Háo hức Tết Độc lập

  • 07:48 | Thứ Bảy, 02/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ấu thơ của chúng tôi, mỗi năm chỉ gắn liền với hai sự kiện đầy háo hức, là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập. Hồi đó, trong tâm trí chúng tôi, không có khái niệm Quốc khánh 2/9 mà chỉ biết đó là Tết. Từ ông bà, ba mẹ, đến cô thầy, ai cũng gọi là Tết Độc lập. Chúng tôi cũng chưa hiểu “Độc lập” là gì, nhưng cứ nghe nói đến “Tết” thì háo hức, sung sướng lắm!
 
Sau cái Tết Nguyên đán với áo mới, bánh chưng xanh, pháo nổ, được “ăn sung mặc sướng” với bốn ngày nghỉ xả hơi, lễ hội, thì tiếp đến là cả một chuỗi ngày dài dằng dặc, nhất là ba tháng nghỉ hè lao động, học tập, ăn cơ nhịn cực. Cho nên Tết Độc lập đến vào gần hai phần ba năm âm lịch, cũng là lúc tựu trường, như một vị “cứu tinh” của giấc mơ niên thiếu. Đó là một “món quà” của trẻ thơ, ngắt quãng thời gian dài đợi chờ Nguyên đán tiếp theo còn phải qua mùa gió mưa, giá lạnh.
 
Mà thực ra, Tết Độc lập lúc bấy giờ cũng tinh thần là chủ yếu. Vật chất chỉ có cửa hàng mậu dịch bán cho mỗi hộ mấy lạng kẹo, bánh. Hợp tác xã chiều mồng một mổ trâu, bán tiêu chuẩn cho mỗi khẩu một lạng. Còn tinh thần, nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng. Sân kho hợp tác xã tổ chức đánh cờ tướng, múa sư tử, văn nghệ. Nhưng những việc nói trên đều là của người lớn. Trẻ em có một niềm vui khó tả khác.
 
Làng quê chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề nón lá. Trẻ em mới lên năm lên sáu đã phải tham gia công việc rồi. Nhỏ xíu thì ngồi còng lưng cặp nón (đường nức cho vành nón khỏi sổ). Bảy, tám tuổi đã ôm cả cái khuôn nón to đùng để may như người lớn. Lại còn phải đi học, nên chẳng ai có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Ăn uống quá kham khổ, nên đứa nào cũng còi cọc khô khan. Chờ đợi đến Tết Độc lập để được nghỉ một ngày, được một bữa ngon thực sự là khát khao “chảy bỏng”.
 
Tết Độc lập không có áo mới như Tết Nguyên đán. Bởi vậy, trước đó mấy ngày, chúng tôi đã phải “để dành” một bộ tươm tất nhất, giặt giũ, gấp nếp cẩn thận, không dám đụng vào. Cả đêm mồng một nằm thao thức mãi mới ngủ được. Sáng mồng hai, trời mới mờ mờ, anh em chúng tôi đã véo nhau tỉnh dậy, nhìn nhau đầy thích thú, háo hức. Riêng tôi, bao giờ cũng vậy, trước khi nhảy xuống giường, còn “lãng mạn” ngâm nga bài thơ của Tố Hữu:
 
“Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!!!...”
Minh họa trang 9.jpg
Đánh răng rửa mặt xong, tôi và anh cả đứng xếp hàng, được mẹ phát cho mỗi đứa năm hào, chỉ chờ có thế là nhảy ào ra đường. Rất “thông lệ”, bạn bè quanh nhà, đứa nào cũng được mẹ phát cho năm hào như vậy. Chúng tôi nắm tay nhau, đi hết con đường làng, băng qua cánh đồng và một con kênh để đến thị trấn.
 
Việc đầu tiên là chui vào cửa hàng ăn uống duy nhất, ngồi vào bàn ngay ngắn và kêu một tô phở năm hào. Chúng tôi phải tranh thủ đi sớm, nếu trưa là không có chỗ ngồi. Bà bán phở tươi cươi múc từng bát một rồi gọi chúng tôi vào bưng ra mà ăn. Bà là người bà con với ba tôi, nên cứ đến bát của anh em tôi, bà lại “nhón” cho thêm một miếng thịt bò mỏng, ấy thế mà nghe chúng tôi về kể, cứ mỗi lần gặp bà, là ba tôi cảm ơn rối rít. Chao ôi, bát phở với những miếng thịt bò duy nhất trong năm sao mà ngon đến lạ. Có đứa cứ ngồi bần thần húp từng thìa nước dùng, vì sợ ăn sẽ mau hết. Chúng tôi rong chơi suốt một ngày ở thị trấn, dù chẳng có gì mới, cho đến khi rã rời, khát nước khô họng mới trở về nhà.
 
Tôi còn nhớ mãi Tết Độc lập năm 1975. Đây là cái Tết Độc lập đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất nên hợp tác xã tổ chức rầm rộ lắm, ngoài văn nghệ hát múa còn có cả diễn kịch nữa. Mậu dịch cũng phân phối bánh kẹo nhiều hơn. Thịt trâu cũng được phát miễn phí cho mỗi khẩu hai lạng. Nhà tôi được nhận đến 1,8kg, sướng ơi là sướng. Lúc này, tôi cũng đã biết “chập chững” làm thơ: “Ba mươi năm ấy vẻ vang/Ba mươi năm ấy huy hoàng sáng trưng/Ba mươi năm ấy tưng bừng/Ba mươi năm ấy lẫy lừng năm châu…”.
 
Buổi sáng như thường lệ, chúng tôi đứng xếp hàng chờ mẹ phát năm hào, bỗng nghe tiếng khóc to, nức nở của bác láng giềng. Cả nhà tôi chạy sang, thấy bác gái đang ôm chặt bàn thờ và di ảnh của cô con gái là liệt sỹ thanh niên xung phong. Tiếng khóc ai oán, xót xa: “Con gái ơi, nước nhà thống nhất rồi, răng Tết Độc lập ni con không về với mẹ…”. Chúng tôi đứng dụi mắt khóc theo, chẳng đứa nào nghĩ đến năm hào mẹ cho nữa.
 
Suốt cả ngày hôm đó tôi bị ám ảnh bởi tiếng khóc, ám ảnh bởi nụ hôn của bác gái với di ảnh người con gái. Tô phở hôm ấy với tôi cũng đắng ngắt. Tuy còn nhỏ, nhưng lúc này tôi đã cảm nhận được cái giá phải trả cho Tổ quốc độc lập, thống nhất.
 
Với tôi, cứ đến Tết Độc lập-tôi vẫn quen gọi như thế, lại thay một Quốc kỳ mới treo ở nơi cao nhất nhà, đi thắp hương ở nghĩa trang liệt sỹ. Sau đó, cùng gia đình đến quán phở gần chỗ ngày xưa, dù quanh nhà quán phở ngon không thiếu.
 Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.

Đá Nhảy

(QBĐT) - Vắt vào biển lặng một vai
Thì thào sóng thở ngỡ ai tự tình

Cầu dài

(QBĐT) - Chiếc cầu ấy rất dài
Những bước chân tôi tuổi thơ