.
Chuyện quản lý:

Đôi điều về PAPI

.
10:48, Thứ Năm, 05/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong quá trình hội nhập, cùng với cả nước, Quảng Bình nói riêng đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hiệp định, dự án mà hiệu quả lại được chính người dân chấm điểm và trải nghiệm qua sự khảo sát của những tổ chức trong nước và quốc tế.

Hiện tại, hệ thống hành chính công trên địa bàn tỉnh đã và đang được đánh giá bởi các chỉ số: cải cách hành chính (PAR INDEX), năng lực cạnh tranh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), dân chấm điểm M-Score và chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (ICT INDEX)...

Qua thời gian áp dụng, các chỉ số này đã đánh giá khách quan tính hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính trong việc phục vụ người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua các chỉ số có thể nhận biết được năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...

Sở Công thương tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế.
Sở Công thương tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong các chỉ số nói trên, Quảng Bình rất tự hào vì nhiều năm liên tục luôn nằm trong danh sách những địa phương dẫn đầu toàn quốc về hiệu quả quản trị và hành chính công PAPI. Vậy PAPI là gì?

Chúng ta có thể hiểu như sau: PAPI là sự khảo sát xã hội trên các nội dung chính gồm: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. PAPI thể hiện bằng các chỉ số, đó là: tham gia của người dân ở cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. 

Trên cơ sở những dữ liệu thu thập được từ chỉ số PAPI (tăng giảm qua hàng năm), các cơ quan có thẩm quyền sẽ tham khảo để hoàn thiện hơn các chính sách sắp sửa ban hành để áp dụng trong đời sống.

Và chỉ số PAPI sẽ là sự biểu trưng của việc công khai, minh bạch, thúc đẩy cải cách của hệ thống chính quyền địa phương, đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát chính sách.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chỉ số vẫn còn đó những tồn tại cần phải khắc phục, như: một số cán bộ còn có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; có đơn vị, địa phương chưa chủ động, thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, điều hành để nâng cao chỉ số...

Có thể nói, để đánh giá chính quyền địa phương thực thi các chính sách có thành công hay không liên quan đến rất nhiều yếu tố, nhưng có lẽ sự hài lòng của người dân là điều kiện quan trọng nhất.

Do vậy, việc tiếp tục nâng cao các chỉ số, trong đó có PAPI là giải pháp hữu hiệu để các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh ngày càng hội nhập hơn vào xu thế phát triển chung ngày nay.

Minh Văn
 

,