Cây mưng cổ thụ làng tôi

  • 07:52 | Chủ Nhật, 03/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi sinh ra trong một ngôi làng miền Trung gió Lào cát trắng, bên dòng sông Gianh lở bồi quanh năm vì lũ lụt triền miên… Nắng hạn, mưa bão, tối tăm và đói rét trộn lẫn vào nhau như nồi cơm dân làng quê tôi cái thời “một cổ hai tròng”, cứ ngày hai bữa độn sắn độn khoai, độn cả bột cây đùng đình và củ nghèn củ chuối…
 
Người quê tôi có câu ca: “Tháng giêng rét đài/Tháng hai rét lộc/Tháng ba rét đổ gộc cây mưng…”. Rét đài rét lộc thì chắc nhiều người đã biết, nhưng rét “đổ gộc cây mưng” thì chỉ người quê tôi mới hiểu. Ấy là vì vào tháng giáp hạt, cái ăn nhà nào cũng sạch như chùi, bấy giờ những cây mưng trổ lộc ven sông chính là nguồn cứu sinh của dân làng. Đọt cây mưng chát chua hoang dại, nhưng mà không độc hại và nhất là đỡ cơn đói. “Đói thì ăn rau mưng rau má/Đừng ăn bậy bạ mà khốn nghe con”. Cho nên vào tháng ba người trèo hái đọt mưng đông đến nỗi “đổ gộc cây mưng”…
 
Lớn lên được đi đây đi đó, tôi mới biết cây lộc vừng-cái loài cây đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các văn nhân thi sĩ-ở quê tôi chính là cây mưng. Nhưng cây mưng ở quê tôi không phải là cây để tao nhân mặc khách ngâm vịnh, mà là cây cứu đói. “Mắm lẹp kẹp với đọt mưng”, nuôi ông bà, cha mẹ tôi và cả tuổi thơ tôi qua bao mùa giáp hạt…
 
Bến đò làng tôi có cây mưng to lắm. Dân làng tôi không ai biết cây mưng ấy có tự bao giờ. Bà nội tôi bảo hồi bà còn nhỏ đã thấy cây mưng như thế: Sần sùi, già cỗi, đứng nghiêng nghiêng trên mô đất theo lẻo như chực đổ xuống lòng sông. Tưởng thế nhưng gốc mưng chắc bền vững chãi lắm! Con sông Gianh năm nào cũng lũ. Bến sông quê năm lở năm bồi, nhưng cây mưng vẫn đứng đấy năm này qua năm khác. Cây giữ đất để bảo vệ xóm làng. Đất giữ cây để làm chứng nhân cho những vui buồn, sướng khổ...
 
Bà tôi kể: Cái đêm địch treo cổ các đồng chí Cộng sản trốn theo bè nứa từ thượng nguồn về lên đọt cây mưng, bố tôi còn đỏ hỏn. Bà để bố nằm ngo ngoe như con mèo khản tiếng trên chiếc giường tre ọp ẹp, chạy sấp ngửa ra bến đò xem có ông tôi không. Ông tôi là thầy giáo trường làng, tham gia hội truyền bá quốc ngữ ở Đồng Hới, bị địch bắt lên quản chế tại một ngôi trường miền ngược sông Gianh...
 
Bà tôi lại kể: Cái đêm ông nội tôi cùng mấy người nữa đột ngột trở về, rì rầm bàn soạn đến khuya lại đi. Sáng hôm sau, trên đọt cây mưng cổ thụ mọc lên lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật. Bà lờ mờ đoán ra cái bọc vải ông ôm về giấu trong thúng trấu đêm qua...
 
Làng tôi đổi đời từ bữa đó. Trung thu năm ấy xóm dưới thôn trên rộn ràng tiếng trống ếch thiếu nhi. Bố tôi khản tiếng hô khẩu hiệu, dẫn đầu đám trẻ con đi cổ động khắp xóm. Mùa thu năm ấy hoa mưng rắc đỏ bến sông...
 
Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu. Ca nô địch từ cảng Gianh-Ba Đồn thỉnh thoảng lại kéo lên, phụt khói đen kịt một vùng sông nước. Chúng quẳng dây neo tàu vào gốc mưng rồi vào làng sục sạo, bắt bớ. Đến nay làng tôi vẫn truyền câu ca thế này:
 
        Nước nậy em ra đồng bắt con cua con cá
       Nước rặc em ra bãi biền hái rau má rau mưng
      Trăm năm mặn muối cay gừng
      Dù chàng ăn thiếp nhịn
     Một hai, hai một ... xin đừng theo Tây!
Làng tôi muôn người một lòng hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ, quyết tâm rào làng chiến đấu. Cây mưng bến đò trở thành một địa chỉ đỏ của “Làng kháng chiến”. Rồi trường thiếu sinh quân, xí nghiệp in, xưởng quân giới... và một số cơ quan của tỉnh sơ tán về làng tôi... Lịch sử thành văn của làng tôi, có lẽ chỉ bắt đầu từ đấy. Chi đội vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Bình mang tên vị lãnh binh Cần Vương Lê Trực, được thành lập ở làng Còi, tiếp giáp với làng tôi về phía thượng nguồn, sau đó phát triển thành Trung đoàn 18 anh hùng của Đại đoàn Bình Trị Thiên nổi tiếng.
 
Những năm tháng cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cảng Gianh phía hạ nguồn là mục tiêu bắn phá trong ngày đầu tiên máy bay Mỹ mang bom ra miền Bắc. Làng tôi vừa có tuyến vận tải sông Gianh, vừa có đường chiến lược 12A vượt Cổng Trời-Cha Lo sang Lào, lại vừa có tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua, nên trở thành một trọng điểm vô cùng ác liệt. Khó khăn, gian khổ, hi sinh… nhưng dân làng tôi vẫn đinh ninh “nhà tan cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau”. Suốt cuộc chiến tranh phá hoại, làng tôi vẫn “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Cây mưng bến đò lại chứng kiến bao cuộc chia tay tiễn trai làng ra trận. Gần hai trăm người con ưu tú của làng đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường…
 
Thế hệ chúng tôi may mắn lớn kịp để được vào bộ đội trong những ngày cả nước dốc sức cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dọc đường thiên lý trẩy về Nam, tôi đã được gặp bao nhiêu lá cờ đỏ sao vàng trổ trên những ngọn cổ thụ trong ngày vui đại thắng. Đất nước ta có biết bao ngôi làng cùng số phận như làng tôi! Biết bao cây đa, cây bàng, cây mít, cây dừa... là chứng nhân lịch sử của dân tộc.
 
Tôi xa quê lập nghiệp ở thành phố đã lâu, năm nào cũng cố thu xếp về quê vào dịp Tết Độc lập, để được chạy ra bến đò ngắm lá cờ đỏ sao vàng trổ trên đọt cây mưng cổ thụ, ngắm những chùm hoa mưng như những chùm đèn lồng bé xíu soi trên mặt sông. Quê tôi bây giờ có “điện-đường-trường-trạm” rất khang trang. Làng tôi bây giờ không ai phải lót bữa bằng rau mưng, rau má… Nhưng mỗi lần về quê, câu chuyện giảm nghèo, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới… của bà con cô bác vẫn còn dài lắm. Lại có những chuyện hết sức bức xúc như chuyện vay vốn ngân hàng sao kẻ khó người dễ? Chuyện bình xét hộ nghèo và hộ thoát nghèo, chuyện mấy anh “nhà điện” cửa quyền đóng mở cầu dao... Gần đây nhất là chuyện đền bù giải tỏa làm cầu làm đường...
 
Còn nữa: Nào là cái lũy tre ven sông che chắn lũ lụt bao đời, bỗng dưng bị dàn máy ủi bật tung hết cả lên, để giải ngân cho một cái dự án chưa làm đã biết chắc chắn là thất bại. Nào là những hàng rào dâm bụt, chè tàu phân định vườn tược, bây giờ đã được thay thế bằng những tường gạch cao lút đầu người, đêm đêm cửa đóng then cài, đèn nhà ai nấy rạng. Rồi chuyện anh em con cháu đôi khi sứt đầu mẻ trán chỉ vì cái tường rào xây lấn độ nửa gang tay. Rồi chuyện pha tạp, lai căng lối sống thị thành, cả những thói hư tật xấu mang về từ các thị trường lao động nước ngoài… Cứ cái đà này thì nay mai còn đâu cốt cách hồn vía của làng nữa?
 
Câu chuỵện đang chùng xuống thì ông giáo làng bạn tôi lên tiếng, thủng thẳng nhưng quả quyết: Mất thế nào được mà mất? Như cái chợ Ống làng mình đấy, bao đời nay bám vào cái mô đất theo lẻo bên cầu Ống, sụt lở bên này thì bà con dịch sang bên kia; năm sau lở bên kia thì bà con dịch sang bên này, quyết không chui vào ngôi nhà xây kiên cố của dự án “Điểm bưu điện văn hóa xã” bỏ hoang lãng phí từ ngày khánh thành… Vì sao các ông có biết không? Vì chợ làng là một góc hồn làng, đố ai di dời thay đổi được!
 
Chúng tôi cùng im lặng như người có lỗi. Rồi cũng chính ông bạn giáo làng tiếp tục: Làng mình bây giờ thôn xóm nào cũng đường đi lối lại phong quang, rải bê tông đến ngõ từng nhà. Các ông có biết vì sao dân làng mình nhiều nhà tự nguyện chặt cây vườn, nhường hương hỏa cho phong trào xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa không? Vì dân làng mình vẫn một mực tin Đảng và Chính phủ. Rứa đo!
 
Vâng, “rứa đo”! Con đường đi lên no ấm mạnh giàu của dân làng quê tôi còn rất nhiều chông gai cản trở. Nhưng dân làng tôi quyết đi, quyết đến. Cội nguồn của ý chí ấy là niềm tin vào Đảng quang vinh, vào con đường Bác Hồ đã lựa chọn cho dân tộc. Niềm tin ấy sáng bừng trên từng gương mặt, trên từng ánh mắt của dân làng sáng thu nay dõi theo lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đọt cây mưng...
Tùy bút của Mai Nam Thắng

tin liên quan

Cầu dài

(QBĐT) - Chiếc cầu ấy rất dài
Những bước chân tôi tuổi thơ 

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.

Đá Nhảy

(QBĐT) - Vắt vào biển lặng một vai
Thì thào sóng thở ngỡ ai tự tình