Đưa hò thuốc cá vào trường học

  • 07:12 | Thứ Năm, 24/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều trường học ở huyện Minh Hóa đã đưa hò thuốc cá vào truyền dạy. Việc làm này không chỉ giúp các em học sinh yêu thêm làn điệu dân ca của quê hương mà còn góp phần bảo tồn, phát huy điệu hò truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
 
Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa, cho biết: “Hò thuốc cá là làn điệu dân ca đặc trưng của người dân huyện Minh Hóa mà không có nơi nào có được. Điệu hò này ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi người dân đập rễ cây tèng ở đầu nguồn nước khe, suối để bắt cá. Hò có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc. Sau này, hò thuốc cá được sáng tác thêm lời mới trong nhiều lĩnh vực để tạo niềm vui, giảm mệt nhọc trong lao động sản xuất, học tập, vui chơi...".
CLB “Em yêu làn điệu dân ca Minh Hóa” của Trường THPT Minh Hóa giao lưu với nghệ nhân hát hò thuốc cá.
CLB “Em yêu làn điệu dân ca Minh Hóa” của Trường THPT Minh Hóa giao lưu với nghệ nhân hát hò thuốc cá.

Do hò thuốc cá dễ hát, dễ thuộc, mang tính tập thể cao, tạo không khí rộn ràng nên ai cũng có thể hò được. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, điệu hò này dần mai một. Để bảo tồn và phát huy những giá trị của hò thuốc cá, huyện Minh Hóa đã chỉ đạo thành lập 6 câu lạc bộ (CLB) đàn hát dân ca ở các xã, thị trấn và 4 CLB tại các trường học.

Năm 2021, Trường THCS Yên Hóa thành lập CLB đàn hát dân ca với 30 thành viên là những giáo viên và học sinh có niềm đam mê dân ca. Sau khi ra mắt, CLB đã tổ chức tuyên truyền nguồn gốc, ý nghĩa của các làn điệu dân ca, trong đó có điệu hò thuốc cá tại các buổi chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoại khóa... Hoạt động tuyên truyền được tổ chức thông qua các trò chơi tìm hiểu về văn hóa, lễ hội truyền thống địa phương, thi diễn kịch, làm dụng cụ dân tộc, múa hát về chủ đề hò thuốc cá... Ngoài ra, CLB sưu tầm nhiều tài liệu về văn hóa dân gian đặt tại các “Thư viện xanh” của lớp, trường để học sinh tìm hiểu.

Em Đinh Nữ Linh Giang, thành viên CLB đàn hát dân ca Trường THCS Yên Hóa bộc bạch: “Từ khi tham gia CLB, em thấy mình đam mê hát và tự hào hơn về những làn điệu của quê mình. Hàng tuần, chúng em đều tham gia tập luyện chăm chỉ và biểu diễn trong các hoạt động văn nghệ của trường, địa phương, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ”… Giang sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hát dân ca. Từ nhỏ, em đã theo các nghệ nhân trong làng học hát rồi thuộc nhiều làn điệu dân ca của địa phương…

Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hóa Phan Thị Tính chia sẻ: “Qua một thời gian thành lập và hoạt động, CLB đàn hát dân ca của trường đã thu hút thêm nhiều thành viên tham gia. Không chỉ tập hát, múa, các thành viên còn tích cực sưu tầm thêm nhiều làn điệu mới phù hợp với môi trường giáo dục. Nhờ đó, các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ thêm sôi động, hấp dẫn. Sắp tới, nhà trường sẽ chỉ đạo các lớp lựa chọn những học sinh có năng khiếu để đưa vào CLB sinh hoạt, đầu tư thời gian, đạo cụ, mời nghệ nhân về truyền dạy, tập luyện cho các em…”.

Nhiều học sinh của các trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa tham gia biểu diễn hát, múa dân ca tại các sự kiện.
Nhiều học sinh của các trường học trên địa bàn huyện Minh Hóa tham gia biểu diễn hát, múa dân ca tại các sự kiện.

Nhằm phát triển phong trào văn nghệ trong trường học, góp phần bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca truyền thống, tháng 10/2022, Trường THPT Minh Hóa đã thành lập CLB “Em yêu làn điệu dân ca Minh Hóa”. CLB thu hút gần 30 thành viên gồm học sinh và giáo viên trong trường. Mỗi tuần, CLB sinh hoạt 1 lần. Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên không chỉ tập hát mà còn tổ chức sưu tầm, sáng tác lời mới, mời nghệ nhân về giao lưu, truyền dạy.

Em Cao Tấn Linh, thành viên CLB “Em yêu làn điệu dân ca Minh Hóa”, tâm sự: “Ngày còn học lớp 6, em thường theo mẹ sinh hoạt tại CLB đàn hát dân ca của xã Minh Hóa và tham gia CLB luôn. Em nhận thấy trong mỗi làn điệu dân ca đều có tính giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, động viên tinh thần người dân trong lao động sản xuất. Sau khi tham gia thêm CLB ở trường, em có điều kiện để giao lưu, học thêm được nhiều làn điệu khác. Thông qua dân ca, em càng trân quý những giá trị lịch sử, văn hóa của cha ông đã dày công nghiên cứu, sáng tạo”.

“Năm 2021, hò thuốc cá được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài hò thuốc cá, trên địa bàn huyện Minh Hóa còn có: Hát đúm, ví, hát nhà trò, hát ru và hát sắc bùa... Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm, chỉ đạo để thành lập thêm CLB đàn hát dân ca ở các địa phương, đặc biệt là trong trường học để học sinh có điều kiện tập luyện, sưu tầm, sáng tác”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho hay.
Bí thư Đoàn trường THPT Minh Hóa Đinh Trọng Hoàn, Chủ nhiệm CLB “Em yêu làn điệu dân ca Minh Hóa”, cho biết: “Từ khi sinh hoạt trong CLB, các em học sinh ngày càng yêu thêm làn điệu dân ca quê mình, hiểu biết thêm nhiều giá trị lịch sử của địa phương. Nhiều em đã thể hiện được năng khiếu hát, biểu diễn các bài dân ca trên sân khấu và tham gia nhiều hội diễn. Để CLB hoạt động hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ mời thêm nghệ nhân về truyền dạy, sáng tác thêm các làn điệu mới phù hợp với lứa tuổi học sinh, cử thành viên đi tập huấn các lớp nâng cao”…
 
Việc đưa các làn điệu dân ca truyền thống vào trường học đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của hò thuốc cá và các làn điệu dân ca truyền thống của huyện Minh Hóa. Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Minh Hóa Đinh Tuấn Anh cho hay: “Trước khi đưa hò thuốc cá và các làn điệu dân ca Minh Hóa vào trường học, phòng đã phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa tổ chức tập huấn cho thầy, cô giáo dạy âm nhạc và thành lập một số CLB tại các trường ở những xã có phong trào đàn hát dân ca. Sau đó, tổ chức hội thi “Em hát dân ca” tại ngày hội học sinh tiểu học, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ. Thời gian tới, phòng sẽ chỉ đạo những trường có CLB đàn hát dân ca giao lưu, học tập và mở rộng thêm nhiều CLB để học sinh được ca hát, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương”.
Xuân Vương

tin liên quan

Làng tôi, bao đời nay như thế!

(QBĐT) - Mũi Viết-doi đất đầu làng, nơi thờ linh vị của các bậc tiền nhân khai sinh ra làng Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy, Lệ Thủy) cả tháng nay lung linh sáng, hắt ánh vàng xuống dòng Kiến Giang thơ mộng.

Lệ Thủy: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp Quốc khánh 2/9

(QBĐT) - Ngày 22/8, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho biết, địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh 2/9.

Giấc mơ tìm lại

(QBĐT) - Ngàn vạn năm
Trên bia đá vô danh
Người chiến sĩ
Mơ giấc mơ tìm lại một cái tên