.

Dẻo thơm cơm nắm muối vừng

.
10:46, Thứ Năm, 06/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong các món ăn dân dã cổ truyền của người Việt, có lẽ mo cơm nắm kết hợp với muối vừng đã trở nên quen thuộc và lưu dấu nhiều kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời mỗi con người. Cơm trắng muối vừng theo bộ đội trên  chặng đường hành quân gian khổ trong những năm tháng chiến tranh và là món quà quê thắm tình, đượm nghĩa của của người ở lại dành cho người đi xa. Và nữa, ngay cả chốn đô thị, cơm trắng muối vừng cũng trở thành món ăn được yêu thích như một tinh hoa văn hoá trong ẩm thực của dân tộc.

Trong niềm thương nỗi nhớ của tôi, hình  ảnh quê hương luôn gắn liền với mẹ và những mùa mưa lũ nước ngập xóm làng. Những ngày gian khó đó, mẹ đã sưởi ấm cả gia  đình tôi bằng bữa cơm nóng hổi ăn với muối vừng.

Hạt lúa, hạt vừng (mè) đều được làm nên từ hương đất vườn nhà và đôi bàn tay của mẹ. Năm nào cũng thế, khi những đợt gió mùa đông bắc tràn về, thế nào mẹ cũng chuẩn bị sẵn thức ăn khô phòng lúc mưa to, gió lớn không thể đi chợ được. Đó là gạo, cá khô và món không thể thiếu là muối vừng. Mẹ đã có những đêm mất ngủ cặm cụi rang hạt vừng, hạt lạc rồi chà xát để tách vỏ, giã nát, đem trộn với muối cũng đã được rang qua và cho vào từng chiếc lọ đậy nắp thật kỹ.

Còn nhớ những ngày tháng sinh viên, mỗi lần về thăm nhà, tôi lại được mẹ làm cho mấy lọ muối vừng để mang theo. Ngày trở lại trường, thế nào đám bạn thân thiết cũng tụ tập tại căn phòng bé nhỏ của tôi để thưởng thức quà quê, khi thì chiếc bánh lá gai, khi thì vài gói kẹo lạc và không lúc nào thiếu muối vừng.  Món ăn giản dị đó đã theo suốt thời sinh viên của tôi. Tôi nhớ mãi đợt lũ lịch sử năm 2000, dường như cả thành phố Huế bị nước bao phủ. Lũ sinh viên chúng tôi mỗi đứa tìm một nơi an toàn để tránh lũ. Tôi theo mấy bạn cùng dãy trọ băng qua dòng nước và trú tạm tại một trường học cao tầng.

Hành trang mang theo lúc chạy lụt của tôi là lọ muối vừng và mấy gói lương khô mẹ gửi vào cho trước những ngày lũ bão. Bác bảo vệ nhà trường cho chúng tôi mượn tạm chiếc bếp dầu và vài lon gạo, thế là đã đủ  no cho chúng tôi suốt những ngày trú lụt. Có lẽ suốt cả cuộc đời chúng tôi không quên được bữa cơm ngày ấy bởi đó là lúc chúng tôi cảm nhận được sự ấm ấp, bình yên nhất từ chính món ăn dân dã của quê nhà. Ai cũng tấm tắc khen: muối vừng ngon và hấp dẫn đến lạ.

Quê tôi, dãy đất hẹp nhất của Tổ quốc oằn vai gánh hai đầu đất nước thường xuyên phải chịu những đợt mưa lũ trắng trời. Người dân quê vốn đã rất khó khăn mới có được ngôi nhà, vài ba sào ruộng, coi đó là vốn liếng để lo cho con cái học hành. Ấy vậy mà khi lũ ồ ạt ùa về thì tất cả những gì quý giá nhất mà người  dân tích cóp bấy lâu đều trôi theo dòng nước. Không ít người dân quê cũng bị lũ cuốn đi và mãi mãi không về. Thường thì lũ lụt kéo dài chừng vài ba ngày và thực phẩm chính mà người ta cứu trợ cho người dân là mì tôm. Ngày thường ăn được mì tôm cũng không phải dễ. Gọi là mì ăn liền nhưng phải có nước sôi, có dụng cụ mới pha chế được.

Thế nên trong lũ, giữa cái đói và rét có được mì tôm cũng đã là quý hoá lắm rồi nhưng để ăn chín thì  không thể nên chỉ còn  cách nhai sống cho qua bữa. Ăn mì sống một bữa đã khó, nhất là người già và em bé chứ vài ba bữa  thì ngán nhưng ai ai cũng cố gắng động viên nhau ăn để giữ sức. Năm ngoái lũ lụt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người dân. Trong khó khăn, tình người  luôn ngời sáng. Người ta giúp nhau tránh lũ, cho nhau mì tôm, nước uống. Ở các vùng tâm lũ, người dân nhận được rất nhiều mì tôm và loại thực phẩm này trở thành  bữa ăn chính ở các gia đình không phân biệt người già và trẻ nhỏ.

Hôm xem ti vi thấy ở Hà Tĩnh, người ta nấu cơm trắng muối vừng rồi vắt thành từng nắm mang đến cho bà con vùng lũ thấy cảm động và ấm áp tình người  biết bao. Cầm nắm cơm nóng hổi giữa cái rét, nhiều người rưng rưng nước mắt vì cảm động trước món quà giản dị mà hết sức thiết thực. Từ Hà Tĩnh, nhiều địa phương khác cũng học tập cách làm này, cơm trắng muối vừng trở nên độc đáo và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Ngày xưa, nhắc đến cơm ăn cùng muối vừng người ta nghĩ ngay đến bữa ăn đạm bạc của những người dân nghèo. Có nhiều gia đình đến cơm cũng không được trắng do phải trộn thêm khoai, sắn nên có bữa cơm trắng ăn với muối vừng xem như đã đủ đầy, ai ai cũng thích.

Giờ đây, cơm trắng muối vừng đã trở thành một nét thanh nhã trong ẩm thực người Việt. Nhiều nhà hàng, quán xá sang trọng, đặc biệt là các nhà hàng cơm niêu đều có món này và lúc nào cũng có sức hút đặc biệt đối với thực khách bởi cái hương vị ngọt, bùi, thơm, dẻo rất riêng.

Tôi gọi hương vị đó là hương quê. Cầm vắt cơm trắng tinh khiết, nóng hổi, chấm vào đĩa muối vừng thơm lừng là đã có thể cảm nhận được cái hương vị ngọt dẻo làm ấm lòng người giữa tiết trời se se của buổi giao  mùa. Và bất cứ ở đâu, nếu đã một lần được ăn cơm trắng muối vừng thì chắc chắn bạn sẽ  cảm nhận được hương vị quê nhà bởi đó là sản phẩm được kết tinh từ hương đất và tình người trên mỗi làng quê Việt.

                                                                                           Mỹ Huệ

,