.

"Sống sao để không là gánh nặng"

.
11:06, Chủ Nhật, 01/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là lời tâm sự tận đáy lòng của cô gái khuyết tật Võ Thị Lệ Hằng (SN 1987, thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch) khi trò chuyện với chúng tôi. Số phận nghiệt ngã không mỉm cười với cô gái nhỏ ấy khi cô không may bị bệnh bại não, tứ chi co rút, teo tóp dần. Cứ tưởng tất cả đã khép lại trong tuyệt vọng nhưng chính tình yêu với người mẹ tảo tần và nghị lực lớn lao đã giúp cô vượt lên hoàn cảnh, tìm thấy nguồn động lực vui sống trong công việc làm tranh đính đá.
 Với một người khuyết tật, không có khả năng cầm nắm mọi thứ bình thường như Võ Thị Lệ Hằng, để làm một bức tranh đính đá là cả một sự nỗ lực không thể diễn tả bằng lời.
Với một người khuyết tật, không có khả năng cầm nắm mọi thứ bình thường như Võ Thị Lệ Hằng, để làm một bức tranh đính đá là cả một sự nỗ lực không thể diễn tả bằng lời.
Chiều tháng sáu, nắng vàng trải khắp con đường đến tổ dân phố Truyền Thống, thị trấn Nông trường Việt Trung, trong ngôi nhà tuềnh toàng, chật hẹp, nóng bức nằm cách biệt trên một ngọn đồi, Võ Thị Lệ Hằng đang miệt mài dùng đôi chân yếu ớt của mình cẩn thận đính từng viên đá li ti vào bức tranh cỡ lớn choán cả chiếc giường cô đang ngồi. Hằng bảo, bức tranh này là do một người đặt làm nên phải cố gắng hoàn thành để giao đúng hẹn cho khách. Và chúng tôi hiểu, đằng sau hai chữ “cố gắng” của cô gái khuyết tật ấy là những nỗ lực gấp bội lần người bình thường. Có tận mắt chứng kiến công việc của Hằng, nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt khắc khổ của cô mới hiểu được phần nào sự kiên trì, chịu khó và niềm đam mê với việc đính tranh của cô gái đầy nghị lực ấy.
 
Ngày sinh Hằng, đứa con đầu lòng được gửi trọn bao niềm yêu thương, kỳ vọng của đôi vợ chồng nghèo, chị Bùi Thị Thu Hà không thể ngờ rằng đứa con gái bỏng ấy vốn đã mang trong mình căn bệnh bại não. Khi Hằng được 8 tháng tuổi, thấy tay chân con gái không thể cử động như bao đứa trẻ bình thường khác, vợ chồng chị đưa con đi khám thì xót xa biết Hằng bị bệnh bại não. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo nên họ đành bất lực nhìn con sống chung với bệnh tật. Cứ thế Hằng lớn lên cùng những ngón tay, ngón chân co quắp, hai chân cũng teo dần khiến việc đi lại rất khó nhọc. Lâu dần, đôi tay cô mất khả năng cầm nắm mọi vật, hai chân thì không đi đứng được nữa mà chỉ có thể bò lết để di chuyển. Mãi đến năm 15 tuổi, sau những nỗ lực hết mình cô mới chập chững bước những bước đầu tiên, xiêu vẹo, chếnh choáng. Không thể đi lại, cầm nắm bình thường, mọi sinh hoạt của Hằng đều phải dựa vào bố mẹ. Chuyện học hành cũng trở thành ước mơ xa xôi của cô gái tội nghiệp ấy.
 
Những tưởng hoàn cảnh nghiệt ngã sẽ “đánh gục” cô gái tật nguyền đáng thương, nhưng như hoa xương rồng trên sa mạc, Hằng luôn thiết tha sống một cuộc sống hữu ích, trọn vẹn ý nghĩa. Niềm mong muốn thiết tha đó đã tiếp thêm cho cô nghị lực vượt lên số phận. Ngày bé, không được đến trường học chữ như các bạn cùng trang lứa, Hằng phải “học lỏm” từ các em. Cứ hễ hai đứa em ngồi học là Hằng ngồi bên cạnh học theo. “Chẳng ai ngờ con bé lại sáng ý, học nhanh như rứa. Khi các em đọc thông viết thạo cũng là lúc Hằng biết hết mặt chữ và đọc được sách, báo”, chị Hà chia sẻ.
Một trong những bức tranh đính đá Hằng đã làm bằng đôi chân yếu ớt, tật nguyền của mình.
Một trong những bức tranh đính đá Hằng đã làm bằng đôi chân yếu ớt, tật nguyền của mình.
Bất chấp hoàn cảnh, đóa xương rồng ấy vẫn vươn lên trong nắng gió khắc nghiệt với một tâm nguyện bỏng cháy “sống sao để không là gánh nặng”. Hằng bảo, điều làm cô thấy buồn nhất chính là không thể tự mình làm những công việc đơn giản như vệ sinh cá nhân mà tất cả mọi chuyện đều một tay mẹ cô lo. Nhìn mẹ tất bật với biết bao việc nhiều khi không có thời gian nghỉ ngơi Hằng xót xa lắm. Chính vì vậy, Hằng muốn học làm một việc gì đó để kiếm tiền phụ gia đình hoặc ít ra là tự lo cho bản thân mình. Thương mẹ, cô càng có thêm nghị lực, quyết tâm thực hiện mong muốn ấp ủ ấy. Năm 2016, theo giới thiệu của một số người, Hằng xin mẹ cho đi học nghề mây tre đan. Nhưng vì phải học xa nhà, không có ai đỡ đần mọi sinh hoạt nên ý định ấy không thể thực hiện được. Không nản chí, Hằng lên mạng tìm hiểu thêm nhiều nghề khác. Tình cờ, năm 2017, trong một lần lên facebook, Hằng thấy có chỗ bán tranh đính đá. Thế là cô nảy ra ý định mua về tập làm thử. Nghĩ là làm cô nói với mẹ cho mình mua tranh về thử tập làm. “Ban đầu vợ chồng tôi cũng ái ngại lắm, nghĩ là con mình như thế răng mà làm được. Nhưng vì thương con, chúng tôi cũng chiều lòng cháu. Rứa mà nó lại làm được thiệt. Nó vui một, vợ chồng tôi vui mười”, chị Hà rơm rớm nước mắt.
 
Quả thực, đối với một người bình thường công việc làm tranh đính đá vốn phải cần đến sự tỉ mỉ, kiên trì và một chút khéo tay. Với một người khuyết tật, không có khả năng cầm nắm mọi thứ bình thường như Hằng là cả một sự nỗ lực không thể diễn tả bằng lời, bởi cô phải làm bằng chân, đôi bàn chân yếu ớt, tật nguyền. Nhiều lúc, do ngồi lâu nên người co cứng lại không thể cử động được, nhức nhối, đau đớn, nhưng cô vẫn kiên trì thực hiện, không từ bỏ. Phải mất gần 2 tháng, Hằng mới làm xong bức tranh đầu tiên. Và may mắn là ngay khi Hằng đăng bức tranh lên Facebook liền có người đặt mua. Cầm những đồng tiền làm ra lần đầu tiên trong đời Hằng đã mất ngủ suốt đêm ấy. Với cô, đó không chỉ là kết quả của bao nhiêu nỗ lực, quyết tâm mà còn là “nguồn sáng” trên con đường vốn mờ mịt, tối tăm để từ đây cô có thêm nguồn động lực vui sống.
 
Sau bức tranh đầu tiên, Hằng mạnh dạn “vay” tiền mẹ mua thêm tranh về làm. Đính xong bức nào Hằng đăng lên Facebook để bán. Cảm phục nghị lực vươn lên của cô gái tật nguyền nhiều người đã đặt mua. “Số tiền từ bán tranh tuy không phải là nhiều nhưng đã giúp em trang trải, phục vụ nhu cầu cá nhân, không phải xin ba mẹ. Nhiều khi em cũng phụ mẹ được một số khoản chi tiêu trong nhà. Biết em làm tranh đính đá bán, nhiều người đã giới thiệu khách mua giúp. Giờ em chỉ mong sao sức khỏe ổn định để có sức làm tranh kiếm tiền phụ mẹ sửa lại nhà chứ nhà em về mùa mưa dột tứ bề, khổ lắm chị ạ”, đôi mắt nhìn xa xăm, Hằng ước.
 Mong ước của Hằng là sức khỏe ổn định để có sức làm tranh kiếm tiền phụ mẹ sửa lại ngôi nhà dột nát, ẩm thấp.
Mong ước của Hằng là sức khỏe ổn định để có sức làm tranh kiếm tiền phụ mẹ sửa lại ngôi nhà dột nát, ẩm thấp.
Chia tay cô gái tật nguyền giàu nghị lực ấy, nụ cười méo mó nhưng rạng rỡ đến lạ lùng của cô cứ in mãi trong tâm trí chúng tôi. Và chúng tôi hiểu, dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng cô sẽ vượt qua được bằng nghị lực và niềm tin bỏng cháy để sống trọn vẹn với những gì cô khao khát, ấp ủ...
                                                                                                                                                                                                                                     Tâm An
,