.

Khi toàn dân xây dựng đời sống văn hoá

.
07:38, Thứ Ba, 19/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực để phát triển, những năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ việc thực hiện phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, hoạt động đoàn thể; nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, phát triển, góp phần thúc đẩy các phong trào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Từ những điển hình tiến tiến

Làng Sa Động (Bảo Ninh, Đồng Hới) là một trong những làng quê có nhiều đặc trưng văn hoá của vùng biển Quảng Bình. Từ nhiều năm nay, cùng với việc bám biển, bám làng để phát triển kinh tế, người dân Sa Động còn bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá của làng, nổi bật nhất là tục thờ Cá Voi hay còn gọi là Cá Ông.

Theo các bậc cao niên trong làng, Cá Ông có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tâm linh của người dân. Lăng thờ Cá Ông được xem là nơi linh thiêng của làng. Tại đây hằng năm, vào tháng tư âm lịch, dân làng lại mở hội Cầu ngư và tế cúng Đức Ông nhằm tưởng nhớ công đức của người xưa và cầu mong trời yên biển lặng, ngư dân làm ăn phát đạt. Cùng với nghề ra khơi đánh bắt hải sản, những hoạt động dịch vụ như chế biến hải sản (làm nước mắm, cá khô, ruốc, thính,...), môi giới thu mua hải sản,... cũng đem lại nguồn thu khá cao cho người làng Sa Động, giải quyết công ăn việc làm cho con em địa phương. Không chỉ phát triển kinh tế, từ năm 2001 đến nay, Sa Động liên tục được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.

Năm 2012, làng có 3 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh là lăng Cá Ông, miếu Âm Hồn, miếu Ông Nghị. Các nghi lễ, lễ hội truyền thống của làng vẫn được tổ chức đều đặn hằng năm, phong tục, tập quán của làng biển được truyền tụng từ đời này sang đời khác, trở thành nét thơm văn hóa của cư dân vạn chài.

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương của người dân Đồng Hới.
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương của người dân Đồng Hới.

Là một làng quê có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, Quảng Xá (Quảng Ninh) đã có nhiều cách làm hay, mô hình mới trong việc xây dựng đời sống văn hoá. Bộ mặt nông thôn ở Quảng Xá khá khang trang hiện đại, đồng bộ từ trường học, trạm y tế, đến các sân chơi thể thao, nhà văn hoá, sân khấu biểu diễn văn nghệ ngoài trời... Đường làng, ngõ xóm ở Quảng Xá được bê tông hoá. Người dân nơi đây luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: sản xuất kinh doanh giỏi, thi đua xây dựng đời sống văn hoá, làng văn hoá... Để thúc đẩy phong trào phát triển, làng đã thành lập được Câu lạc bộ Gia đình văn hoá và duy trì hình thức sinh hoạt định kỳ với các nội dung được xây dựng theo từng chủ đề như hôn nhân gia đình, nói chuyện pháp luật, thực hiện công tác dân số...

Mô hình này đã thu hút nhiều gia đình tham gia, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hương ước, quy ước của làng. Truyền thống hiếu học của làng cũng được các thế hệ người dân tiếp nối và phát triển. Con em của làng luôn được đến trường đúng độ tuổi, người làng Quảng Xá có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư khá cao so với các làng quê khác.

Quảng Xá cũng được biết đến là vùng đất của các di sản văn hoá phi vật thể như trò chơi đánh đu, bài chòi, cờ người, các làn điệu dân ca. Để các giá trị văn hoá ấy không bị mai một theo thời gian, Quảng Xá đã thành lập ra các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể thao và tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ, tết... Cùng với việc đầu tư hội trường của làng với quy mô 2 tầng hiện đại, người dân Quảng Xá còn đóng góp tiền của, công sức để đầu tư các trang thiết bị từ ti vi, tủ sách, loa máy đến nhạc cụ và trang phục biểu diễn... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Làng đã xây dựng được đội văn nghệ quần chúng với lực lượng nòng cốt là Đoàn thanh niên và Câu lạc bộ dân ca mà hạt nhân là những người cao tuổi để biểu diễn phục vụ bà con và tham gia các hội diễn do cấp trên tổ chức.

Những dấu ấn của làng văn hoá Phong Giang, thị trấn Kiến Giang huyện Lệ Thủy chính là sự tập hợp sức dân để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài. Nhờ đó làng đã có một hệ thống đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá, sân bãi thể thao... khá đồng bộ. Hội khuyến học của làng đã luôn phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc khen thưởng kịp thời những học sinh có thành tích cao trong học tập, hỗ trợ con em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thúc đẩy phong trào học tập của con em trong làng.

Những làng quê khác như Cảnh Dương (Quảng Trạch) với việc bảo tồn, phát huy làn điệu hát ru, làng Thổ Ngoạ (Quảng Trạch) với nghề truyền thống nón lá và rất nhiều làng quê văn hoá  ở các địa phương trong tỉnh đã thực sự trở thành những điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng trên địa bàn tỉnh.

Và sức lan tỏa...

Từ việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ở khắp các địa phương, phong trào thi đua phát triển kinh tế với nhiều hình thức như hỗ trợ vốn vay, cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề... đã nâng cao đời sống cho người dân, tạo điều kiện để các địa phương huy động sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 1.119 nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố; 30 nhà văn hoá xã, cùng nhiều trang thiết bị như tủ sách, loa máy, nhạc cụ, bàn ghế... Đặc biệt từ phong trào đã xây dựng được nhiều gương điển hình, trở thành nét đẹp văn hoá ở khắp các làng quê, các cơ quan, đơn vị.

Nét nổi bật của phong trào là các hoạt động nhằm xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hoá, gia đình văn hoá và các phong trào “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” của Mặt trận Tổ quốc, “Thi đua dạy tốt, học tốt” của ngành Giáo dục Đào tạo... và đặc biệt là góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, đã có 14.000 hội viên nông dân tự nguyện hiến trên 970.000m2 đất, trị giá trên 37 tỷ đồng, có 8.700 hộ tự nguyện tháo dỡ 21,3km tường rào, trị giá gần 15 tỷ đồng, chặt bỏ 202.555 cây trồng... để mở rộng đường giao thông, xây dựng công trình phúc lợi công cộng. Các gia đình trên mỗi cộng đồng dân cư đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình văn hoá, với 155.773/213.067 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi để các làng quê xây dựng làng văn hoá. Toàn tỉnh hiện có 560/1.271 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá, 878/1.296 khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến và xuất sắc (đạt tỷ lệ 67,75%).

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên các địa bàn hưởng ứng tích cực. Một số bộ môn như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng... phát triển khá mạnh không chỉ ở vùng đồng bằng mà còn được nhân rộng ra các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Rèn luyện thể thao trong quần chúng nhân dân đã chuyển từ tự phát sang tự giác, trở thành thói quen hàng ngày và là nhu cầu của mỗi người dân.

Phải nói rằng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ việc thực hiện phong trào đã khơi dậy ý thức phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xuất hiện ngày càng nhiều mẫu gia đình văn hoá tiêu biểu, các tệ nạn xã hội từng bước được hạn chế và đẩy lùi. Những kết quả đó không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự “gắn kết” các gia đình, dòng họ, tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy người dân thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.

                                                                          Nhật Văn




 

,