.

Minh Hóa: Lợi ích từ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng

.
07:53, Thứ Hai, 06/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã thực hiện có hiệu quả chính sách giao rừng, khoán bảo vệ rừng (BVR) theo Nghị quyết 30a của Chính phủ cho hộ gia đình và các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn. Nhờ vậy, đã góp phần giảm thiểu việc xâm hại đến rừng và tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Cộng đồng giữ rừng

Trước đây xã Trọng Hóa (Minh Hóa) là một trong những điểm nóng của nạn phá rừng và trọng điểm cháy rừng vào mùa khô. Thế nhưng, những năm gần đây, tình trạng này đã giảm hẳn nhờ người dân và các làng bản ở đây đã tham gia nhận khoán, chăm sóc và BVR cho Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, trên địa bàn xã hiện có 9/18 bản tham gia nhận khoán BVR theo Nghị quyết 30a (những bản còn lại cũng nhận khoán BVR với dự án Phong Nha - Kẻ Bàng) với diện tích trên trên 3.300ha.

Nhiều bản ở xã Trọng Hóa, sau khi nhận khoán BVR, người dân đã rất có ý thức, cộng đồng bảo vệ nên diện tích rừng ở đây phát triển rất tốt, nhiều năm không bị chặt phá và xảy ra cháy rừng như bản Cha Cáp, Tà Vờng, Si…

Năm 2017, 47 hộ dân ở bản Cha Cáp được nhận số tiền 90 triệu đồng để chăm sóc, bảo vệ 300ha rừng trên địa bàn. Ông Hồ Xon, Trưởng bản Cha Cáp cho biết, số tiền đó sẽ để lại một phần nhỏ phục vụ nước uống cho tổ tuần tra BVR của bản, còn lại thì chia đều cho tất cả các hộ dân trong bản.

“Quan điểm của bản miềng là số tiền đó phải chia đều cho tất cả bà con trong bản để ai cũng có trách nhiệm chăm sóc và BVR. Nếu có người mô đó còn đi phá rừng thì lúc đó miềng mới nói được, đã nhận tiền người ta rồi mà, không phá được mô…”, ông Xon chia sẻ.

Một khu rừng phòng hộ ở bản Cha Cáp được người dân và cộng đồng ở đây nhận khoán, bảo vệ tốt.
Một khu rừng phòng hộ ở bản Cha Cáp được người dân và cộng đồng ở đây nhận khoán, bảo vệ tốt.

Theo ông Hồ Xon, điều quan trọng hơn từ khi được tham gia nhận khoán BVR, người dân bản Cha Cáp được thường xuyên tham gia các buổi tập huấn và tuyên truyền về BVR do Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Hóa tổ chức, từ đó ý thức BVR của họ không ngừng được nâng cao.

“Giữ tốt cái rừng thì con cháu miềng mới có cơ hội được nhìn thấy những cây rừng to. Trong rừng mà không có những cây to như rứa thì mưa lũ sẽ về rất lớn, sẽ cuốn trôi bản làng, nhà cửa và nhiều thứ khác”, ông Xon chia sẻ thêm.  

Cũng theo ông Hồ Xon, sau khi nhận khoán BVR với Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa, việc chăm sóc và BVR ở đây được thực hiện thường xuyên và rất nề nếp. Bản Cha Cáp đã thành lập một đội tuần tra BVR gồm các thành viên lấy từ tất cả các hộ gia đình trong bản.

Đội tuần tra BVR của bản chia thành nhiều tổ nhỏ để tiện cho việc luân phiên nhau tuần tra BVR, thường xuyên kiểm tra đối với phần diện tích rừng đã nhận giao khoán để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp xâm hại đến rừng.

Ngoài ra, hàng tháng, bản còn cử các tổ phối hợp với cán bộ kiểm lâm của huyện và Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra khác, nhờ đó diện tích rừng mà bản Cha Cáp đã được nhận giao khoán nhiều năm qua không bị xâm hại, bị cháy hay bị lấn chiếm đất rừng làm rẫy…

Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ

Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết, thực hiện việc giao khoán BVR theo Nghị quyết 30a, Hạt Kiểm lâm Minh Hóa và Ban quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa được UBND huyện Minh Hóa giao làm chủ dự án. Toàn huyện đã thực hiện giao khoán, BVR trên 35.000ha với số tiền chi trả nhận khoán BVR mỗi năm trên 10,5 tỷ đồng.

Theo ông Luật, việc giao khoán cho cộng đồng các thôn, bản và người dân tham gia quản lý, BVR không những giúp giảm thiểu việc rừng bị xâm hại, được bảo vệ tốt hơn mà người dân còn có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Thời gian qua, công tác quản lý, BVR trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có những chuyển biến tích cực, diện tích rừng được phục hồi tốt hơn, nâng độ che phủ của rừng đạt trên 75%.

“Người dân nhận giao khoán không phá rừng đã là một thành công rồi; thêm một thành công nữa là họ trở thành tai mắt cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để rừng được bảo vệ từ xa”, ông Luật nói.

Từ khi tham gia nhận khoán BVR cùng với cộng đồng bản Cha Cáp (xã Trọng Hóa), gia đình ông Hồ Ka đã có thêm nguồn thu nhập, lửa trong nhà lúc nào cũng đỏ, cái bụng lúc nào cũng no. Ông bảo, bây giờ không còn đói cơm, thiếu áo như lúc trước nữa nhờ có tiền nhận khoán BVR và được thu thêm nhiều sản phẩm phụ từ rừng như mật ong, đót, nấm, măng, cây dược liệu...

“Bà con dân tộc Khùa, Mày ở bản miềng và nhiều bản khác ở 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa xưa nay sống nhờ rừng nhưng việc thu hái lâm sản phụ không theo kế hoạch hay phương pháp nào hợp lý. Từ khi có dự án khoán chăm sóc, BVR theo Nghị quyết 30a, bà con đã biết tận thu lâm sản phụ theo trình tự khoảnh, lô rừng của từng gia đình quản lý, chăm sóc, bảo vệ nên thu nhập có khá hơn”, ông Hồ Ka chia sẻ.

Phan Phương

 

,