Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ngược sóng Tam Lu

  • 09:02 | Chủ Nhật, 03/06/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đã từng đọc báo, xem ti vi, nhìn thấy “cát tặc” hoành hành sông Long Đại và cảnh sạt lở bờ sông nghiêm trọng hồi cuối năm 2017, tôi cứ ngần ngại: Dòng sông thanh bình của cách đây 10 năm mình từng đi chắc đã không còn như trước nữa...

Dòng sông yên bình và câu chuyện của người đánh cá

Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”. Thuyền vừa rời bến Long Đại, cả một vùng trời nước mênh mang và khoáng đạt hiện ra. Mới đầu hè nên núi non, sông suối vẫn tràn trề sức sống. Dưới những tán cây râm mát, thuyền chài yên giấc ngủ trưa, trên lưng trâu, những chú cò trắng vô tư hạ cánh.

Dòng Long Đại trong xanh, uốn lượn qua những thác ghềnh, làng mạc.
Dòng Long Đại trong xanh, uốn lượn qua những thác ghềnh, làng mạc.

Người lái đò kể: Trước đây, “cát tặc” chẳng sợ ai, có ngày 5-7 thuyền dàn hàng ngang hút cát. Nhưng giờ chỉ có 1, 2 thuyền lén lút hoạt động vào giữa trưa, trong khoảng 30 phút, khi vắng các thuyền kiểm tra của lực lượng chức năng.

Dòng sông vẫn bên bồi bên lở, nhưng mùa này nước sông dâng cao nên đôi bờ vẫn yên bình, trù phú. Từ trên thuyền, có thể nhìn thấy các “mế” đồng bào Bru Vân Kiều mang gùi lên nương hay lũ trẻ í ới ngụp lặn trên sông.

Từ bến Long Đại, thuyền máy chạy khoảng 1,5 giờ đồng hồ thì đếnThác Hôi, một vùng non nước hữu tình và kỳ vĩ với những tháp núi đá vôi dựng đứng. Dưới những tán cây um tùm sát mép sông là “ngôi nhà thuyền” của đôi vợ chồng người đánh cá. “Ngư phủ” là một trung niên xấp xỉ tuổi 50, nước da rám nắng. Vợ “ngư phủ” kém chồng 5 tuổi, da trắng mịn, cứ như người thành phố mới lên chứ không phải đã hơn 20 năm cùng chồng lênh đênh sông nước.

Chị (Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1974) kể, quê ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy nhưng chị lấy chồng và về định cư ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh. Thôn Phú Ninh có 170 hộ dân nhưng không có đất sản xuất nên người dân trong làng đa phần làm nghề đánh cá, số ít thì đi khai hoang, lang bạt khắp mấy vùng. 20 năm làm mỗi nghề này, vợ chồng chị cũng nuôi đủ 3 mặt con, đứa lớn sắp tốt nghiệp phổ thông trung học.

Sông Long Đại bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đi qua những vùng núi non hiểm trở rồi đổ về đồng bằng, qua nhiều làng mạc của đồng bào Kinh, Vân Kiều ở các xã Trường Xuân, Xuân Ninh và Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh).

Ở ngã ba Trần Xá, dòng Long Đại gặp dòng Kiến Giang, hoà thành sông Nhật Lệ, đổ ra cửa biển Đồng Hới. Hình thế của sông như rồng cuốn, có lúc dũng mãnh, có khi lại nên thơ.

Vì vậy, khám phá sông Long Đại là điều kì thú với khách du lịch, nhất là với những người thích loại hình du lịch sinh thái và mạo hiểm.

Hỏi chị, mỗi ngày làm lưới, kéo rập thu được bao nhiêu tiền, chị chỉ cười, đáp gọn lỏn “đủ ăn”, rồi lảng sang chuyện khác. Hỏi, bán tôm cá cho ai thì nói 3 giờ sáng mang về nhà, đã có thương lái chờ sẵn để mua. Hỏi, mùa mưa lũ thì làm thế nào, lại cười, “thì về đồng bằng, làm thuê, làm mướn, đắp đổi qua ngày”.

Chưa kể hết chuyện, hai vợ chồng đã đon đả mời khách ở lại dùng bữa trưa và đẩy thuyền đi rũ rập (dụng cụ bắt cá). Khi mọi người trở về sau gần một giờ đồng hồ vượt thác Tam Lu thì đã "nhức mũi" vì mùi thơm của tôm càng nướng, của cá sông kho xổi và bát canh cua đá-lá giang ngọt lừ, ăn một lần nhớ mãi.

Chủ tịch Hội nông dân huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân nói: “Khách nước ngoài đến đây họ thích thú lắm, vừa được du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, vừa được thưởng thức những món ăn dân dã và trải nghiệm văn hóa bản địa bằng các hoạt động, như: chèo thuyền, thả lưới, bẻ bắp, hái rau rừng...”

Thác Tam Lu và “gã lái thuyền dũng mãnh”

Thác Tam Lu nằm ở thượng nguồn sông Long Đại, là con thác đẹp nhất trong gần 100 con thác lớn nhỏ trên dòng sông này. Thác cao hơn 20 mét và có độ dài chừng 100 mét, với 3 bậc nước trào lên từ 3 bậc đá lởm chởm và tung bọt trắng xóa. Thác nước nằm giữa khung cảnh nên thơ với một bên là những dãy núi đá vôi hùng vĩ và bên kia là những đồi núi nhấp nhô, um tùm cây trái.Phía dưới đồi cây là bãi cát thoai thoải với rất nhiều đá cuội đủ kích cỡ và màu sắc. Đây thực sự là một bãi tắm lý tưởng cho du khách sau khi vượt thác Tam Lu.

“Gã lái thuyền dũng mãnh” của chúng tôi tên là Nguyễn Thế Tùng, sinh năm 1984, người gốc xã Trường Sơn, phía thượng nguồn dòng Long Đại.Tùng cho biết đã làm nghề chèo thuyền được 13 năm và số lần vượt thác Tam Lu không kể hết. “Lúc đầu cũng hơi sợ, không khéo là thuyền bị va vào đá ngay, nhưng đi riết rồi cũng quen, giờ thì thuộc lòng từng ngọn đá, con nước của cả dòng sông chứ không riêng chi Tam Lu”, Tùng nói. Cái cảm giác được ngồi trên thuyền của một tay lái cừ khôi và thấy mình như đang bay trên những cột sóng trắng xóa giữa núi non hùng vĩ, thác nước ầm ào, thật tuyệt !

Theo Tùng thì hiện tại, chỉ còn hơn 10 người làm nghề chèo thuyền đưa khách trên sông Long Đại. Từ ngày có tuyến đường bộ lên Trường Sơn, số người làm nghề này trên sông Long Đại giảm dần, thu nhập cũng thất thường, chỉ đủ để đắp đổi cuộc sống vốn không lấy gì làm dư dả của họ. Tùng nói, những người đánh cá trên sông và những người làm nghề chèo thuyền như Tùng đều mong có dự án phát triển du lịch để có thể nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Du lịch trên dòng Long Đại, đến bao giờ?

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh Lê Minh Hải cho biết, du thuyền trên sông Long Đại và vượt thác Tam Lu là một trong những tour du lịch mang tính đặc trưng được huyện chủ trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong những năm tới.

Nguyễn Thế Tùng, người lái thuyền trên sông Long Đại.
Nguyễn Thế Tùng, người lái thuyền trên sông Long Đại.

Hiện, UBND huyện đã xây dựng các kế hoạch về quản lý khai thác bến bãi và vận tải trên sông; mở các lớp tập huấn và cấp chứng chỉ cho người dân vận hành tàu, thuyền; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn khai thác cát, sạn trái phép. Chủ trương của huyện là phát triển du lịch bền vững gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn, chất lượng và mến khách.

Về phía tỉnh Quảng Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà thông tin thêm, xây dựng bộ sản phẩm du lịch trên sông là một trong những giải pháp được quan tâm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tỉnh đã đề xuất triển khai việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho tuyến du lịch đường sông Nhật Lệ-Long Đại trong các tiểu dự án của Dự án phát triển bền vững tiểu vùng Mê Kông giai đoạn II tại Quảng Bình. Tuyến du lịch trên sông Nhật Lệ, sông Long Đại kết nối với Khu du lịch núi Thần Đinh là sự tương tác rất hiệu quả trong du lịch.

Với chặng đường dài trên sông, du khách thỏa thích ngắm nhìn phong cảnh, nghe kể chuyện lịch sử bi hùng của dòng sông, đi bộ, leo núi ngắm núi non hùng vĩ và chiêm bái chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh. Du khách cũng có thể trải nghiệm những nét đẹp văn hóa, ẩm thực và các sản phẩm mây tre đan nổi tiếng của đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn. Khi được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch thì chắc chắn sẽ tạo việc làm, giải quyết sinh kế cho nhiều người dân ở các vùng quê còn nhiều khó khăn dọc đôi bờ sông Long Đại.

Trần Hồng Hiếu