.

Đối mặt với sạt lở

.
09:49, Thứ Năm, 06/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa nằm dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ phía bắc đèo Đá Đẽo kéo dài đến cầu Khe Rinh, giáp xã Trung Hóa. Ngoài các bản định cư của đồng bào Rục, Sách hay bị cô lập vào mùa lụt bão thì các thôn còn lại như: Phú Nhiêu, Hát, Khai Hóa, Tiến Hóa... hàng năm phải đối mặt với nạn sạt lở đất rất nặng nề.

Ông Đinh Tiến Thanh ở thôn Khai Hóa kể rằng: "Ngày trước con suối Mế Kề chảy song song với đường Hồ Chí Minh từ trong Phú Minh, Phú Nhiêu ra nhập với Khe Rinh rồi xuôi về phía thị trấn Quy Đạt chỉ là một lạch nước nhỏ hiền hòa. Khoảng năm năm trở lại đây, đặc biệt sau hai trận lũ tháng 10- 2010, dòng suối vỡ loang ra dần, trở nên hung dữ, lấy đất bên này bù sang bờ bên kia và ngược lại. Mỗi lần lũ lên, dòng nước Mế Kề cuốn theo hàng chục mét đất. Đêm nằm nghe đất sạt lở ầm ầm xuống lòng suối, xót lắm!".

Vốn là một xã biên giới cực kỳ khó khăn của huyện Minh Hóa, Thượng Hóa có 715 hộ, 3.199 khẩu. Diện tích chủ yếu là rừng trên 34. 382 ha, trong đó gồm: 21.954 ha rừng đặc dụng; 8.722 ha rừng phòng hộ và 306 ha rừng trồng. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 443 ha nhưng chỉ có hơn 9 ha trồng được lúa nước (thuộc dự án trồng lúa nước Rục Làn do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng làm chủ đầu tư). Phần lớn người dân xã Thượng Hóa trồng các loại hoa màu như: ngô, lạc, sắn... Ông Thái Xuân Hướng, cán bộ địa chính xã Thượng Hóa cho biết: "Vùng sạt lở chủ yếu tập trung vào đất nông nghiệp. Sau hai trận lũ trong năm 2010, căn cứ trên bản đồ địa chính và so sánh thực tế thì con suối Mế Kề đã nuốt mất của xã hơn 3 ha đất màu".

Cứ mỗi năm mỗi ít và cho đến đầu năm 2011 thì có 14 hộ dân ở các thôn: Phú Nhiêu, Hát, Tiến Hóa phải bắt buộc di dời khẩn cấp. UBND huyện Minh Hóa hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 15 triệu đồng làm kinh phí di dời, UBND xã Thượng Hóa giúp đỡ ngày công. Các hộ dân Đinh Xuân Đào, Đinh Xuân Niêm, Đinh Xuân Hóa ở thôn Hát bị suối Mế Kề ăn dần vào đất vườn, đến khi chỉ còn cách nhà chừng 10 mét thì hoảng quá, phải xin di dời sang chỗ ở mới.

 

Sạt lở đất sản xuất tại khu vực ngầm Kiểm lâm. Ảnh: Thanh Long
Sạt lở đất sản xuất tại khu vực ngầm Kiểm lâm. Ảnh: Thanh Long

Bước vào mùa mưa lũ năm nay và ngay sau khi bão số 4 tan, hiện tượng sạt lở ở Thượng Hóa càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Ông Đinh Tiến Thanh đưa chúng tôi ra phía bờ suối, chỉ tay giữa dòng bảo: "Ngày trước đất vườn của nhà tôi tới đó. Cứ qua một năm lại mất đi chừng hơn mét đất nên vườn thu hẹp lại dần. Tôi đã làm đơn gửi lên UBND xã xin hỗ trợ kinh phí để di dời gấp, chứ ở thế này thì không yên được". Liền kề với nhà ông Thanh là các hộ Đinh Thị Toàn, Đinh Xuân Thủy cũng lâm vào tình cảnh tương tự, suối ngày càng tiến vào gần nhà.

Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Cao Thanh Biên trong buổi làm việc với chúng tôi cho biết: "Hiện tại UBND xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính rà soát lại những hộ gia đình nằm trong khu vực bị sạt lở nặng để sớm có giải pháp giúp họ đến tái định cư nơi chỗ ở mới. Sơ bộ, toàn xã có đến 35 nhà. Riêng thôn Phú Nhiêu thường xuyên bị ngập mỗi khi lũ lụt xảy ra, nhiều hộ gia đình cũng có nguyện vọng chuyển chỗ ở. UBND xã đang tiến hành quy hoạch vùng đồi Ao Chẹt, sát đường Hồ Chí Minh tạo quỹ đất xây dựng khu dân cư mới và làm nơi tái định cư cho các hộ dân trong diện di dời. Với diện tích chừng 4 ha, kinh phí ước tính lên đến 5 tỷ đồng. Số tiền quá lớn đối với một xã nghèo như Thượng Hóa. Vì vậy, chúng tôi đã xin trợ giúp từ ngân sách của huyện và tỉnh".

Khi khu tái định cư Ao Chẹt hoàn thành, hy vọng sẽ giúp cho người dân xã Thượng Hóa sớm an cư, tránh nỗi lo sạt lở và ngập lụt trong mùa mưa bão.

                                                                                              Thanh Long

,