.

Khe Ngát... khát đất

.
09:07, Chủ Nhật, 05/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Định canh, định cư tại bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) từ những năm 1990 của thế kỷ trước, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, đồng bào Vân Kiều ở bản vẫn không có đất sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội. Câu chuyện giao đất, giao rừng cho bản Khe Ngát đòi hỏi phải có những động thái quyết liệt từ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Khát đất sản xuất

Hiện tại, toàn bản Khe Ngát có 95 hộ đồng bào Vân Kiều với hơn 300 nhân khẩu, trong đó có 86 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Thu nhập chính của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo hình thức tự cung, tự cấp: chặt, đốt, cốt, trỉa.

Vì thiếu đất sản xuất, đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát tận dụng những khoảng đất nhỏ lẻ để trồng cây lương thực.
Vì thiếu đất sản xuất, đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát tận dụng những khoảng đất nhỏ lẻ để trồng cây lương thực.

Ông Hồ Văn Phần, Bí thư chi bộ bản Khe Ngát cho biết: “Gần 30 năm xây dựng bản làng, Khe Ngát đổi thay rất nhiều. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con đã có điện, đường, trường, sóng điện thoại sử dụng…; đặc biệt làm được nhà ở kiên cố, tuy nhà xây cấp bốn nhỏ hẹp nhưng người dân thực sự an cư.

Trong xu hướng phát triển chung, đồng bào Khe Ngát không thể đứng ngoài, trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ từ cấp trên. Bà con cũng phải chú trọng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát đói nghèo.

Tuy đời sống phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp của bà con bản Khe Ngát hầu như không có. Về lâm nghiệp, khoảng 50 ha đất rừng sản xuất thì trước đây đã giao cho bà con sản xuất. Nhưng từng đó đất, chẳng thấm vào đâu. Đồng bào đang thực sự khát đất”.

Theo số liệu thống kê từ Trưởng bản và Bí thư chi bộ bản Khe Ngát, toàn bản hiện tại có 52 hộ dân hoàn toàn không có đất để sản xuất. Nhiều gia đình lâm vào cảnh đói nghèo vì không có việc làm, không có tư liệu sản xuất.

Hồ Văn Thiết là một trong những hộ “cực nghèo” tại bản Khe Ngát. Thiết vốn trẻ mồ côi, lớn lên nhờ sự cưu mang bà con dân bản. Khi trưởng thành, Thiết lập gia đình, hai vợ chồng trẻ sinh “tù tì” ba đứa con lít nhít gần ngang tuổi nhau. Là hộ gia đình mới “ra riêng” không đất cắm dùi, bản Khe Ngát vận dụng giúp cho mảnh đất sát nách trường học cất lên ngôi nhà sàn nho nhỏ.

Tưởng cuộc sống đói khổ sẽ qua, đùng cái cơn bão số 10 năm 2016 làm hư hỏng nặng ngôi nhà sàn. Không đủ cái ăn hàng ngày lấy chi lợp nhà, vậy là gia đình Thiết cứ sống trong túp lều chắp vá, trống huơ trống hoác.

“Khát đất như lũ con khát sữa mẹ lắm rồi cán bộ ạ! Có đất mà trồng sắn, trồng bắp, trồng rừng, lấy ngắn nuôi dài thì không khổ cực như thế này mãi đâu”, Hồ Văn Thiết thật thà trao đổi với chúng tôi.

 Hồ Văn Thiết chỉ là một trong 52 hộ đồng bào Vân Kiều đang khát đất sản xuất. Bí thư chi bộ bản Hồ Văn Phần chia sẻ thêm: “Mới đây, nghe tin cấp trên có chủ trương bàn giao cho bản gần 21 ha đất, chính xác là 20,78 ha đất lâm nghiệp thu hồi từ Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Đại (MTV LCN Long Đại), bà con ai cũng mừng.

Nhưng mừng ít hơn lo, chừng đó đất liệu đủ cho bà con sản xuất? Cách thức giao như thế nào để an dân, tạo sự đồng thuận trong dân? Bản Khe Ngát xin thêm Nhà nước chừng khoảng 43 ha đất rừng của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại, nhưng sau khi thu hoạch rừng xong họ đã trồng mới”.

Sớm giải quyết công tác giao đất sản xuất cho đồng bào

Đó là tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại thông báo số 2514/VPUBND-TNMT ngày 12-7-2018. Trước đó, ngày 26-9-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2642/QĐ-UBND thu hồi đất của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại bàn giao về cho UBND thị trấn Nông trường Việt Trung quản lý với 20,78 ha.

Tuy nhiên, số diện tích này Công ty TNHH MTV LCN Long Đại đã trồng keo trong các năm 2011, 2012, nên UBND tỉnh cho phép sau khi đến chu kỳ khai thác thì công ty bàn giao lại cho địa phương xét giao đất cho bàn Khe Ngát. Đến tháng 5-2018, số diện tích đất này đã được phía Công ty TNHH MTV LCN Long Đại hoàn tất thủ tục giao về cho UBND thị trấn Nông trường Việt Trung.

Diện tích đất 20,78 ha đã được thu hồi từ Công ty TNHH MTV LCN Long Đại chuẩn bị giao cho bản Khe Ngát.
Diện tích đất 20,78 ha đã được thu hồi từ Công ty TNHH MTV LCN Long Đại chuẩn bị giao cho bản Khe Ngát.

Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung chia sẻ: “Với diện tích 20,78ha kể trên thì địa phương gặp không ít khó khăn trong việc lập phương án giao đất cho 52 hộ dân bản Khe Ngát. UBND thị trấn tiếp tục đề nghị UBND tỉnh thu hồi thêm khoảng 66 ha đất của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại có vị trí, ranh giới tiếp giáp, liền kề diện tích đất đã giao cho địa phương (trong đó có 43ha đất rừng trồng sản xuất).

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích 66 ha trên lại nằm trong phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 8-8-2016”.

“Hiện tại, UBND thị trấn đang lên phương án, rà soát lại cụ thể các hộ gia đình tại bản Khe Ngát cấp thiết cần đất sản xuất để giao trong số diện tích 20,78 ha, cố gắng hoàn thành trước tháng 8-2018 để đồng bào triển khai sản xuất cho kịp mùa vụ”, ông Nguyễn Đức Trường cho biết thêm.

Đống chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân chỉ đạo: “Sau khi hoàn thành xong công tác giao đất trong số diện tích 20,78 ha, nếu huyện Bố Trạch, UBND thị trấn Nông trường Việt Trung không tìm được quỹ đất phù hợp để giao thêm cho đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngát, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên- Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xem xét thu hồi tiếp một phần diện tích trong 43 ha đất rừng sản xuất của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại để giải quyết tiếp nhu cầu đất sản xuất của đồng bào bản Khe Ngát”.

Hương Trà
 

,
  • Triết lý trồng rừng của hai lão nông Vân Kiều

    (QBĐT) - Trong khi nhiều người trồng rừng để bán lấy gỗ làm giàu, hai lão nông người Vân Kiều, Hồ Khay và Hồ Râng, ở bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh lại có cùng một suy nghĩ là muốn giữ lại cho đời sau một cánh rừng tự nhiên.

    27/05/2018
    .
  • Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 3: Cơ chế nào để hạt lúa… thăng hoa

    (QBĐT) - Khi khoán 10 đã bắt đầu "nhả" hết sự tinh túy của nó, trên đồng đất hai huyện đang cần có những cung cách làm ăn mới hơn để thổi thêm sinh khí cho hạt lúa, đáp ứng được đòi hỏi của phát triển trong giai đoạn mới…

    22/05/2018
    .
  • Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 2: Thủy sản và lúa

    (QBĐT) - Trong một ngày cuối tháng tư, chúng tôi đã có chuyến "điền dã" về vùng lúa bên phá Hạc Hải trên địa bàn xã Hồng Thủy (Lệ Thủy). Nắng chan hòa trải dài trên cánh đồng lúa bát ngát và không khó để nhận ra lúa bên này, lúa bên kia tuyến đê bao.

    21/05/2018
    .
  • Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 1: Những dấu ấn chế ngự nước

    (QBĐT) - Lệ Thủy, Quảng Ninh có những cánh đồng lúa bát ngát. Bao đời nay, lúa gạo từ đất này làm trù phú những làng quê mến thương…

    20/05/2018
    .
  • Đến Thạch Hóa, uống cà phê ngắm voọc

    (QBĐT) - Sau 5 năm được cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt, đàn voọc Hà Tĩnh (một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách đỏ) ở xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (Tuyên Hóa) đang sinh sôi một cách kỳ diệu.

    15/04/2018
    .
  • Trẻ mãi với Trường Xuân

    (QBĐT) - Ít ai nghĩ trên vùng đất Trường Xuân năm xưa hoang vu, không đường, không điện, không nhà lại mọc lên một ngôi làng xinh xắn, giữa bốn bề xanh mướt những đồi cao su, chè, hồ tiêu...

    08/07/2018
    .
  • Ngược sóng Tam Lu

    (QBĐT) - Đã từng đọc báo, xem ti vi, nhìn thấy "cát tặc" hoành hành sông Long Đại và cảnh sạt lở bờ sông nghiêm trọng hồi cuối năm 2017, tôi cứ ngần ngại: Dòng sông thanh bình của cách đây 10 năm mình từng đi chắc đã không còn như trước nữa ?

    03/06/2018
    .
  • Tình người "làng tỷ phú"

    (QBĐT) - Làng biển Thanh Hải, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) vốn được coi là làng giàu nhất tỉnh Quảng Bình. Hiện làng chỉ có 1 hộ nghèo. Mọi người thường nói vui là các hộ trong làng bây giờ chỉ còn mỗi việc… đua nhau xây nhà để tiêu cho hết tiền từ nước ngoài gửi về…

    01/04/2018
    .