.

Một vài cảm nhận về tập thơ "Tháng Bảy"* của Hoàng Minh Đức

.
07:43, Thứ Hai, 23/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - "Tháng bảy" là tập thơ đầu tay của tác giả Hoàng Minh Đức. Toàn tập gồm 103 bài. Trong đó có 43 bài Đường luật. Bài thứ 103 viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ứng với số tuổi của Đại tướng.
 
"Tháng bảy" chính là tinh chất cuộc đời được chắt lọc, chưng cất thành thơ. Tác giả Hoàng Minh Đức nguyên giáo viên dạy toán, là chiến sĩ binh chủng xe tăng – thiết giáp, từng lăn lộn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh tìm đến với thơ như tìm đến một người bạn, một thú vui tao nhã, một món ăn tinh thần không thể thiếu.
 
Càng từng trải, càng hiểu biết càng trọng ân nghĩa! Tác giả Hoàng Minh Đức đặc biệt nhắc nhiều đến công ơn của Đảng, của Bác bởi anh là người tận mắt chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước, của đời sống nhân dân. 
Trong tập thơ "Tháng bảy", ta bắt gặp các tiêu đề: Mừng đại hội Đảng, Mùa xuân có Đảng, Trọn đời theo Đảng, Hoa thơm dâng Bác, Mùa xuân nhớ Bác… Ở mảng đề tài này, tôi đặc biệt lưu ý bài "Đôi dép Bác Hồ". Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật.
 
Mươi năm lại đây có một hiện tượng hơi lạ. Đó là sự hồi sinh của thể loại thơ Đường luật - một thể thơ truyền thống, tưởng chừng đã mai một sau cuộc cách mạng thơ “long trời lở đất” thời 1930 - 1945.  Đúng vào lúc trên văn đàn xuất hiện ngày càng nhiều những bài thơ tân hình thức, thơ không vần… thì đột nhiên phong trào làm thơ Đường luật được khơi dậy. Một số người hì hục tập làm thơ Đường luật rồi chép chuyền nhau, xướng hoạ với nhau như là sự đối nghịch, thách thức với thơ không vần, thơ tân hình thức. Càng ngày số người làm thơ Đường luật càng đông, lan rộng từ Nam chí Bắc. Phần lớn những người làm thơ Đường luật là những bậc cao niên. Các tuyển tập thơ Đường luật bề thế lần lượt ra đời, góp phần làm cho bộ mặt thơ ca nước nhà thêm phần đa dạng, phong phú. Cái chủ yếu là các cụ tìm được một hình thức thơ phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của mình.
 
Vì thế, tôi không hề ngạc nhiên khi thấy trong "Tháng bảy" có đến 43 bài thơ Đường luật. Điều khiến tôi ngạc nhiên là tác giả Hoàng Minh Đức chưa phải là bậc cao niên nhưng lại khá sành thể thơ thất ngôn bát cú. Mới đây, tôi có làm một bài theo thể thơ này mới biết làm thơ thất ngôn bát cú Đường luật khó đến mức nào. Trong 43 bài Đường luật của Hoàng Minh Đức, theo cảm nhận chủ quan của tôi thì bài "Đôi dép Bác Hồ" là trội hơn cả:
 
Ngày ấy ra đi cứu nước nhà
Đạp bằng gian khó vượt phong ba
Lên rừng xuống biển không hề nản
Ra Bắc vào Nam chẳng nề hà
Thống nhất non sông xây đất nước
Giữ yên bờ cõi dựng sơn hà
Mắt nhìn đôi dép cao su Bác
Con cháu theo Người vững bước xa
 
Vì đang nói đến đôi dép của Bác nên tác giả dùng hình ảnh “đạp bằng gian khó” là rất phù hợp. Những câu thực và luận đối rất chỉnh. Với đôi dép đơn sơ ấy, Người đã từng “lên rừng xuống biển” “ra Bắc vào Nam”. Thông qua hình tượng đôi dép, Hoàng Minh Đức đã khái quát cả cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trì, gian khổ vì nước vì dân của Bác. Câu kết Con cháu theo Người vững bước xa cũng rất phù hợp với nội dung toàn bài. Tứ thơ khá chặt, niêm luật khá chuẩn.
 
“Cây có cội, nước có nguồn”, tình yêu quê hương, đất nước vừa là truyền thống vừa là đạo lý của người Việt Nam. Hoàng Minh Đức hết sức tự hào về tổ tiên con Lạc cháu Hồng, về vùng đất Minh Lệ, Ba Đồn, Quảng Bình mà anh đang sinh sống. Tác giả “khoe” một cách hồn nhiên:
 
Minh Lệ quê tôi thật hữu tình
Bốn mùa cảnh sắc đẹp lung linh
Ba U sừng sững mây vờn núi
Bốn Miếu cheo leo sóng vỗ ghềnh
                                            (Minh Lệ làng tôi)
 
Anh có bài thơ "Xóm nhỏ tôi yêu" cũng rất dễ thương:
 
Xóm nhỏ tôi yêu chín mươi mốt nóc nhà
Năm bà mẹ anh hùng, ba mươi hai liệt sĩ
Có đại tá, nhà thơ, Bí thư Tỉnh ủy
Có cháu tật nguyền, cha nhiễm chất độc da cam
 
Cái xóm này quả là hết sức đặc biệt! Hai câu đầu là “những con số biết nói” về lịch sử bi hùng của dân tộc. Hai câu sau là sự đối lập giữa niềm tự hào và lòng xót thương. Đó là cách thể hiện súc tích, gợi nhiều liên tưởng.
 
Đọng lại trong tôi sau khi đọc xong tập thơ Tháng bảy của Hoàng Minh Đức là hình ảnh những người mẹ. Đầu tiên là nỗi đau của những người mẹ có những đứa con hy sinh trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ:
 
Tháng bảy về trắng sắc mưa ngâu
Nắng cháy đỏ trên miền đất lửa
Tháng bảy về mẹ ngồi bậu cửa
Khắc khoải chờ con, đợi các anh về
 
Tháng bảy về lòng mẹ tái tê
Đầu khăn trắng, ruột đau quặn thắt
Mẹ run rẩy đưa bàn tay dụi mắt
Nơi cao xa có nghe tiếng gọi hồn…
                                       (Tháng bảy)
 
Đọc bài thơ này, tôi hiểu vì sao Hoàng Minh Đức lấy Tháng bảy làm tiêu đề cho tập thơ. Phải chăng Tháng bảy là bài thơ anh tâm đắc nhất? Chỉ riêng hai khổ thơ đầu đã nói lên tất cả. Những thanh trắc: trắng, quặn thắt, dụi mắt đã phần nào diễn tả được nỗi lòng của những người mẹ ngồi bậu cửa đợi con mỗi năm tháng bảy về.
 
Còn đây là hình ảnh người mẹ ruột của anh:  
 
Thương cha biền biệt mỏi mòn
Đồng sâu mẹ lội, núi non mẹ trèo
Miền Trung một dải đất nghèo
Liêu xiêu mái rạ hanh heo gió lùa
 
                                       (Mẹ tôi)
Nỗi vất vả của mẹ được tác giả khái quát bằng một câu thơ giàu hình ảnh Đồng sâu mẹ lội, núi non mẹ trèo. Giá đổi núi non thành núi cao thì hợp với đồng sâu hơn chăng? Từ liêu xiêu được nhiều người dùng, nhưng liêu xiêu mái rạ là cách dùng khá mới mẻ. Riêng bài Nhớ mẹ cuối năm là  một trong những bài thơ tôi yêu thích, bởi Hoàng Minh Đức đã gợi lại đúng như hình ảnh mẹ tôi mỗi khi tết đến, xuân về. Thế nên khi đọc những dòng sau đây tôi hết sức đồng cảm:
 
Ba mươi tất niên, ngày cuối năm
Giàn mướp bâng khuâng, bướm vàng đến đậu
Mẹ gói bánh chưng, lui cui mẹ nấu
Tóc vương vương sợi khói lam chiều
 
Xuân này mẹ tôi không về được nữa rồi
Để lại khói hương buồn hiu hắt
Mẹ nằm sâu dưới ba thước đất
Mưa gió sụt sùi quặn thắt lòng tôi
 
Gấp lại "Tháng bảy", tôi hơi tiêng tiếc: Nếu như tập thơ được tuyển chọn  kĩ hơn, mạnh dạn loại bỏ một số bài đang còn dễ dãi với những đề tài quá ư quen thuộc. Tôi hy vọng những tập thơ sau của anh sẽ được chọn lọc kĩ hơn, đề tài đa dạng hơn, góc cạnh hơn, có chiều sâu nội tâm hơn.
                                         
                                                                           Mai Văn Hoan
 
* NXB Thuận Hóa, 2018
,
  • Mẹ ơi

       (QBĐT) - Biết bao lần con thầm gọi mẹ ơi
                       Là mỗi khi con được nhìn thấy mẹ
                       Tảo tần trên đồng cấy từng dẻ mạ
                       Phù sa quê phủ kín chân trần
     
    22/07/2018
    .
  • Chiến thắng Đồng Lộc là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn

    Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh từng là một "yết hầu giao thông" quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
     
    22/07/2018
    .
  • 'Vụ thảm sát của máy bay Mỹ tại thôn Tròn' là di tích lịch sử cấp tỉnh

    (QBĐT) - Sáng 21-7, xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh "Vụ thảm sát của máy bay Mỹ tại thôn Tròn" trong thời kỳ chống Mỹ. 

    22/07/2018
    .
  • Hoàng hôn trên sông Gianh

    (QBĐT) - Hoàng hôn trên sông Gianh

    22/07/2018
    .
  • Phát động cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Quảng Bình

    (QBĐT) - Sở Du lịch phối hợp với Hội Văn học và Nghệ thuật phát động cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Quảng Bình với chủ đề "Quảng Bình, thiên đường khám phá và trải nghiệm".

    21/07/2018
    .
  • Siêu phẩm mới của đạo diễn từng làm nên 'cơn sốt' Thủy thủ mặt trăng

    Bộ phim hoạt hình "Mirai: Em gái đến từ hôm qua" của đạo diễn Mamoru Hosoda và studio Chizu, Nhật Bản sẽ ra mắt trong tháng Tám tới được dự đoán sẽ là một "siêu phẩm" anime dành cho cả gia đình.
     
    20/07/2018
    .
  • Nỗi nhớ tháng 7

    (QBĐT) - Tháng 7 về, tôi lại nao nao nhớ nội. Nhớ dáng nội gầy gầy ngồi tựa mình bên khung cửa nhỏ mắt nhìn xa xăm vào một khoảng trống vô định. Những lúc như thế, tôi biết là nội đang nhớ chú tôi. Nội thương chú tôi đang nằm lại ở một nơi nào đó trên mảnh đất quê hương mà nội chưa một lần được chạm tới.

    20/07/2018
    .
  • 'Cánh đồng bất tận' và Nguyễn Ngọc Tư được vinh danh ở Đức

    Theo thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã giành giải thưởng Literaturpreis (năm 2018) của Đức với tác phẩm "Cánh đồng bất tận" (nhan đề tiếng Đức là "Endlose Felder" do Gunter Giesenfield và Marianne Ngo chuyển ngữ).
     
    19/07/2018
    .