.

Tiếng gọi của một vùng đất - Bài 1: Những dấu ấn chế ngự nước

.
09:47, Chủ Nhật, 20/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Lệ Thủy, Quảng Ninh có những cánh đồng lúa bát ngát. Bao đời nay, lúa gạo từ đất này làm trù phú những làng quê mến thương… Nhưng, chưa lúc nào, cây lúa bình yên trước thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc chiến với thiên tai luôn rát bỏng bàn tay người nông dân nơi đây. Ngày nay, cơ chế thị trường lại đang đặt ra những đòi hỏi ngặt nghèo trên chính những luống cày thân thuộc…

Từ xa xưa, khi Quận Công Hoàng Hối Khanh (1362-1407), tri huyện Nha Nghi (tên cũ của huyện Lệ Thủy), đưa 12 dòng họ từ phía bắc vào khai khẩn vùng đất còn hoang vu ven dòng sông với tên gọi xa cũ Bình Giang (Kiến Giang) thì việc trị thủy đã được coi trọng. Bởi trên vùng đất này, ngoài cái màu mỡ của đất đai là sự dồi dào “thái quá” của nước.

Cống Mỹ Trung.
Cống Mỹ Trung.

Thế đất ở đây như một lòng chảo khổng lồ mà nơi thấp nhất có cao trình -0,7 mét so với mực nước biển. Thế lòng chảo này kéo dài từ huyện Lệ Thủy đến nhiều xã của huyện Quảng Ninh, theo lưu vực của dòng Kiến Giang. Mùa lũ kéo dài từ giữa tháng chín đến cuối tháng 11 dương lịch. Nước lũ về dâng cao, ngập cả một vùng bao la rộng lớn như biển. Nhưng có lúc lũ đến không theo quy luật, có năm vào ngay giữa tháng 5 nắng lửa và không ít năm, đến tháng 12 vẫn còn lũ muộn…

Nhưng, mùa khô hạn trên vùng đất này là một hình ảnh trái ngược, những cánh đồng khô nứt nẻ, những con kênh trơ đáy…Nhiều năm trên dòng Kiến Giang nước mặn lên đến vực An Sinh (xã Văn Thủy).

Không chỉ sản xuất khó khăn mà dân tình cũng điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt. Xâm nhập mặn lấn át nhiều diện tích trồng lúa, mỗi mùa ruộng bị xâm nhập mặn, bà con lại phải dày công thau rửa nhiều năm sau đó mới có thể tiếp tục trồng lúa…Bởi thế cuộc chiến để giữ hạt lúa của người dân hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh trải qua nhiều đời nay thật gian lao ở hai “mặt trận” là chống ngập lụt và chống hạn.

Từ xa xưa, trên vùng đất này đã có hệ thống đê điều để phục vụ cho việc canh tác, giành giật hạt lúa với thiên nhiên. Hẳn nhiên là còn rất thô sơ và thiếu tính liên hoàn. Làng tôi ven sông Kiến Giang, nhưng nhà cửa trong làng phần lớn là hướng ra đồng, cái thế sẵn sàng nhào ra giành giật hạt lúa với thiên tai. Cánh đồng làng tôi chằng chịt kênh, đê…Hỏi ra thì chẳng ai còn nhớ làm từ đời nào, chỉ biết là nó được hình thành từ lâu lắm rồi, hàng năm được gia cố, bồi đắp…

Chống lũ…

Nhưng với hai huyện, việc trị thủy ấn tượng và mang tầm “chiến lược” nhất có lẽ là từ sau hòa bình lập lại trên miền Bắc. Mùa hè năm 1961, tỉnh đã triển khai xây dựng tuyến đê Hạc Hải. Một tuyến đê bao với chiều dài hơn 12 km làm lá chắn ngăn xâm nhập mặn, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn cho những cánh đồng rộng lớn của huyện Lệ Thủy.

Ông Hoàng Văn Yết, 82 tuổi ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy, nhớ lại, đấy là những tháng ngày lao động quên mình và vui như hội của thanh niên các làng, xã trong tỉnh trên công trình quai đê Hạc Hải. Sau gần hai tháng thi công, tuyến đê đã hoàn thành.

Trong tuyến đê Hạc Hải, phải nói đến một “chốt chặn” rất quan trọng là đập An Lạc, ngăn dòng Kiến Giang đoạn qua làng An Lạc, xã Lộc Thủy. Con đập này khá “cơ động”, mùa khô nó sẽ hiện diện để ngăn nước mặn từ hạ nguồn thâm nhập lên những cánh đồng huyện Lệ Thủy, nhưng mùa mưa lại phải phá đi cho nước từ thượng nguồn Kiến Giang chảy ra biển.

Những năm sau đó, hệ thống đê bao tiếp tục được mở rộng. Nếu năm 1961 tuyến đê bao chỉ dài hơn 12 km thì sau này vài thập kỷ nó đã kéo dài ngót trăm km, tạo thế phòng thủ cho không chỉ ruộng đồng Lệ Thủy mà cả nhiều xã của huyện Quảng Ninh.

Lúc này đập Mỹ Trung phía cuối của phá Hạc Hải, trên dòng Kiến Giang) được hình thành thay thế đập An Lạc, tạo thế phòng thủ từ xa trong việc vừa ngăn chặn ngập mặn, vừa hình thành nên vùng đệm (là phá Hạc Hải) được ngọt hóa rộng lớn…

Tuy nhiên, việc xây dựng những công trình thủy lợi này diễn ra trong những năm tháng khó khăn nên có lắm khuyết tật. Đó là tuyến đê chủ yếu đắp bằng đất, cao trình hạn chế…Vì vậy, khả năng “phòng thủ” của nó trước sự bất thường của thiên nhiên chưa được như kỳ vọng. Cây lúa nhiều năm phải “thất thủ” trước thiên tai và phần thua thiệt thuộc về nông dân trong vùng.

Phải kể đến năm 2010, hệ thống đê bao ở đây mới thực sự được“hiện đại hóa” khi nhà nước đầu tư hơn 350 tỷ đồng nâng cấp. Dự án Thượng Mỹ Trung, sau ba năm triển khai, đã nâng cấp, cải tạo hệ thống đê bao có độ dài là 82 km trong vùng và hơn một trăm cống tiêu, cống ngăn mặn được làm mới, nâng cấp. Từ đây, tuyến đê bao vùng Thượng Mỹ Trung đã thực sự vững chắc, tạo lá chắn tin cậy cho cây lúa vùng hai huyện.

Và chống hạn

Đấy là việc ngăn mặn, chống lũ sớm, lũ tiểu mãn…Còn việc chống hạn trên những cánh đồng hai huyện lại là câu chuyện khác, thậm chí cam go hơn.

“Cùng thời” với đê Hạc Hải, công trình hồ chứa Cẩm Ly ở vùng đồi núi xã Sơn Thủy cũng được khởi công xây dựng vào năm 1961. Đây là công trình đại thủy nông đầu tiên ở tỉnh ta nhằm cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho các xã vùng bán sơn địa phía tây huyện Lệ Thủy và một số xã vùng nam huyện Quảng Ninh.

Tuyến đê bao trên cánh đồng xã Phong Thủy.
Tuyến đê bao trên cánh đồng xã Phong Thủy.

Tuy nhiên, hồ chứa Cẩm Ly với “sức vóc” hạn chế nên những năm hạn nặng, lượng nước tích trong hồ thấp đã không thể hoàn thành “nhiệm vụ được giao”. Còn những vùng trọng điểm lúa của tỉnh vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo nạn hạn hán. Lệ Thủy chỉ mới một vụ ăn chắc, còn vụ hè- thu lệ thuộc rất lớn vào thời tiết. Nếu năm nào hạn hán thì cây lúa thiếu nước, năng suất thấp, có năm mất trắng trên diện rộng.

Phải nhiều thập kỷ sau, vào cuối thế kỷ 20, một công trình lớn mang tên hồ chứa An Mã trên địa bàn xã Kim Thủy (Lệ Thủy) được khởi công. Đây là công trình có những nét “khác lạ” với nhiều hồ chứa thủy lợi khác.

Với dung tích 64 triệu m3 nước được tích trong mùa mưa, mùa hạn nước trong hồ sẽ thả xuống dòng Kiến Giang để tỏa đi khắp các kênh, mương chằng chịt trên đồng ruộng vùng chiêm trũng huyện Lệ Thủy và một phần huyện Quảng Ninh.

Từ nguồn nước này hệ thống bơm điện sẽ cấp nước lên các cánh đồng. Vâng, chỉ đơn giản vậy mà có thể coi là phép mầu, chấm dứt vụ hè- thu thiếu nước trên diện rộng ở những cánh đồng của Lệ Thủy và cũng không còn tái diễn cảnh dòng Kiến Giang cạn dòng vì nắng hạn.

Mấy năm sau, một hồ chứa lớn khác là hồ Rào Đá (Quảng Ninh) được hình thành để “phủ sóng” cấp nước tưới cho hầu hết diện tích lúa huyện Quảng Ninh, kể cả vùng “tử địa” theo cách gọi xưa nay ở cánh đồng xã Hàm Ninh, Duy Ninh.

Vâng, cây lúa ở hai huyện đã có những “vệ sỹ vĩ đại”. Và trong những năm qua, hạt lúa ở đây đã có vị trí xứng đáng với đồng tiền bỏ ra, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà đã có lượng thóc hàng hóa đáng kể.

Nhưng, khi cuộc sống luôn đòi hỏi những điều lớn lao hơn thì những gì đã có trên đất này vẫn là…chưa đủ.

Văn Hoàng

Bài 2: Thủy sản và lúa





 

,
  • Ngày mới ở Ploang

    (QBĐT) - Những năm qua, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tổ chức, đoàn thể và các chương trình dự án, bản PLoang, xã miền núi biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển các mô hình kinh tế, tạo điều kiện để bà con dân bản định canh, định cư, ổn định cuộc sống.

    29/03/2018
    .
  • Đồng Hới qua góc nhìn du khách

    (QBĐT) - Qua góc máy của Lộc Phạm, một du khách vốn là kỹ sư IT đến từ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Đồng Hới lại có thêm những trải nghiệm đầy thú vị qua một góc nhìn mới.

    27/02/2018
    .
  • Sông Son mùa xuân về

    (QBĐT) - "Chưa cần khám phá những hang động kỳ vĩ ở Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ cần được du ngoạn và thăm thú những làng quê yên bình bên sông Son vào thời điểm này, tôi thấy mình đã không uổng công khi đến đây!", bạn tôi đã nói như vậy sau chuyến du xuân ngắn trên quê hương di sản Phong Nha- Kẻ Bàng, nơi có dòng sông Son thơ mộng chảy qua...

    24/03/2018
    .
  • Đến Thạch Hóa, uống cà phê ngắm voọc

    (QBĐT) - Sau 5 năm được cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt, đàn voọc Hà Tĩnh (một loài linh trưởng quý hiếm có tên trong Sách đỏ) ở xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (Tuyên Hóa) đang sinh sôi một cách kỳ diệu.

    15/04/2018
    .
  • Mẹ Đức

    (QBĐT) - Ngôi nhà nhỏ ấm cúng ở thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn. Trong ngôi nhà ấy có một người mẹ tuổi "xưa nay hiếm", đó là mẹ Hồ Thị Đức, sinh năm 1931, thân mẫu Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương, người Đảo phó đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, đã cùng với đồng đội anh dũng hy sinh trong trận hải chiến không cân sức với kẻ thù dệt nên "vòng tròn bất tử" 30 năm về trước để giữ gìn trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

    14/03/2018
    .
  • Về quê hương hùng binh Hoàng Sa...

    (QBĐT) - Có một Lý Sơn tươi mới, rạng rỡ và thẳm sâu bên trong là khí phách ngàn đời của bao thế hệ người dân nơi đây trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo quê hương.

    09/03/2018
    .
  • Nụ cười trong mắt trẻ vùng cao

    (QBĐT) - Những chuyến công tác lên với đồng bào vùng cao của người làm báo luôn đầy ắp kỷ niệm về tình cảm trân quý mà bà con trao gửi, kỳ vọng. Ấn tượng sâu lắng nhất, đáng nhớ nhất chính là sự hồn nhiên của trẻ nhỏ. Để khi về xuôi nhớ lại vẫn nao nao lòng. Dù còn nghèo khó, thiếu thốn trăm bề nhưng nụ cười, ánh mắt hút hồn của con trẻ vẫn sáng lên, kỳ vọng về một ngày mai tươi sáng.

    07/03/2018
    .
  • Tình người "làng tỷ phú"

    (QBĐT) - Làng biển Thanh Hải, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) vốn được coi là làng giàu nhất tỉnh Quảng Bình. Hiện làng chỉ có 1 hộ nghèo. Mọi người thường nói vui là các hộ trong làng bây giờ chỉ còn mỗi việc… đua nhau xây nhà để tiêu cho hết tiền từ nước ngoài gửi về…

    01/04/2018
    .