng hành cùng hội viên xóa đói giảm nghèo

.
08:09, Thứ Bảy, 30/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, với mục tiêu nâng cao đời sống của hội viên, Hội Nông dân xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, hội tích cực triển khai các hoạt động giúp cho hội viên được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững…
 
*Khi hội viên nghèo biết vươn lên…
 
Bấy lâu nay, gia đình ông Ngô Đình Mịch và bà Ngô Thị Biên luôn thuộc diện hộ nghèo của thôn Giữa, xã Vạn Ninh. Thiếu nguồn vốn sản xuất, lại đông con, nên dù đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn chưa thoát được cảnh nghèo khó.
 
Trước tình cảnh đó, năm 2015, gia đình ông bà đã được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư chăn nuôi bò cỏ sinh sản. Đồng thời, ông cũng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để có thêm kiến thức trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc. Vừa làm, ông vừa đúc rút kinh nghiệm từ thực tế, đến nay, đàn bò gồm 4 con của gia đình ông bà đang sinh trưởng và phát triển tốt; mỗi năm bán ra thị trường 4 con bê với giá từ 15-20 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể giúp gia đình ông bà có thêm vốn để trang trải cuộc sống, dựng vợ gả chồng cho các con và tiếp sức để 2 con theo học đại học. “Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã từng bước ổn định, xây dựng nhà cửa vững chãi và thu nhập trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng. Có thể nói, nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi bò mà bước vào năm 2018, gia đình tôi đã được công nhận thoát khỏi hộ nghèo…”, ông Mịch phấn khởi cho biết.
 
Cũng giống như hoàn cảnh của gia đình ông Mịch, gia đình anh Hoàng Văn Thụ và chị Trương Thị Thúy, ở thôn Đại Phúc cũng là hộ nghèo nhiều năm liền. Nguyên nhân là do những ngày đầu mới tách ra ở riêng, cuộc sống của vợ chồng hết sức khó khăn, vất vả bởi gia tài hầu như chẳng có gì đáng giá. Lăn lộn với đủ nghề nhưng gia đình vẫn phải chịu cảnh bữa no bữa đói, nhất là khi lần lượt 4 đứa con ra đời. Thêm vào đó, sức khỏe của anh Thụ ngày càng giảm sút nên gia đình anh có tên trong danh sách hộ nghèo từ năm 2014.
Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản, gia đình ông Ngô Đình Mịch và bà Ngô Thị Biên đã thoát nghèo
Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản, gia đình ông Ngô Đình Mịch và bà Ngô Thị Biên đã thoát nghèo 
Không cam chịu làm hộ nghèo, nhận thấy nhiều hộ dân trong vùng có được cuộc sống ổn định nhờ vào chăn nuôi, anh Thụ đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mua một cặp bò lai sinh sản về nuôi. Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào, cùng với lợi thế được học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi bò hiệu quả trong xã nên việc chăn nuôi của anh Thụ diễn ra thuận lợi, giúp cuộc sống gia đình từng bước đi vào ổn định. Ngoài việc đầu tư cho chăn nuôi, vợ chồng anh vẫn tiếp tục làm thêm nhiều nghề phụ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, tích góp mua các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Nhờ sự chịu khó tìm tòi học hỏi và cố gắng, cuối năm 2017, gia đình anh Thụ đã thoát nghèo. Anh Hoàng Văn Thụ chia sẻ, ở những vùng đất bán sơn địa như quê anh, các mô hình chăn nuôi trâu, bò, thỏ là hướng phát triển kinh tế phù hợp và có hiệu quả nhất. Không chỉ có nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào mà trâu, bò, thỏ cũng bán rất được giá. Điều quan trọng nhất là phải biết cách chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ theo yêu cầu, hướng dẫn của cán bộ thú y...
 
Có thể nói, gia đình ông Mịch và anh Thụ là hai trong nhiều hội viên nông dân nghèo nhờ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và biết cách tổ chức sản xuất đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Đây còn là thành quả của sự cố gắng, nghị lực vượt khó của những hộ nông dân tiêu biểu trong chương trình giảm nghèo bền vững ở xã Vạn Ninh.
 
* Sát cánh cùng người nghèo
 
Ông Lê Thanh Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo khó của các gia đình nông dân là thiếu vốn sản xuất và thiếu kinh nghiệm thực tế về việc áp dụng các quy trình kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nắm được mấu chốt đó, Hội Nông dân xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội viên vươn lên phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã.
 
Trước hết, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người nghèo và cận nghèo; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phát huy những thuận lợi về điều kiện tự nhiên của địa phương và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao.
 
Thực tế cho thấy, hàng trăm hộ nông dân được vay vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ ngày càng phát triển. Vì vậy, xác định tháo gỡ khó khăn về tài chính cho nông dân chính là nguồn lực hỗ trợ tích cực để nhà nông đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản, Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp cho hội viên được vay các kênh vốn ưu đãi từ NHCSXH, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, của tỉnh và huyện… Đến nay, riêng nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH qua Hội Nông dân xã đã đạt trên 5,3 tỷ đồng và phong trào gây quỹ hỗ trợ ở các chi hội đạt trên 230 triệu đồng, tạo điều kiện cho các hội viên nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng. Đặc biệt, việc hội viên giúp đỡ về vốn, vật tư phân bón, thức ăn gia súc, con giống, giống lúa… cho hội viên nghèo đầu tư vào sản xuất đã được đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng và mang lại hiệu quả cao.
 
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã thực hiện tốt các cuộc vận động ủng hộ, hướng dẫn cho nông dân, nhất là hội viên thuộc hộ nghèo cách làm ăn. Từ năm 2017 đến nay, hội đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho trên 300 lượt hội viên. Nhờ đó, hội viên nắm vững kiến thức để có thể áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ hội, hầu hết các hộ nghèo chọn đầu tư vào chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc trồng cây ngắn ngày để nhanh có lãi… Đến nay, tổng diện tích cây ngắn ngày gieo trồng cả năm của xã Vạn Ninh đạt 1.323ha, đàn trâu bò gần 1.950 con, đàn lợn có 15.200 con, đàn gia cầm, thuỷ cầm gần 8 nghìn con, đàn thỏ gần 2 nghìn con...
 
Chính nhờ những giải pháp thiết thực đó, trong năm 2017, Hội Nông dân xã Vạn Ninh đã giúp được 12 hội viên nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững; có 5 hội viên đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 23 hội viên cấp tỉnh, 75 hội viên cấp huyện và 869 hội viên cấp xã.
 
Đánh giá những kết quả đã đạt được, ông Lê Thanh Long khẳng định, những tấm gương hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo chính là cơ sở quan trọng để tổ chức hội tiếp tục tuyên truyền, vận động các hội viên còn nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo học tập và noi theo. Đây còn là động lực tích cực để giúp mỗi hội viên nông dân luôn nỗ lực và từng bước vươn lên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Thùy Lâm - Trần Hiền
,