.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại

.
08:28, Thứ Tư, 27/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do biến động giá cả thị trường, ngành chăn nuôi tỉnh ta vẫn tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghiệp, bán công nghiệp và liên kết bền vững, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 5-2018, tổng đàn gia súc toàn tỉnh đạt khoảng 449.400 con, trong đó đàn trâu trên 36.300 con, đàn bò trên 103.800 con, đàn lợn 309.300 con; tổng đàn gia cầm 3,3 triệu con.

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy) với quy mô 1.200 con/lứa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy) với quy mô 1.200 con/lứa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Toàn tỉnh cũng có 210 trang trại chăn nuôi, trong đó có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên 1.000 lợn thịt,120-150 lợn nái ngoại sinh sản; nhiều trang trại nuôi trên 30 con bò lai Zêbu. Cùng với đó, diện tích trồng cỏ nuôi bò ngày càng tăng, hiện toàn tỉnh có gần 700ha cỏ, tập trung chủ yếu tại các huyện Tuyên Hóa 445ha, Lệ Thủy 158ha, Minh Hóa 21ha và TX.Ba Đồn 60ha… Giá trị chăn nuôi hàng năm đạt gần 2.000 tỷ đồng, chiếm hơn 45% tỷ trọng trong nông nghiệp, riêng năm 2017 chiếm 48,5% trong cơ cấu nông nghiệp.

Theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, công nghiệp và bán công nghiệp là chủ trương lớn của tỉnh nhằm nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp.

Với mục tiêu đó, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tỉnh ta cũng đã tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp triển khai đầu tư chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, như: dự án chăn nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình với quy mô 29.000 con; dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Quảng Bình Milk với quy mô 10.000 con; dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình với quy mô ban đầu 2.400 nái sinh sản...

Không chỉ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình chăn nuôi hiện đại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, một số chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã hình thành các hoạt động liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp, trang trại với trang trại, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác... để tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh hiện có gần 260 tổ hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thức ăn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung của anh Nguyễn Văn Trung ở xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy) đã bước đầu hoạt động ổn định và bền vững. Với quy mô chuồng nuôi 1.200 con/lứa, mỗi năm nuôi 2-3 lứa, anh Nguyễn Văn Trung thu lãi trên 1,3 tỷ đồng/năm. Hiện tại, anh đang xây dựng thêm khu giết mổ để khép kín quy trình chuỗi sản xuất thịt lợn từ chuồng nuôi - giết mổ - sản phẩm thịt lợn nhằm cung cấp sản phẩm thịt an toàn, có thương hiệu cho người tiêu dùng.

Còn ông Trần Đình Châng ở thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch) thì lại ký hợp đồng liên kết chăn nuôi với Công ty CP Việt Nam. Theo đó, Công ty CP Việt Nam đầu tư 100% giống lợn đạt tiêu chuẩn, toàn bộ thức ăn, vắc-xin tiêm phòng và thu mua toàn bộ số lợn nuôi.

Với hình thức liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ, chủ trang trại nhận khoán và được hỗ trợ quá trình sản xuất chăn nuôi. Ông Châng cho biết, hiện trang trại nuôi 1.000 con lợn/lứa, mỗi năm hai lứa xuất chuồng, gia đình thu lãi gần 700 triệu đồng.

Ngoài ông Châng, một số chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch, như: ông Trần Văn Phương ở xã Trung Trạch, ông Nguyễn Quốc Dũng ở xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch)… cũng đã hợp đồng liên kết với Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam nuôi lợn công nghệ cao với quy mô từ 1.000-2.000 con/lứa/trang trại, thu lãi mỗi năm từ 500-800 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển chăn nuôi trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Khoa, nguyên nhân là do đa số trang trại quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu đầu tư, chưa tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn; trình độ quản lý, chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường của chủ trang trại còn hạn chế; nhu cầu nguồn vốn lớn nhưng khó tiếp cận vốn vay tín dụng; giá sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, chi phí đầu vào tăng cao; sản phẩm chăn nuôi được mua qua các thương lái dẫn đến thu nhập, giá trị gia tăng chưa cao.

Mặt khác, vấn đề xử lý triệt để môi trường chăn nuôi chưa có biện pháp thật sự hữu hiệu; liên kết sản xuất trang trại với trang trại, trang trại với doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm chưa có cơ chế rõ ràng và ổn định; việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chất lượng sản phẩm thiếu chặt chẽ đã ảnh hưởng đến sản phẩm của trang trại...

Để chăn nuôi theo hướng trang trại phát triển một cách bền vững, các chủ trang trại vẫn rất cần những định hướng, chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền và các cơ quan quản lý.

Phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại tại phường Bắc Nghĩa (TP.Đồng Hới).
Phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại tại phường Bắc Nghĩa (TP.Đồng Hới).

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng bền vững và đưa chăn nuôi chiếm 50% tổng giá trị của ngành nông nghiệp vào năm 2020, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh thời gian tới là tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chăn nuôi, đặc biệt không để phát triển chăn nuôi tràn lan.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.Thực tế, những năm qua, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các trang trại, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi.

Đây là động lực giúp nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất hàng hóa theo hướng chất lượng và giá trị. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách về tài chính, tín dụng, đất đai hỗ trợ các trang trại theo Quyết định số 3119-QĐ-UBND ngày 5-9-2017 về phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017-2022”, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi theo Quyết định số 32/2008/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình đến năm 2020”.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển trang trại, như: huyện Lệ Thủy hỗ trợ các trang trại có quy mô lớn, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương từ 10-15 triệu đồng/trang trại; huyện Quảng Ninh hỗ trợ 10 triệu đồng cho hộ nuôi từ 10 con bò lai và trồng từ 0,5ha cỏ trở lên; huyện Bố Trạch hỗ trợ 20 triệu đồng/trang trại chăn nuôi lợn đạt quy mô từ 50 con nái ngoại sinh sản trở lên, 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi bò đạt quy mô từ 100 con bò lai trở lên...

Ngọc Lan
 

,