"Về với quê hương Đại tướng"

  • 08:05 | Thứ Bảy, 09/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi biết Hoàng Đại Hữu đã từ lâu. Mãi đến năm 2020, được ở cùng phòng khi dự trại viết Công an tỉnh, tôi mới có dịp tìm hiểu về cuộc đời và thơ văn của con người đồng đất xứ Lệ này.  
 
Trại viết Công an tỉnh tổ chức tại khách sạn Nhật Lệ, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Trại có 15 trại viên gồm 3 chuyên ngành: Văn học, nhiếp ảnh và âm nhạc. Phần lớn văn nghệ sĩ ở gần nhà nên chỉ có 4 anh em thường xuyên ăn cơm tại trại. Hai nhà văn Hữu Phương và Nguyễn Thế Tường ở TP. Đồng Hới nhưng vẫn bám trụ để viết. Hữu Phương viết tiểu thuyết, còn Nguyễn Thế Tường viết truyện ngắn và tản văn.
 
Hoàng Đại Hữu cho hay, anh mới đi thực tế, lấy số liệu ở Công an huyện Lệ Thủy về. Anh cặm cụi viết bài Những chiến công thầm lặng. Đó là một bài in trong tập bút ký Về với quê hương Đại tướng do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành cuối năm 2023. Tập bút ký có 20 bài. Tất cả đều viết về con người, đồng đất xứ Lệ. Nơi sinh ra vị tướng huyền thoại, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Mở đầu tập ký là bài Một thời để thương để nhớ như một tùy bút, một tản văn, những hồi ức miên man chảy qua cuộc đời anh. Quê anh ở xã Liên Thủy, bên dòng Kiến Giang thơ mộng: “Một ngọn gió mong manh qua sóng lúa mơn man non tơ, hương đồng ngan ngát, cho một mai mùa vàng đầy hạt. Chiều về đôi cánh diều trẻ no gió nâng lên cao bao mơ ước tuổi thơ, hương bưởi quanh vườn đơm hoa trắng muốt giữ chút hương vị dịu dàng trên làn tóc gái quê”. Năm 2000, tôi có dịp về coi thi ở trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện nhưng chỉ có 2 đêm ngủ lại tại thôn Uẩn Áo, xã Liên Thủy nên không có dịp đi thăm cánh đồng làng. Đọc ký của anh mới biết ngoài cây lúa, xã còn có thêm nghề làm nón.
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Về với quê hương Đại tướng".

 

Lệ Thủy có “Gió Đại Phong”, giờ như được đi theo anh đến thăm Lệ Thủy gió Thượng Phong. “Từ năm 2003 đến 2014, năm nào Thượng Phong cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 5 bằng khen và cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Quảng Bình, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì”. Đúng là Lệ Thủy, nơi nào cũng có "gió". Trở lại Tân Thủy nơi chi bộ đầu tiên phía Nam tỉnh Quảng Bình, được thành lập năm 1931.

Tân Thủy là xã đầu tiên của huyện Lệ Thủy được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Toàn xã có 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thượng tá Nguyễn Xuân Giang là Anh hùng lực lượng vũ trang thời chống Mỹ. Từ một xã nghèo, ngày nay Tân Thủy đã đổi thịt thay da. “Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng, là một trong những xã có thu nhập cao của huyện Lệ Thủy, tỷ lệ nghèo còn 1,7%, là một trong những xã xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Anh dắt tôi Trở lại Sào Nam. Làng Sào Nam, xã Cam Thủy là quê mẹ của Hoàng Đại Hữu. Chỉ trong 3 năm, giặc Pháp giết hại hơn 2.000 đồng bào, đồng chí. Với thành tích chiến đấu, quân dân Sào Nam đã được Trung ương Đảng tặng thưởng Cờ búa liềm. Nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác bài Hoan hô cái làng Sào Nam: “Hoan hô cái làng Sào Nam/Vang danh cái làng Sào Nam/Có anh dân quân ngang tàng/Cướp súng giết quân tham tàn/…/Tài tình thay anh du kích/Xứng danh làng Sào Nam”.
 
Di tích mộ và nhà thờ Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Xã anh hùng có liệt sĩ Lê Đức Mục được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Điều đáng nói là Cam Thủy đã phá vỡ thế độc canh cây lúa, xây dựng 5 hợp tác xã dịch vụ và 10 công ty TNHH. Nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát.
 
Ấn tượng nhất là bài ký Hạc Hải mùa trăng lên. Tôi được biết, năm 1970, Trường sư phạm Quảng Bình chuyển về xã Hồng Thủy để vừa đào tạo giáo viên vừa trồng cói. Thầy Lê Lợi, một giáo viên Vật lý chèo đò chở ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy cùng Ban Giám hiệu ra giữa phá Hạc Hải để khảo sát. Thấy mực nước sâu quá nên sau đó trồng lúa “Nước hai”. Ngày nay, “ven phá có thể coi là vựa lúa, vựa cá là nguồn cung cấp cá chưng, cá chẻ, cá chép, cá buôi, lươn, lạch, tôm đất, tôm cọng, tép riu, ốc bươu, hến, trai, cua, rạm cùng nhiều loại thực vật động vật khác”.
 
Và vui nhất là mùa trăng, người người đua nhau chèo đò ra phá Hạc Hải để vớt rạm. Rạm có thể xúc cả sảo, cả rổ, có đêm được cả tạ là chuyện bình thường. Mẹ của Hoàng Đại Hữu sở hữu một chất giọng hò khoan thiết tha, ấm áp: “Khoan khoan… xin mời xố con/Trăng sáng được rọng su/Trăng lu được rọng cạn/Rạm trồi thì lụt/Rạm trụt thì mưa/Ơi là hố…/Mần rọng tháng năm/Trăng rằm tháng tám/Mần rọng tháng tám/Coi rạm tháng tư/Ơi là hố…”.
 
Cứ thế, theo nhịp chèo, những câu hò đối đáp vang lên trên mặt sóng. Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng con gái Võ Hồng Anh đã có lần du ngoạn bằng thuyền trên phá với ý tưởng biến mặt nước mênh mông thành nơi phát triển kinh tế nông nghiệp vừa làm điểm du lịch nằm trong tour du lịch Quảng Bình.
 
Những dòng ký sự đầy ắp sự kiện, chi tiết nào anh chọn lọc cũng đắt giá, đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mỗi mảnh đất con người nơi đây như có phép lạ. Từ buổi ban đầu nghèo khó đã vươn lên trù phú, đầy triển vọng. Anh viết các gương sáng điển hình của quê hương Lệ Thủy, có xã đến 2, 3 bài. Anh rất tự hào vì được lớn lên trên quê hương Đại tướng. Viết  bút ký Về với quê hương Đại tướng, anh nhắc lại câu ca dao của người dân xứ Lệ: “Lệ Thủy gạo trắng nước trong/Ai về Lệ Thủy thong dong con người”.
 
Khi xuất bản tập sách, anh tâm sự: “Một đời người là một rừng cây với bao kỷ niệm tuổi học trò, bạn bè, đồng chí, đồng đội nghĩa tình thủy chung, keo sơn đi cùng năm tháng cuộc đời tôi”.
Hoàng Minh Đức

tin liên quan