.

Nỗi nhớ tháng 7

.
07:54, Thứ Sáu, 20/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tháng 7 về, tôi lại nao nao nhớ nội. Nhớ dáng nội gầy gầy ngồi tựa mình bên khung cửa nhỏ mắt nhìn xa xăm vào một khoảng trống vô định. Những lúc như thế, tôi biết là nội đang nhớ chú tôi. Nội thương chú tôi đang nằm lại ở một nơi nào đó trên mảnh đất quê hương mà nội chưa một lần được chạm tới.
 
Tuổi thơ tôi thấm đẫm trong từng lời ru cùng những câu chuyện kể của nội và câu chuyện mà năm nào nội cũng kể, mỗi lần kể nước mắt lại đong đầy trên gương mặt là những ký ức về chú tôi – người mà tôi chưa một lần được gặp mặt.
 
Chú tôi là một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, siêng cả việc học hành lẫn đồng áng nên được nhiều cô gái yêu mến, cảm tình. Chú cũng đã phải lòng một cô cùng làng và hứa hẹn sẽ nên duyên chồng vợ. Ngày ấy, nội tôi chăm chút từng gốc trầu, ngắm ngía buồng cau to sai quả trước hiên nhà và hình dung đến lễ đón dâu để chú tôi sớm yên bề gia thất. Ấy vậy mà chú tôi đã mãi mãi ra đi trong khi giàn trầu, buồng cau vẫn sum suê lá, quả.
 
Nội kể: ngày ấy, thanh niên trai tráng trong làng hăng hái tham gia lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ông nội tôi mất sớm, bố tôi cũng đứng trong hàng ngũ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên các cung đường được xem là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù nên những người thân trong gia đình động viên chú tôi ở lại quê nhà để lo lắng, đỡ đần cho nội. Thế nhưng, chú tôi lại làm đơn tình nguyện ra chiến trường vì muốn được sống trong môi trường quân ngũ, được thể hiện chí làm trai, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Nội tôi ôm chú tôi vào lòng, xoa xoa mái tóc rồi nói “Ngày trước bố con, anh con lên đường mẹ cũng đâu có cản mà còn động viên, khích lệ, giờ con lại dấn thân vào chiến trường niềm Nam đầy bon đạn Mỹ làm sao mẹ không khỏi lo lắng cho được. Mẹ chỉ cần con hứa với mẹ là con sẽ trở về bình an để mẹ còn được bế cháu”. Chú tôi hứa với nội rằng “Nhất định con sẽ trở về, nhất định con sẽ cưới cô gái xóm bên nên mẹ phải khỏe để chăm cây cau, vườn trầu cho tốt. Hãy chờ con mẹ nhé…”
 
Ngày chú tôi ra đi, nội tôi cứ đứng ngẩn ngơ bên cây đa đầu làng nhìn theo bóng xe xa dần rồi mất hút. Chiều ấy, nội vuốt ve buồng cau miệng lẩm bẩm “chủ nhân mày đi rồi, thôi thì cứ tốt tươi mà sản sinh ra những mùa quả mới. Nhớ là phải sum suê như thế này…”.  Vậy mà chú tôi đã không giữ trọn lời hứa để nội tôi và những thân trong gia đình mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng, để rồi một ngày nhận được giấy báo tử là chú tôi đã hy tại chiến trường miền Nam, nhưng không rõ ở địa điểm nào. Bao nhiêu năm qua, mỗi thành viên trong gia đình tôi nếu có dịp vào Nam ra Bắc khi ghé thăm các nghĩa trang liệt sĩ đều dừng lại rất lâu trước những ngôi mộ chưa biết tên mà cứ nghĩ rằng người thân của mình đang nằm dưới ấy với tất cả niềm tự hào và nỗi đau thương, tiếc nuối không gì khỏa lấp.
 
Từ ngày biết chú tôi không thể trở về, mắt nội tôi sâu thêm, tấm lưng gầy gò ngày một còng xuống, nếp nhăn lớp lớp dày lên khuôn mặt, đôi tay… Cứ mỗi lần cận kề bên nội, tôi lại vuốt những lớp da thừa nhăn nhéo kéo ra phía sau tai, xuống cổ, xuống hàm với hy vọng là giấu chúng đi để nội không già, không xấu. Những lúc như thế, nội lại mắng yêu tôi rằng “Bố mày, làm thế nội cũng không trẻ lại được đâu”.
 
Cứ mỗi dịp 27 tháng 7, nội lại chuẩn bị dĩa cau trầu, vài ba quả bưởi vườn nhà cùng những món quà mà các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương tặng cho mẹ liệt sĩ lên bàn thờ, nơi có tấm bằng Tổ quốc ghi công, rồi trò chuyện với chú tôi như thể chú đang ở đâu đó rất gần. Nội kể cho chú tôi nghe những câu chuyện thường ngày, chuyện đàn gà siêng năng đẻ trứng, chuyện cây bưởi ông nội tôi trồng ngày xưa vẫn cho quả ngọt, chuyện cái Hồng, cái Hoa đã khôn lớn và rất xinh rồi cả những lời trách móc, giận hờn trong nước mắt “sao con không nghe lời mẹ, sao con không trở về. Mẹ vẫn biết rằng bất cứ nơi đâu trên dãi đất hình chữ S này đều là quê hương nhưng sao mẹ vẫn khát khao được chạm vào, được nắm giữ dẫu chỉ một lần. Liệu mẹ có thể chờ được bao lâu nữa con ơi…”.
 
Rồi có một ngày tháng bảy trời lất phất mưa, nội tôi từ giã cõi đời để ra đi mãi mãi mang theo bao nhiêu câu chuyện kể luôn bắt đầu bằng cụm từ “ngày xửa, ngày xưa, ngày ấy”… để lại trong tôi cả một trời ký ức và nỗi nhớ thương cứ dày theo năm tháng. Có những lúc nhìn vào gương mặt bố, thấy những nếp nhăn lần lượt xếp hàng, lại xót xa nhớ về những ngày thơ dại cứ lấy tay kéo nếp nhăn trên gương mặt nội để xóa đi dấu vết thời gian. Trong nỗi nhớ lúc gần, lúc xa ấy, tôi lại thấy niềm tự hào lan tỏa, tự hào về truyền thống gia đình, tự hào được làm con của bố - người thanh niên xung phong dạn dày sương gió năm xưa. Niềm tự hào ấy nhắc nhở chị em tôi rằng phải sống sao cho xứng đáng với tình yêu thương của nội và sự chăm sóc, dạy dỗ của đấng sinh thành mới có thể làm chậm đi sự hình thành những nếp nhăn trên gương mặt mẹ, cha.
 
                                                                             Nhật Văn
 
,