.
"Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội":

Bố Trạch: Tập trung nguồn lực để giảm nghèo bền vững

.
08:33, Thứ Năm, 31/05/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong năm qua, huyện Bố Trạch đã thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm thông qua việc triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây còn là kết quả quan trọng để huyện tiếp tục triển khai chiến lược giảm nghèo trong những năm tiếp theo.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo huyện, trong năm 2017, để thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cùng với sự quyết tâm và đầu tư tích cực, huyện Bố Trạch đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
 
Trước hết, huyện đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phát triển sản xuất, tăng thu nhập giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; giao chỉ tiêu cụ thể giảm nghèo cho các xã, thị trấn; đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội và giảm nghèo của các xã nghèo. Trong đó, huyện tập trung vào 9 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 11%; xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2017 tại 9 xã này. Đồng thời, huyện ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua ‘‘Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau’’ giai đoạn 2017-2020…
 
Trên cơ sở đó, Bố Trạch tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng và triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, nhóm các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập được địa phương quan tâm thực hiện. Đặc biệt, huyện tích cực triển khai chương trình “Chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” và trở thành một điểm sáng trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo của cả tỉnh.
 Bố Trạch tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Bố Trạch tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 2,3%, đưa số hộ nghèo toàn huyện đầu năm 2017 từ 4.686 hộ (chiếm tỷ lệ 9,85%) xuống còn 3.650 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 7,55%) cuối năm 2017. Hộ cận nghèo giảm 1,06%, đưa số hộ cận nghèo đầu năm 2017 từ 4.195 hộ (chiếm tỷ lệ 8,82%) xuống còn 3.752 hộ (chiếm 7,76%). Một số xã trên địa bàn đã thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm năm 2017. Tiêu biểu,như :xã Lâm Trạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,75% (từ 38,35% xuống còn 27,60%); xã Mỹ Trạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,16% (từ 19,58% xuống còn 11,42%); xã Nhân Trạch có 150 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Hàn Quốc 50 người, Nhật Bản 70 người, Đài Loan 30 người)…
 
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch cho biết, trong quá trình triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, địa phương cũng gặp không ít khó khăn và vướng mắc. Theo đó, việc phân bổ kinh phí muộn, nên ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình; việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi chậm (đến tháng 6-2017) đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với các xã này. Cùng với đó, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm ở một số xã, phường chưa phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân. Nguyên nhân là do tình trạng nể nang, dòng họ, chia tách hộ, đặc biệt hộ nghèo là người cao tuổi còn cao.
 
Mặt khác, việc đầu tư thực hiện chương trình chưa đồng bộ, chưa chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Vẫn còn xảy ra tình trạng một số địa phương chưa tập trung vào rà soát hộ cận nghèo, còn phổ biến hiện tượng thoát hộ nghèo nhưng được chuyển hết qua hộ cận nghèo, dẫn đến tình trạng hộ cận nghèo tăng cao. Đáng nói, hiện nay, không chỉ trên địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng, người nghèo đang được thụ hưởng quá nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, như: chính sách BHYT, tín dụng ưu đãi, giáo dục, tiền điện, ... Chính điều này đã tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo của người dân, nên công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm ở cơ sở hết sức khó khăn.
 
Theo kế hoạch, trong năm 2018, Bố Trạch phấn đấu mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 1,92% và hộ cận nghèo giảm 1,95% so với năm 2017. Để hoàn thành các chỉ tiêu nêu trên, huyện đã xây dựng và đang tích cực triển khai các giải pháp thiết thực.
 
Cụ thể, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động; tập trung đào tạo nghề có chất lượng gắn với nhu cầu việc làm của thị trường nhằm đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Huyện sẽ triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã vùng dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển, xã đăng ký xây dựng nông thôn mới.
 
Đặc biệt, Bố Trạch cũng sẽ tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về công tác giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, cơ sở; kết hợp với việc vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên của các chi bộ Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, giúp đỡ người nghèo, nhất là các xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo là người cao tuổi tách hộ còn cao, tạo chuyển biến thực sự về nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các xã dân tộc, xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển về công tác giảm nghèo. Đồng thời, huyện mở chuyên mục giảm nghèo trên Đài truyền thanh của huyện và trên hệ thống truyền thanh của các xã, thị trấn để tuyên truyền về các gương điển hình, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững hay các mô hình nông dân làm giàu trên các địa bàn.
 
Thùy Lâm
,