.

Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về hàng Việt Nam

.
10:08, Thứ Ba, 26/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần thay đổi nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động.

Hiện nay, trên thị trường các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là người tiêu dùng ở vùng nông thôn. Kết quả điều tra cho thấy sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn tăng cao, tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân.

Qua khảo sát thị trường nội địa, các chợ, siêu thị, quầy bách hoá tổng hợp, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh, như: siêu thị Diến Hồng (huyện Minh Hoá), siêu thị Thái Hậu (thị xã Ba Đồn), siêu thị Co.opmart (TP. Đồng Hới), chợ Ba Đồn, chợ Đồng Hới…, nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt ngày càng cao, chiếm trên 80% và trở thành kênh hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng mua bán, sinh hoạt của mỗi gia đình.

Là người thường xuyên mua sắm ở chợ Ba Đồn, chị Trần Thị Phương (phường Quảng Thọ, TX.Ba Đồn) cho biết, các mặt hàng gia dụng hay nội thất của gia đình chị đa phần đều là hàng Việt được mua ở chợ Ba Đồn.

Các mặt hàng Việt được nhiều du khách chọn mua tại Trạm dừng nghỉ Việt Dung (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).
Các mặt hàng Việt được nhiều du khách chọn mua tại Trạm dừng nghỉ Việt Dung (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).

Lý do chị Phương nêu ra là vì gia đình chị làm nông, thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, việc mua hàng ngoại không phù hợp bởi giá quá cao, hàng giá thấp thì chất lượng không bảo đảm. Hàng Việt hiện nay rất phong phú về mẫu mã, chất lượng tốt và giá cả hợp lý, nên chị đã tin tưởng lựa chọn.

Có thể thấy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan toả đến mọi người dân, các doanh nghiệpvà toàn xã hội. Các hoạt động xúc tiến thương mại hướng về thị trường nội địa khá sôi động, 6 tháng đầu năm 2018, Sở Công thương đã tiếp nhận và theo dõi thông báo thực hiện khuyến mại của 1.880 doanh nghiệp với tổng giá trị hàng hoá thực hiện khuyến mại là 3.998 tỷ đồng.

Để có được kết quả trên, Sở Công thương đã rất tích cực trong việc hướng dẫn, tuyên truyền vận động doanh nghiệp chú trọng đưa hàng Việt có thương hiệu, chất lượng cao, bảo đảm giá cả hợp lý với người tiêu dùng vào các siêu thị, đại lý và các chợ truyền thống.

Sở cũng tổ chức, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm ưu tiên, khuyến khích giới thiệu, quảng bá các mặt hàng Việt có chất lượng để thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng. Việc tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi được chú trọng, thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, siêu thị Co.opmart đã tổ chức được 6 chuyến hàng Việt về các địa bàn: TX. Ba Đồn, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thuỷ; kế hoạch 6 tháng cuối năm sẽ thực hiện thêm 6-8 chuyến hàng để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa. Tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn của siêu thị Co.opmart tại huyện Quảng Ninh, chị Lê Thị Hiền (xã Xuân Ninh) cho biết: “Tôi thấy các mặt hàng tại đây khá phong phú, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt chất lượng tốt và mẫu mã ngày càng được cải thiện, đẹp mắt”.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, thời gian qua, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước, ổn định thị trường và giá cả hàng hoá.

Trong đó, lực lượng quản lý thị trường là nòng cốt trong giám sát việc thực hiện bán hàng khuyến mại trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng để tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả kém chất lượng, vi phạm sở hữu công nghiệp; kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết…

Lực lượng chức năng cũng đã lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn hàng sản xuất trong nước có chất lượng, phương pháp nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhằm thực hiện tốt cuộc vận động, ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nội dung của cuộc vận động; vận động mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đoàn thể từng bước xây dựng ý thức và văn hoá tiêu dùng hàng Việt trong mua sắm công cũng như tiêu dùng cá nhân; vận động các doanh nghiệp triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm… trong các dịp lễ, tết để giúp người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp, hàng hoá Việt; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Lê Mai
 

,