.

Đũa tre

.
08:04, Thứ Ba, 24/04/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ bao đời nay, đôi đũa là vật không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực của người dân Việt Nam, là một phần của văn hoá dân tộc. Đũa ngày nay được làm từ các vật liệu khác nhau như inox, nhựa, gỗ... nhưng chắc chắn rằng chỉ có đôi đũa được làm bằng tre là được nhiều người ưa chuộng nhất. 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Quê tôi, cũng như nhiều làng quê khác trên dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S xinh đẹp, nên thơ một phần là nhờ có những cây tre xanh xanh làm dáng. Sẽ không thể thành làng, thành xóm mà thiếu đi lũy tre, ao cá, vườn cây. Tre mọc quanh làng,  soi bóng bên bờ ao, cao vút nơi cánh đồng hay vững chãi ở đầu đình, bến nước.

Tre có mặt trong cuộc sống thường ngày của người dân Việt, từ những đồ dùng nhỏ như rổ rá, dần, sàng, đến những việc lớn hơn như làm hàng rào, bờ dậu, tre làm thành nhà, cổng làng, cổng xóm... Và gần gũi thân thương nhất là đôi đũa tre, vật dụng không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Tôi thường nhớ về ngày xưa, lúc chị em tôi còn có ngoại. Ông hay chỉ cho chị em tôi cách chọn những cây tre già để vót đũa. Ông nói: nếu làm đũa bằng tre non thì không thể sử dụng lâu dài vì dễ bị mọt. Mỗi khi không vướng bận chuyện đồng áng, ông lại chẻ tre vót đũa. Em tôi ngồi cạnh và đếm những chiếc đũa vừa hoàn thành từ tay ông cho đến khi thành một bó to.

Mỗi lần như thế, ông dạy cho nó cách làm phép tính cộng, trừ từ việc đếm đũa. Vì thế mà khi vào lớp một, nó là đứa tiếp thu môn toán nhanh nhất khiến cho cô giáo và các bạn cùng lớp không khỏi ngạc nhiên. Những bó đũa tròn tròn từ tay ông làm lần lượt được treo lên sàn bếp để hong khói. Trải qua thời gian, những chiếc đũa trắng ngà chuyển thành màu đen óng, trơn, nhẵn và có thể dùng trọn cả đời người mà không bị hư hỏng.

Ngày trước, thế hệ ông bà, cha mẹ tôi thường nấu cơm bằng nồi đúc trên bếp củi tre đỏ rực. Và để cho cơm chín thơm ngon, không bị khê, cháy hay chín không đều thì phải có một đôi đũa to để xới khi cơm dần cạn nước. Đôi đũa đó được gọi là "đũa cái". "Đũa cái" được làm bằng thanh tre già, có độ dày và khá dài, một đầu to hơi dẹp, một đầu tròn để dễ cầm giúp xới cơm tơi mà không bị cong hoặc gãy. Đôi đũa này còn dùng để lấy cơm vào bát cho người ăn thay vì phải dùng muỗng. Khi ngồi vào mâm cơm, nhìn cách xới cơm cho từng người của các bà, các chị là có thể biết ngay nề nếp, thứ bậc của gia đình.

Thông thường, người phụ nữ là cô út trong nhà, hoặc là cô con dâu, hay con gái một ngồi gần nồi cơm để lấy cơm cho các thành viên khác. Bát cơm được lấy đầu tiên luôn dành cho người lớn tuổi nhất là cụ, là ông bà rồi mới đến cha mẹ, anh chị, các em, các cháu... Các đôi đũa cũng được trao tận tay từng người theo trật tự như thế. Điều đó thể hiện rõ đạo lý kính trên nhường dưới, sự lễ phép của cháu chắt đối với ông bà, con cái đối với cha mẹ, của vợ đối với chồng...

Không chỉ đơn thuần là vật dụng dùng trong bữa ăn, đôi đũa tre của người Việt Nam còn được biết đến như là một biểu tượng của sự bình đẳng, tình đoàn kết và sự gắn bó keo sơn. Đũa luôn có đôi, to nhỏ cân xứng cùng nhau nên thường được ví như một cặp vợ chồng, đồng tâm hợp lực. Đũa không thể rời nhau, không thể không giống nhau vì nếu thế đũa sẽ không có giá trị đối với người sử dụng.

Thành ngữ có câu: "Vợ chồng như đũa có đôi" là để nói lên tính tương xứng, hài hoà của đôi đũa. Hay khi có đôi vợ chồng không cân xứng nhau về chiều cao, không hoà hợp nhau, người ta cũng nói rằng: "Ví dầu chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho vừa" (Ca dao). Trong kho tàng văn học Việt Nam có câu chuyện "Bó đũa" mang ý nghĩa hết sức sâu sắc về tình đoàn kết. Thông qua việc người cha thách đố các con bẻ gãy một bó đũa thì mới có  thưởng mà không ai bẻ được, chỉ đến khi ông rút ra từng chiếc thì bẻ một cách dễ dàng đã nhắc nhở con cháu rằng: Khi bị chia ra thì cái gì cũng yếu, nhưng khi tập hợp lại thì chính những chiếc đũa nhỏ bé ấy cũng tạo nên sức mạnh không dễ bị khuất phục. Đó chính là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, và khi có  được sự đoàn kết thì không có việc gì mà con người không thể làm được.

Đôi đũa tre với những đặc điểm không dễ thay thế nên dẫu cuộc sống hiện đại với rất nhiều lựa chọn khác nhau thì đũa tre vẫn được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Việt Nam từ bữa ăn gia đình đến tiệc tùng sang trọng thiết đãi khách quý trong các nhà hàng khách sạn. Có một thời gian, nhiều người chuyển từ việc dùng đũa tre sang đũa nhựa vì đũa nhựa có màu sắc, kiểu dáng đẹp nhưng họ cũng sớm nhận ra rằng, đũa nhựa không chịu được nhiệt cao nên dễ gãy, dễ bị co lại và rất nhanh chóng bị úa màu.

Chưa kể đến là dùng đũa nhựa với độ trơn khá cao nên rất khó gắp thức ăn, nhất là các món chiên, rán. Đũa được làm bằng inox thì lại nặng, khi ăn lỡ có chạm vào nhau lại phát ra âm thanh và rất dễ rơi rớt ra khỏi bàn ăn vì vừa nặng vừa trơn bóng. Một loại đũa khác là đũa gỗ đang rất được ưa chuộng vì màu sắc đẹp, tiện dùng nhưng độ bền lại không cao, không tiện cho việc dùng để nấu nướng, chiên xào như đũa tre. Và thế là đũa tre lại trở thành lựa chọn số một không chỉ của các gia đình mà có mặt ở hầu hết các nhà hàng, khách sạn lớn nhỏ.

Bất cứ ở đâu trên dải đất Việt Nam hay cả những phương trời xa lạ, hễ thấy đôi đũa tre được dùng trong bữa ăn là bắt gặp ngay hình ảnh thân thương của quê nhà. Đôi đũa tre được ví như một phần của văn hóa Việt, gợi cho ta nhớ về làng quê với luỹ tre xanh cùng ao nước, sân đình, với ông bà, cha mẹ ta xới nồi cơm bằng đôi "đũa cả" trong làn khói mỏng thơm nồng hương rạ và nhớ về những ngày tháng thật bình yên nơi ta được sinh ra.

                                                                                               Nhật Văn

,